• Zalo

Cơ chế thở 'kỳ dị' của loài khủng long tí hon

Khám pháThứ Ba, 13/07/2021 10:02:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà khoa học từng giả định tất cả các loài khủng long đều có phổi hoạt động như phổi của các loài chim, nhưng nghiên cứu mới đây cho kết quả trái ngược.

Khác với con người mở rộng phổi để nhận không khí vào và co bóp để đẩy ra ngoài, loài chim làm điều khác biệt. Phổi của chúng không di chuyển. Thay vào đó, chúng sở hữu các túi khí bên ngoài để bơm không khí vào và ra. Chim là loài khủng long cuối cùng còn sống sót, vì vậy các nhà khoa học từng cho là tổ tiên của chúng cũng có cơ chế thở tương tự. 

Nhưng hóa thạch của Heterodontosaurus tucki, loài khủng long nhỏ kích thước ngang với con gà tây tiết lộ một cơ chế thở khác biệt. 

Phân tích bộ xương hóa thạch được bảo quản tốt tới đáng kinh ngạc của Heterodontosaurus, các nhà nghiên cứu phát hiện loài khủng long này xương sườn hình mái chèo và các xương nhỏ giống như que tăm hỗ trợ việc thở. 

Cơ chế thở 'kỳ dị' của loài khủng long tí hon - 1

Hình ảnh mô phỏng về một con Heterodontosaurus tucki. (Ảnh: Viktor Radermacher)  

Bằng cách uốn cong các cơ nối giữa xương sườn bụng và xương chậu cũng như các đĩa đệm và xương ức, loài khủng long này sẽ hít vào không khí bằng cách căng phồng bụng và ngực, sau đó thả lỏng các cơ đó để đẩy không khí ra ngoài. 

Heterodontosaurus lang thang trên khắp hành tinh của chúng ta cách đây 200 triệu năm. Nó thuộc nhóm khủng long Ornithischian khổng lồ ăn cỏ. 

Thông qua cấu trúc và quá trình thở của Heterodontosaurus, các chuyên gia cổ sinh vật học nắm được các yếu tố sinh học ảnh hưởng đến các loài khủng long khác đến sự tồn tại và tuyệt chủng của chúng.

Nghiên cứu về Heterodontosaurus cũng cho thấy sự đa dạng sinh học trong thời đại đồ đá cũ của Trái đất. 

Trước phát hiện này, một số nhà khoa học nghi ngờ loài ornithischians có thể thở khác với các loài khủng long khác.

"Mẫu vật H. tucki được bảo quản tốt này "là mảnh ghép còn thiếu" để xác nhận giả thuyết đó", Viktor Radermacher - nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota (Mỹ) cho hay. 

Diệu Hoa(Nguồn: Live Science)
Bình luận
vtcnews.vn