• Zalo

Cơ cấu lại ngân hàng - làm ngay để hạ nhiệt lạm phát

Kinh tếThứ Sáu, 28/10/2011 11:33:00 +07:00Google News

(VTC News) – ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, khi quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều, dẫn đến mất kiểm soát.

(VTC News) – ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng,  khi quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều, dẫn đến mất kiểm soát.

Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) khi thảo luận tại ở hội trường về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2011 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 chiều 27/10.


Đóng góp ý kiến cho phát triển kinh tế xã hội tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) lo ngại: “Dự báo năm 2012 nếu kinh tế Mỹ phục hồi và giá vàng chững lại thì tình hình lạm phát ở nước ta không có nguy cơ đe dọa. Nhưng nếu như tình hình kinh tế Mỹ xấu đi, đồng đô la sụt giảm và giá vàng tiếp tục lên cao thì không biết điều gì xảy ra đối với tình hình lạm phát ở nước ta?!”.  

(Ảnh minh hoạ) 

ĐB Thanh nhìn nhận, tỷ lệ lạm phát ở nước ta cũng còn quá cao, đồng đôla thì bị mất giá, nhưng đồng bạc Việt Nam còn bị mất giá hơn. Nguyên nhân chủ yếu ở vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng và cơ cấu bản thân nền kinh tế của chúng ta còn nhiều bất hợp lý, phát hành tiền nhiều, đưa tiền mặt vào lưu thông nhiều, hàng thì ít mà tiền thì nhiều đã dẫn đến lạm phát cao.


Cùng với đó, theo ĐB Thanh, việc cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, nâng tỷ số lên gần trăm ngân hàng, quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều, dẫn đến mất kiểm soát. Nợ xấu lên theo con số báo cáo hiện nay là 75 nghìn tỷ đồng nhưng con số này có thể nhiều hơn.

 

“Riêng 75 nghìn tỷ đã xấp xỉ 50% là coi như xấu lắm, tức là xấu không còn khả năng thu hồi được”, ĐB Thanh nói.


Theo ĐB Thanh, chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là một hướng đi rất đúng.

 

“Hạ nhiệt lạm phát cần nhiều giải pháp đồng bộ như việc tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm và không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết gây hậu quả cho xã hội” – ĐB Thanh thẳng thắn.

Còn ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, về điều hành giá các mặt hàng đầu vào chiến lược, nhất là giá điện và xăng dầu, phải đạt yêu cầu chung là minh bạch hoạt động của doanh nghiệp trước khi cho phép điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu.

ĐB Vở cho rằng, về điều chỉnh giá điện theo giá thị trường nên chọn thời điểm thích hợp nhằm xử lý hài hòa các lợi ích của người dân, xã hội và doanh nghiệp. Không vì lý do tăng giá điện để bù đắp những khoản thiếu hụt do đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).


“Vì theo báo cáo thì EVN là một trong 4 tập đoàn lỗ lũy kế đến tháng 6/2011 trên 31 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này bố trí bỏ vốn đầu tư ngoài ngành lớn, với số tiền trên 2.100 tỷ đồng bằng 9% tổng vốn đầu tư ngoài ngành chính của 21 tập đoàn tổng công ty. Đó là chưa kể nợ của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và khoáng sản” – ĐB Vở dẫn chứng.

  

Kiều Minh

 

Bình luận
vtcnews.vn