(VTC News) – Nhiều ý kiến cho rằng, quy định 'phải có chỗ đỗ mới được mua xe ô tô' mà TP.HCM đưa ra là đang cố tình 'làm khó dân'.
Tại công văn số 10513 /SGTVT-VTĐB về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải trên địa bàn thành phố đến năm 2025, một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi là đề xuất "Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu phương tiện xe ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe".
Tìm giải pháp cho vấn nạn kẹt xe, ùn tắc là bài toán khó trong giai đoạn hiện nay? |
Người dân hoang mang
Anh Trần Văn Thủy (38 tuổi, ngụ Q.7), cho biết nếu Sở GTVT TPHCM đề xuất "muốn sắm ô tô phải có nơi đỗ xe" như vậy thì buộc anh phải mua biệt thự rộng rãi để có nơi dùng chỗ đỗ ô tô, chứ ở chung cư, nhà hẻm thì đâu có chỗ để xe vì diện tích hẹp, nhỏ.
Việc “chứng minh bãi đỗ xe” lại phát sinh vấn đề cần có người kiểm tra xem diện tích nhà của người có nhu cầu sắm xe có đạt chuẩn, có khả năng chứa được ô tô hay không? Việc xác minh bắt đầu phát sinh từ tổ dân phố, phường, xã…
"Nếu công tác quản lý không chặt chẽ sinh ra tiêu cực. Trước khi mua ô tô phải đi năn nỉ “ông” phường, khu vực, tổ dân phố để xác nhận đủ điều kiện dẫn đến phát sinh ra hàng loạt tiêu cực, khổ cho dân" - anh Thủy nói.
Anh Ngô Văn Tuyền - Giám đốc Công ty vận tải du lịch An Châu (Q.Tân Phú) đặt giả thiết, có người không sở hữu nhà cao cửa rộng nhưng cần có phương tiện để di chuyển, làm ăn, kinh doanh nên mua một chiếc ô tô thì lúc này làm sao để mua được nếu căn cứ vào quy định “chứng minh có bãi đỗ xe mới sở hữu được ô tô”.
Ví dụ tài xế xe taxi cần có ô tô để đi ‘kiếm cơm” trong khi nhà ở vừa bán xong để vay mượn tiền sắm xe thì vướng phải “chứng minh có bãi đỗ xe” thì biết bao giờ anh ta mới sắm được ô tô để nuôi sống bản thân và gia đình.
Mặt khác, đâu phải nhà nào cũng có diện tích lớn để chứa xe. Hoặc có nơi diện tích nhà lớn đỗ được 5 ô tô nhưng con hẻm quá hẹp chỉ có 1m thì làm sao xe ra vô được?...
Ùn tắc, kẹt xe là vấn đề nan giải của TP.HCM. Ảnh: Phan Cường
Vi phạm luật
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng Luật Giải phóng - TP.HCM), với đề xuất "có bãi đỗ xe mới cho mua ô tô" là không khả thi, bản thân người có nhu cầu mua xe đã phải tự ý thức rằng, muốn mua xe thì phải có chỗ đỗ xe, không ai đưa một tài sản có giá trị lớn bỏ ngoài đường cả.
Mặt khác, quy định nếu được thực hiện sẽ gây nhiều phiền toái và hạn chế quyền sở hữu của người dân, đồng thời có thể sẽ phát sinh những tiêu cực như xin chỗ, mua chỗ, “chạy” giấy phép, v.v…
|
Ví dụ quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng, buộc các tổ chức, doanh nghiệp có lượng người đến giao dịch nhiều phải đáp ứng chỗ đậu, đỗ xe cho khách trước khi được cấp phép” – luật sư Hưng nói.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm: "Đề xuất này không phù hợp Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bởi theo luật, người dân có quyền mua bán, chiếm hữu, định đoạt, sở hữu về tài sản".
Luật sư Trạch đưa ra dẫn chứng, người dân muốn mua chiếc xe ô tô phải chứng minh có chỗ đỗ xe. Vậy nếu không có chỗ đỗ thì người ta đi tìm chỗ thuê bãi, mượn bãi, nhà gửi xe có được không? Chứng minh chỗ đỗ xe là chứng minh như thế nào? Vấn đề này không khéo sẽ kéo theo hàng loạt thủ tục rườm rà, kéo theo nhiều hệ lụy khác, nhiều tiêu cực khác xảy ra.
“Đừng lấy những khó khăn đó mà buộc người dân phải hạn chế quyền được sở hữu và sử dụng tài sản của mình. Cái này cũng giống như muốn mua nhà phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà của những năm trước đây” – Luật sư Trạch nói.
Hạn chế sở hữu và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khiến dư luận phản ứng gay gắt. Ảnh: Phan Cường |
Phan Cường
Bình luận