Quyền lực của cò
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, khi nhu cầu mua cầu thủ vẫn cao, nhưng số tiền mà các đội bóng sẵn sàng trả không còn được như trước, thì giới cò càng trở nên quyền lực.
Chỉ cần lót tay cho cò cầu thủ thêm một vài triệu bảng, họ sẽ xúi giục cầu thủ nổi loạn, giở những trò không đẹp với CLB hiện tại để được ra đi. Không phải ngẫu nhiên mà những thông điệp mạnh nhất trên TTCN trước và sau ngày mở cửa đều được đưa ra bởi "cò". Cò cầu thủ tác yêu tác quái ở giải ngoại hạng
"Heitinga đang không cảm thấy vui vẻ ở Everton" - cò Rob Hansen công khai gây áp lực với CLB của thân chủ - "Nếu ở đâu đó có giải pháp, chắc chắn chúng tôi sẽ không từ chối cơ hội chuyển nhượng". Nhưng cũng chính ông này, trong trường hợp của thủ môn Maarten Stekelenburg lại chọn tung hỏa mù: "Anh ấy đang rất hạnh phúc ở Roma. Chẳng có liên hệ nào với Fulham".
Chiêu tuyên bố "thân chủ tôi muốn ra đi" trên mặt báo là một ngón đòn khá phổ biến để mời chào khách mua tìm đến mình và gây áp lực lên CLB chủ quản hòng đưa thân chủ tháo chạy.
Tất nhiên, không cần lúc nào cũng phải trắng trợn như trường hợp của Heitinga. Ví dụ, tiền đạo Wilfried Bony (CLB Vitesse, Hà Lan), vốn đang được Liverpool và Chelsea theo đuổi, được người đại diện mô tả khéo là: "Anh ấy chỉ muốn đến những CLB tốt nhất" (thế nào là CLB tốt?).
Hoặc tài năng trẻ Islam Feruz thuộc biên chế đội B Chelsea, mới đây cũng được tay cò Rui Alves đánh bóng trên mặt báo, đồng thời nhắn nhủ BLĐ The Blues: "Có nhiều CLB muốn có anh ấy. Anh ấy hiện muốn gắn bó với Chelsea, nhưng tôi không biết Chelsea có suy nghĩ tương tự hay không".
Luật FIFA chỉ để cho vui
Nhiều khi, rất khó đoán ý đồ của những phát ngôn trên mặt báo, vốn được nhắn gửi tới những người trong cuộc. Ví dụ như mới đây, người đại diện của Jan-Klaas Huntelaar tuyên bố: "Thân chủ của tôi muốn đến Inter hơn là Arsenal và Liverpool". Phải chăng điều này sẽ khiến Arsenal và Liverpool "biết điều" hơn trên bàn đàm phán? Thương vụ Sturridge có dấu tay của các tay cò cầu thủ
Hồi giữa tháng 12/2012, cuộc đàm phán giữa Liverpool và Daniel Sturridge của Chelsea cũng suýt đổ vỡ vì đòi hỏi quá đáng của người đại diện. Ông này muốn có "phần trăm hoa hồng", cho dù Liverpool đã đàm phán xong với Chelsea về mức giá chuyển nhượng mà không cần đến "chiêu bài" của các tay cò.
Không chỉ vậy, người đại diện cho Sturridge còn đưa ra mức lương cao ngất 80.000 bảng/tuần kèm yêu cầu anh này sẽ phải được chơi vị trí trung phong.
Rõ ràng là trong thế giới của các tay cò cầu thủ, luật của FIFA chỉ là thứ để xem cho vui. FIFA cấm mọi cuộc tiếp xúc không có mặt của CLB hiện tại, nhưng nếu không "đi ăn đêm", làm sao những tay cò kia biết rằng "có nhiều CLB đang quan tâm đến thân chủ của tôi"?
Sir Alex cũng từng "đi đêm"
Chính sự nghiệp của HLV Ferguson ở M.U được tạo ra từ một cuộc "đi đêm" thì đã được ghi lại trong hồi ký của chính ông.
Bản hợp đồng xuất sắc nhất giải Ngoại hạng 2012-2013 |
Thời ấy, chủ tịch Martin Edwards của M.U rất hâm mộ HLV Ferguson. Nhưng ông không muốn trực tiếp thương lượng với Aberdeen, vốn không đời nào chịu nhả HLV của họ, hoặc nếu có thì sẽ phải đánh đổi bằng rất nhiều tiền đền bù hợp đồng.
Vậy là một kế hoạch được bày ra: chủ tịch Edwards sai một cấp dưới nói giọng Scotland gọi đến trụ sở Aberdeen (thời ấy người ta chưa dùng di động), xin gặp HLV Ferguson vì chuyện cá nhân. Trên máy, chủ tịch Edwards hỏi: "Anh có muốn dẫn dắt M.U không?". Vậy là một cuộc hẹn gặp bí mật được tổ chức. HLV Ferguson từ chức ở Aberdeen và chuyển sang Anh, bắt đầu một sự nghiệp lừng lẫy.
Những chuyện như cuộc chiêu mộ của chủ tịch Edwards hiện nay đã trở thành một điều rất bình thường trong bóng đá, khi người ta chỉ cần một tin nhắn để "đi đêm" với nhau. Nhưng kể lại để thấy, dường như những cuộc gặp gỡ bí mật là một phần không thể thiếu của môn thể thao này, và giới cò cầu thủ tồn tại cũng là một điều không hề bất hợp lý.
Theo Bongda
Bình luận