• Zalo

CNN: Cứu hộ sau thảm họa động đất và sóng thần Indonesia bị chậm do thiếu thiết bị và nhân sự

Thế giớiChủ Nhật, 30/09/2018 10:27:00 +07:00Google News

Indonesia tiếp tục nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ những người còn sống sót sau thảm họa động đất mạnh 7,5 độ richter, kéo theo sóng thần tấn công vùng biển ngoài khơi đảo Sulawesi khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý thiên tai Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết, số người chết đã tăng lên 420 vào sáng chủ nhật, số người bị thương nặng vào khoảng 400 người. Nhiều nạn nhân vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà. Những nỗ lực cứu hộ bị chậm lại do tình trạng thiếu thiết bị và nhân sự.

“Việc đánh giá thiệt hại ở thành phố Palu và thị trấn Donggala cũng gặp nhiều khó khăn do điện và thông tin liên lạc đã bị cắt đứt”, ông Nugroho chia sẻ.

Đội cứu hộ buộc phải gấp rút di chuyển đến Palu bằng đường bộ do sự cố đường băng khiến sân bay Palu bị đóng cửa. Việc này khiến công tác cứu hộ càng trở nên khó khăn và chậm hơn do Sulawesi là một trong những hòn đảo lớn nhất trên thế giới và cách sân bay gần nhất khoảng 11-12 giờ đi xe.

ông Nugroho cho biết thêm, sau khi một bệnh viện địa phương bị sập do hậu quả của cơn địa chấn, các cán bộ y tế đã lựa chọn sơ cứu và điều trị cho những người bị thương ngay bên ngoài tòa nhà.

180929125945-10-indonesia-quake-0928-exlarge-169

Nhân viên y tế cứu chữa cho nạn nhân ở ngoài trời sau khi bệnh viện địa phương bị sập. (Ảnh: CNN) 

Tiến sĩ Komang Adi Sujendra, Giám đốc Bệnh viện Undata ở thành phố Palu đang kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng sau thảm hoạ kép. 

"Hiện tại, hệ thống điện bị ngưng trệ tại thành phố Palu, đường xá bị phá hủy, đường dây liên lạc không hoạt động. Bất kỳ sự giúp đỡ nào đều rất cần thiết với chúng tôi", ông Sujendra nói trong một video đăng trên Twitter ngày 29/9.

"Chúng tôi cần lều bạt, thuốc, vải, y tá ...", ông Sujendra kêu gọi.

Phát biểu trên CNN, ông Jan Gelfand, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quốc tế ở Indonesia cho biết: “Ngoài người dân ở các khu đô thị lớn, người dân sống ở các khu vực hẻo lánh khó tiếp cận cũng bị ảnh hưởng”.

37b67bd80f9ee6c0bf8f

Thành phố Palu, Indonesia tan hoang sau thảm hoạ kép. (Ảnh: CNN) 

Theo CNN một trong những nạn nhân xấu số trong thảm hoạ lần này là kiểm soát viên không lưu Anthonius Gunawan Agung. Anh được gọi là anh hùng khi cố gắng ở lại tháp kiểm soát để đảm bảo một máy bay chở hàng trăm hành khách có thể cất cánh an toàn, trong khi đồng nghiệp của anh đã phải bỏ đi vì tòa tháp bắt đầu rung lắc.

Sau khi máy bay cất cánh, tòa tháp lắc lư và Agung quyết định nhảy xuống từ tầng 4. Anh đã chết vì bị thương sau đó. Cơ quan hàng không Indonesia cho biết quyết định ở lại của Agung để đảm bảo máy bay cất cánh an toàn đã cứu được hàng trăm mạng sống.

Video: Cảnh đổ nát như tận thế sau trận động đất ở Indonesia

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ,  trận động đất kinh hoàng bắt đầu từ lúc 15:00 theo giờ địa phương, cách thành phố Palu 35 dặm (56 km) về phía bắc. Một loạt rung chấn và 3 trận động đất với cường độ 4,9 độ richter đã diễn ra trong suốt 3 giờ trước khi trận động đất mạnh 7,5 độ richter xảy ra, kéo theo sóng thần tấn công các bãi biển ở thành phố Palu và thị trấn Donggala, Indonesia. Ông Nugroho cho biết cơn sóng thần có chiều cao khoảng 3 mét.

Chính quyền địa phương Palu hôm thứ Bảy kêu gọi người dân tránh xa các khu dân cư, tòa ao ốc. Người dân khu vực này đã phải ngủ trên đường, trên đồng ruộng hoặc những bãi vắng để tránh nguy cơ từ cơn dư chấn.

Cẩm My
Bình luận
vtcnews.vn