• Zalo

Chuyện 'xe chính chủ' ở V.League

Thể thaoChủ Nhật, 11/11/2012 09:07:00 +07:00Google News

Cả thảy nền bóng đá có 28 đội bóng từ V.League đến hạng Nhất, coi như là 28 chiếc xe thôi mà chuyện xác định “chính chủ” còn nhiêu khê và đôi khi bất lực thì...

Hôm qua trên nhiều trang báo điện tử, nhiều diễn đàn và nhiều mạng xã hội, không ít người đã tỏ ra “sốc” vì thông  tin: Đi xe máy ngoài đường không chính chủ bị phạt trên dưới 1 triệu đồng, còn đi xe ô tô nếu không chính chủ sẽ bị phạt từ 6 đến 10 triệu đồng.


Sốc cũng bởi số tiền quá lớn cho một việc tưởng như quá nhỏ mà hầu hết mọi người đã làm bấy lâu nay: đi xe không chính chủ ra đường. Có thể là mua lại xe đã sử dụng và giữ nguyên đăng ký cũ cho đỡ phiền hà thủ tục, đỡ thêm chút thuế. Có thể là mượn xe của bạn bè, người trong gia đình.

Bây giờ mà cứ ra đường, dù xe “là của mình đấy” nhưng không “chính chủ” là có khi rất phiền toái. Nếu không chứng minh được là xe mượn thì chỉ có cách… nộp tiền.

Phản ứng có phần gay gắt của nhiều người, đều là chủ một loại phương tiện nào đó cũng là dễ hiểu. Cũng giống như phản ứng về việc thu thêm khoản phí giao thông nào đó.

Thời buổi này mà “có nguy cơ bị mất tiền” là rất dễ phản ứng, nổi nóng.

Bầu Thụy sang tên đổi chđội Sài Gòn Xuân Thành cho TPHCM (ảnh: Quang Minh).

Thực tế, quy định “xe chính chủ” không mới, bởi nó được quy định trong nghị định 34 ban hành từ lâu rồi. Cái mới chỉ là tăng mức phạt lên con số khiến mọi người thấy choáng váng và sốc thôi.

Không ít bức xúc, chỉ đích danh và mong một người “xem xét lại” Nghị định trên, đó là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Tất nhiên Nghị định hay quy định được đưa ra không ngoài mục đích nào khác là để quản lý tốt hơn (trong chuyện xác định phương tiện khi mất cắp, gây tai nạn hoặc định giá trị tài sản cá nhân…) và cũng nhằm tránh thất thu một lượng thuế không nhỏ.

Vấn đề còn lại là thời điểm và có ý kiến cho rằng thời điểm này là chưa thật tốt bởi đời sống kinh tế đang có nhiều khó khăn cũng như chưa giải quyết được triệt để các tiêu cực liên quan đến các cơ quan chức năng trong giải quyết giao thông như chuyện mãi lộ, vòi tiền của cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông.

Xác định chính xác chủ sở hữu của một tài sản có giá trị là điều phải làm trong xã hội văn minh.

Ấy, nói thì dễ nhưng làm thì xem chừng khó.

Ngay cả việc xác định “chính chủ” một CLB bóng đá mà còn lắm nhiêu khê. Ai cũng biết CLB SHB Đà Nẵng có chính chủ (trên giấy tờ) là Công ty cổ phần thể thao SHB.Đà Nẵng nhưng “chủ xịn” là bầu Hiển. Biết thế đấy, nhưng không bắt bẻ được.

Hay chuyện hài hước bầu Thụy “tặng” CLB Sài Gòn.XT cho TPHCM cũng được cho là giống như việc sang tên đổi chủ sở hữu CLB. Thậm chí bầu Thụy còn tuyên bố “Nếu TP.HCM không nhận, tôi giải tán đội bóng”. Ấy thế mà bản thân nơi được “tặng” cũng chẳng thiết tha gì.

Cả thảy nền bóng đá có 28 đội bóng từ V.League đến hạng Nhất, coi như là 28 chiếc xe thôi mà chuyện xác định “chính chủ” còn nhiêu khê và đôi khi bất lực thì chuyện “xác định chính chủ” cho cả triệu phương tiện giao thông trên đường đúng là phức tạp.

Làm được và làm tốt điều ấy không chỉ cần thông minh mà còn cần cả dũng cảm.

Song An

Bình luận
vtcnews.vn