Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, với 2 tỷ đồng, nhà đầu tư cần cân nhắc mục tiêu, khẩu vị đầu tư để phân bổ tài sản phù hợp.
Với kênh đầu tư tiết kiệm, cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm từng neo tới 11 - 12%/năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lãi suất tiết kiệm quay đầu giảm nhanh và mạnh. Đến hiện tại, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng lớn về dưới 5,5%/năm, thấp hơn giai đoạn COVID-19.
Tuy nhiên, với tính chất ổn định và ít rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức được nhiều người dân Việt Nam ưa thích.
Ưu điểm thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt giúp hình thức này phù hợp với các kế hoạch tài chính ngắn hạn hoặc cho quỹ khẩn cấp.
Nhưng lãi suất tiền gửi thường thấp hơn so với các kênh đầu tư khác. Trong dài hạn, tiền gửi của nhà đầu tư sẽ khó bảo toàn bởi lạm phát. Thời điểm này nhiều người sợ mất tiền nên gửi ngân hàng dù lãi suất tiền gửi có thấp họ vẫn chấp nhận.
Đối với bất động sản, đây vẫn là kênh đầu tư còn bấp bênh chưa có điểm sáng. Một số bất động sản có giá thấp hơn trước đây nhưng người mua lúc này có thể không muốn vay vốn từ ngân hàng.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group - nhận định, gửi tiết kiệm hay đầu tư bất động sản đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhà đầu tư cần cân nhắc về tài chính, nhu cầu và các sản phẩm mình đầu tư để có sự lựa chọn tốt nhất.
Cụ thể, mặc dù lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhưng nhiều người vẫn lựa chọn đây là kênh sinh lời an toàn.
"Khi gửi tiền vào ngân hàng, rủi ro thấp, nhà đầu tư cũng biết mức lãi suất cụ thể mình sẽ được hưởng là bao nhiêu hay rút lãi sớm sẽ nhận được số tiền như thế nào. Ngoài ra, khi gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, nhà đầu tư có thể dễ dàng rút tiền khi cần thiết. Nếu rút tiền trước hạn, sẽ nhận được tiền lãi với mức lãi suất tính theo lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn”, ông Thắng chia sẻ.
Đối với đầu tư bất động sản, ông Thắng cho rằng mặc dù thị trường bất động sản trong quý III/2023 còn khó khăn nhưng phân khúc đất nền vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới.
Đơn cử như đất nền ở các thành phố lớn, hay khu vực có tiện ích và kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề các khu công nghiệp, mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng trong trung hạn.
"Trong thời gian tới, đất nền sẽ có sự phục hồi chậm hơn so với một số phân khúc khác. Sự phục hồi chủ yếu đến từ những sản phẩm có tính pháp lý, nằm ở khu vực được đầu tư hạ tầng tốt, gần khu vực trung tâm. Đầu tư đất nền hiện nay, tính về dài hạn vẫn là loại hình tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định”, ông Thắng cho hay.
Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, không có kênh đầu tư nào hấp dẫn tại thời điểm này.
“Chứng khoán thì diễn biến khó lường, có lúc lên hơn 1.200 điểm, nhưng cũng có lúc xuống dưới 1.100 điểm. Bất động sản cũng không phải là kênh đầu tư sinh lời hiện nay vì thị trường chưa có sức tiêu thụ. Còn kênh vàng thì lúc lên, lúc xuống và rủi ro lớn vì chênh lệch khá cao so với thế giới. Kênh ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm và người dân không được đầu tư”, ông Hiếu phân tích.
Từ đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện có thể thấy, trong 5 kênh đầu tư là chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi ngân hàng thì tiền gửi vẫn có sự ổn định so với kênh khác và rất an toàn.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong bối cảnh này, người có tiền không nên quá mạo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản hay vàng, mà kênh đầu tư ổn định lâu dài nhất vẫn là gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Gửi ngân hàng thời điểm hiện tại không cho lãi suất cao, không cho lợi nhuận lớn, nhưng nhìn xung quanh các kênh đầu tư khác, không kênh nào có hiệu quả như gửi tiết kiệm. Đặc biệt, gửi tiết kiệm cũng là kênh có hệ số an toàn cao nhất”, ông Doanh nói.
Bình luận