Sinh vật trong phân khủng long 'nhìn chằm chằm' vào các nhà khoa học

Khám pháThứ Hai, 05/07/2021 16:15:32 +07:00
(VTC News) -

Loài bọ cánh cứng này được bảo quản tốt tới mức khi mô hình hóa trên màn hình, các nhà khoa học tưởng như chúng đang nhìn chằm chằm vào họ.

Các nhà khoa học gần đây phát hiện ra loài bọ cánh cứng 230 triệu năm tuổi được bảo tồn nguyên sơ trong hóa thạch phân khủng long.

Loài này đại diện cho một họ bọ cánh cứng mới, có thể là món ăn nhẹ ưa thích của những con khủng long trong kỷ Tam Điệp (từ khoảng 252 triệu đến 201 triệu năm trước).

"Chúng tôi không biết côn trùng thế nào trong kỷ Tam Điệp và giờ chúng tôi đã có cơ hội", Martin Fikáček, nhà côn trùng học tại Đại học Sun Yat-sen ở Đài Loan và đồng tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Current Biology cho biết. 

Sinh vật trong phân khủng long 'nhìn chằm chằm' vào các nhà khoa học - 1

Hình ảnh mô phỏng về Triamyxa coprolithica. (Ảnh: Qvarnström et al)

Bằng công nghệ mới, Fikáček và nhóm nghiên cứu phân tích hóa thạch phân khủng long và nhận ra những con bọ còn nguyên chân và râu. Nhóm nghiên cứu tin rằng canxi phosphat của hóa thạch phân khủng long cùng với sự khoáng hóa ban đầu của vi khuẩn có thể giúp bảo tồn lũ bọ. 

"Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những con bọ này được bảo quản tốt thế nào. Khi bạn mô hình hóa chúng trên màn hình, trông như thể nó đang nhìn vào bạn vậy", Martin Qvarnström, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết. 

Các nhà khoa học đặt tên cho loài bọ cánh cứng này là Triamyxa coprolithica. Triamyxa có thể từng sống trong môi trường ẩm ướt. Những con bọ dài 1 mm này nhiều khả năng bị Silesaurus opolensis, một loài tổ tiên khủng long có mỏ, dài khoảng 2 m làm thịt và tống ra ngoài. Silesaurus là loài ăn tạp và một phần trong chế độ ăn của nó bao gồm côn trùng. 

Theo Qvarnström, kích thước nhỏ giúp Triamyxa còn nguyên vẹn, không bị nhai nát khi Silesaurus nuốt trọn nó vào miệng. 

Các nghiên cứu về các loại bọ cánh cứng trước đây phần lớn dựa trên hổ phách. Nhưng các hóa thạch lâu đời nhất của hổ phách tới nay có niên đại lâu nhất là khoảng 140 triệu năm. Do đó, những hóa thạch phân khủng long có thể nắm giữ chìa khóa giúp các nhà khoa học khám phá thêm nhiều bí ẩn.

Diệu Hoa(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn