Ngày 23/12, trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, người dân không nên lo lắng về thông tin 14 triệu người Việt Nam bị tâm thần, vì bệnh lý tâm thần có nhiều dạng từ rất nhẹ đến nặng, chứ không phải ai cũng bị chứng tâm thần phân liệt như người dân vẫn hiểu.
“Triệu chứng rối loạn tâm thần đa dạng nhiều loại, từ rất nhẹ đến nặng, từ những người bị chứng trầm cảm đến những người bị rối loạn nhiễu tâm trí, không phải ai cũng mắc dạng nặng như dạng tâm thần phân liệt.
Còn con số 14 triệu người Việt Nam bị tâm thần là hoàn toàn đến, nhưng như tôi đã nói, bệnh lý tâm thần có rất nhiều dạng, không phải dạng nào cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, khi người dân chưa hiểu hết những dạng của bệnh lý tâm thần như thế nào thì khi nghe đến con số đó sẽ giật mình, lo lắng, hoang mang. Nhưng nên hiểu đó là điều bình thường, các nước trên thế giới cũng như thế”, ông Khoa chia sẻ.
Trước đó, sáng 7/12, trong Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần diễn ra tại Hà Nội có thông tin, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng.
Cũng theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.
Để giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phấn đấu ban hành luật Sức khỏe tâm thần trước năm 2020 và đặt ra mục tiêu 50% bệnh nhân rối loạn tâm thần được điều trị vào năm 2025. Hàng năm, ngân sách y tế sẽ dành ít nhất 5% cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Video: Xót xa mẹ già phải xây chuồng nhốt 3 con trai tâm thần, tật nguyền
Bình luận