• Zalo

Chuyện về người đàn ông từng làm sẵn ảnh thờ cho chính mình

Tin tứcThứ Bảy, 19/10/2024 07:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhờ thận hiến của con trai nuôi, từ chỗ suy kiệt vì chạy thận lọc máu chu kỳ, nay anh Bình đã khoẻ mạnh và lao động bình thường.

6h sáng một ngày tháng 10/2024, anh Thái Phúc Bình (SN 1972, Hà Nội) cùng vài người bạn từng ghép thận có mặt tại Bệnh viện Việt Đức làm thủ tục chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm. Đều đặn cứ bốn tuần một lần, anh lại đến viện để kiểm tra đánh giá chức năng thận ghép, sau đó lấy thuốc chống thải ghép về uống, đây là việc anh duy trì suốt 6 năm nay.

Từng nghĩ không sống nổi vì “bệnh chồng bệnh”

Năm 23 tuổi, sau thời gian dài mệt mỏi, nhìn mờ, anh Bình đến bệnh viện gần nhà kiểm tra. Thấy anh Bình biểu hiện đi tiểu liên tục lại khát nước, bác sĩ đề nghị đến viện chuyên khoa làm thêm xét nghiệm đường huyết. Kết quả chẩn đoán anh bị tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiến triển nhanh, phức tạp với nhiều biến chứng, tổn thương các mạch máu của võng mạc. Suốt thời gian sau đó, anh Bình trải qua rất nhiều lẫn phẫu thuật cắt bỏ dịch kính để khắc phục tình trạng võng mạc tiểu đường.

Năm 2013, trong lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, anh Bình phát hiện bị suy thận giai đoạn 3B. Người đàn ông bước vào hành trình điều trị bảo tồn thận với nhiều yêu cầu khắt khe. Hệ miễn dịch suy giảm, dễ lây các bệnh truyền nhiễm, anh cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người, không làm việc quá sức, không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn.

Anh Thái Phúc Bình chia sẻ về hành trình giành giật sự sống, ngày 10/10. (Ảnh: Như Loan)

Anh Thái Phúc Bình chia sẻ về hành trình giành giật sự sống, ngày 10/10. (Ảnh: Như Loan)

Dù kiêng cữ chặt chẽ, luôn tự nhắc mình tuân thủ các quy định trong điều trị nhưng năm 2017 anh Bình bất ngờ phát hiện bị lây bệnh lao từ ngoài cộng đồng, buộc phải uống thuốc điều trị. Tưởng cơ thể sẽ đáp ứng phác đồ điều trị song sau khi uống thuốc đến ngày thứ 6, anh khó thở, nhanh chóng suy hô hấp, nhập viện cấp cứu trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Bác sĩ tiên lượng nặng, ít khả năng cứu chữa.

Đã 7 năm trôi qua, anh Bình giờ vẫn nhớ như in thời điểm bác sĩ chẩn đoán và báo tin dữ. "Tôi không nghĩ mình có thể sống được nhưng may mắn tỉnh lại và qua cơn nguy kịch. Xuất viện, tôi chủ động làm sẵn ảnh thờ, hỏi han các thủ tục hậu sự cho mình”, anh Bình nhớ lại.

Do nhiều bệnh nền, không còn đủ điều kiện bảo tồn thận, tháng 3/2017, anh Bình chuyển sang chạy thận chu kỳ 3 buổi/tuần. Thời điểm đó, anh chủ yếu sống dựa vào máy lọc máu. Số lượng người có nhu cầu lọc máu nhiều hơn máy nên anh thường xuyên phải chạy qua chạy lại 3 bệnh viện để dùng máy lọc.

Chữa trị vất vả, anh nghĩ đến phương án ghép thận với hy vọng kéo dài sự sống. Đầu năm 2018, anh Bình đi làm hồ sơ đăng ký ghép thận, nhưng do tiểu đường lâu năm, kèm theo nhiều bệnh nền, bác sĩ chỉ định kiểm tra tim. Lần thăm khám đó, bác sĩ phát hiện anh Bình bị tắc mạch vành, nếu không được phát hiện sớm có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, buộc phải đặt stent để thông mạch máu bị tắc.

Con trai nuôi tặng bố một quả thận

Tháng 12/2018 anh Bình được nhận vào chương trình nghiên cứu ghép tạng. Quả thận ghép được con trai nuôi của anh ở tỉnh Yên Bái hiến tặng. Sau ca mổ hiến thận, người con khoẻ mạnh xuất viện, chức năng thận còn lại rất tốt, sức khỏe cũng tiến triển thuận lợi.

Với anh Bình, khi ghép xong, anh cảm nhận rõ cơ thể nhẹ nhõm, không còn nặng nề, đau đớn như trước. 12 ngày sau phẫu thuật, anh ra viện, tái khám và lĩnh thuốc một tháng một lần, chỉ số sức khỏe tốt. Anh tăng cân so với trước khi mổ, không còn tràn dịch màng phổi, stent hoạt động bình thường. Sau ca ghép, anh cũng tuân thủ chặt chẽ lời dặn của bác sĩ về thời gian, chế độ sinh hoạt đúng giờ, không ăn quá no, theo dõi các biểu hiện của cơ thể.

Anh Bình (bên trái) thường xuyên có những chuyến thiện nguyện lên các tỉnh vùng núi khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Anh Bình (bên trái) thường xuyên có những chuyến thiện nguyện lên các tỉnh vùng núi khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Anh Bình nói, đến giờ anh và cậu con trai nuôi vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới người đã chia sẻ sự sống cho mình. Nhờ thận hiến, cuộc đời anh gần như sang trang mới. Từ chỗ suy kiệt vì chạy thận lọc máu chu kỳ, nay anh ăn uống, ngủ nghỉ và lao động như một người có sức khoẻ bình thường.

“Sau ca ghép thận, tôi được sống thêm và đến nay được hơn 6 năm. Tôi được chứng kiến khoảnh khắc các con thành đạt, điều mà trước đó tôi không dám nghĩ tới. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì may mắn đã đến với bản thân mình, rất mong nhiều người được cứu sống như tôi”, anh Bình xúc động nói.

Ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả, chất lượng cao, chi phí thấp so với các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhiều người sau khi ghép thận đã đi học, làm việc bình thường, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh, điều mà các phương pháp khác khó làm được.

Tại nhiều nước, nguồn hiến từ người chết não chiếm gần một nửa, giúp nhiều người bệnh có được nguồn tạng để ghép. Nguồn thận hiến tại Việt Nam chủ yếu là người cho sống, khiến nhiều bệnh nhân không có cơ hội tiếp cận. Phát triển nguồn tạng hiến người chết đang là mô hình các hội ghép tạng trên thế giới và Việt Nam hướng đến.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, thực tế người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.

Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng; tiếp cận gia đình, người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.

Bình luận
vtcnews.vn