Đồng Nai xưa vốn là vùng đất rộng mênh mông núi rừng bạt ngàn, sông rạch chằng chịt lắm thú dữ, đặc biệt nhiều cọp thể hiện qua hai câu ca dao: “ Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”.
Từ lâu, con cọp trở thành biểu tượng của sức mạnh và uy quyền thiên nhiên nên người dân dành cho cọp những danh xưng kính nể như: “Chúa sơn lâm”, “Mãnh Hổ”, “thần Hổ”, “ông Cả”, “Ngài”, “ông Ba Mươi”... kèm theo những câu chuyện ly kỳ và đầy huyền thoại về cọp lưu truyền cho đến ngày nay.
Huyền thoại “cọp ba móng” ăn thịt người
Sau trận đánh La Ngà (năm 1948) tại chiến khu D xuất hiện một con cọp ăn xác lính chết trận riết thành “nghiện”... món thịt người (!?). Con cọp này một chân chỉ có ba móng, rất tinh quái và liều lĩnh. Người ta đồn thổi do ăn nhiều thịt người quá nên nó đã thành “cọp tinh”. Có giả thuyết cho rằng nó là thú nuôi của một chủ đồn điền cao su người Pháp, bị xổng chuồng chạy vào rừng sâu sống hoang dã.
“Từ giữa năm 1948, “cọp ba móng” hằng đêm xuất hiện rồi bất ngờ bắt người ăn thịt. Chuyện “cọp ba móng” chọn thịt người làm món ăn “điểm tâm” hàng ngày của nó đã trở thành nỗi ám ảnh ghê rợn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong căn cứ chiến khu D”, Già làng người Châu Ro ông Năm Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), một trong những nhân chứng hiếm hoi còn sót lại biết về “hung thần” cọp ba móng nhớ lại.
Toàn bộ các khu vực dân cư và cơ quan phải làm nhà sàn cao và chặt cây làm hàng rào chống cọp. Thế nhưng nhà sàn cao, hàng rào vẫn không ngăn được sức mạnh kỳ lạ của “cọp ba móng”. Nó phóng và vượt hàng rào cao từ 2 – 3 mét bắt người rồi tha ra ngoài một cách nhẹ tênh và nhanh như chớp.
Cán bộ, chiến sĩ trên đường công tác kể cả ban ngày cũng bị “cọp tinh” canh vồ mất. Cọp khi ẩn, khi hiện và liên tục thay đổi khắp địa bàn căn cứ nên rất khó phát hiện. Bộ tư lệnh Quân khu 7 quyết định thành lập đội đặc nhiệm diệt “cọp ba móng” do Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (lúc bấy giờ là Giám đốc binh công xưởng) chỉ huy.
Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, đội diệt “cọp ba móng” nhiều lần giết hụt nó. Một lần đội bố trí phục kích bên xác người chết, đặt sẵn khẩu trung liên nhưng không hạ được “chúa sơn lâm”.
Lần thứ hai, đội cũng dùng xác người, bên dưới có gài lựu đạn nhưng cọp quá nhanh, nó cắp được xác mà lựu đạn vẫn còn chưa nổ.
Lần thứ ba, vào ngày 11/02/1950, ông Bùi Cát Vũ nghĩ ra kế gài mìn có sức công phá mạnh dưới xác người được đóng chặt vào mặt đất. Cọp xuất hiện cố sức vồ cái xác lên vai nên quả mìn quấn xanh xác người bật chốt nổ tung...
Cọp bị thương rất nặng, máu ướt đỏ cả lớp lông trắng nhưng nó vẫn cố sức lê lết đến một gò mối cách vị trí bị hạ 100 mét rồi gào rống vang động núi rừng một hồi mới chịu ngã quỵ bởi băng đạn của bộ đội. Xác cọp được xác định dài 3m, cao 1,2 m, nặng hơn 2 tạ.
“Con “cọp ba móng” bị tiêu diệt, đồng bào chiến sĩ reo hò vui mừng. Từ đó, những giai thoại đồn thổi “cọp ba móng” ở rừng chiến khu D cũng chấm đứt...”, ông Năm Nổi nói.
Nhiều giai thoại ly kỳ về cọp xứ Đồng Nai xưa
Không chỉ lập miếu mạo để thờ cọp mà người di dân thời xưa muốn tồn tại, sống yên ổn thì phải đương đầu trực tiếp loài thú dữ này.
Ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) còn lưu truyền chuyện ông Sắc giỏi võ đã đánh nhau với cọp lúc nó chặn đường bắt trâu khi ông đi lên rẫy. Trong một lần đánh nhau, ông bị cọp vồ trúng vào bả vai gây nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Còn tại cánh đồng ông Hứa (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai) có sự tích về cô gái đánh thắng cọp.
Biết cọp hay quấy nhiễu nơi canh tác của gia đình, cô gái đợi trên hòn đá chờ cọp đến. Hai bên quần thảo suốt một ngày rồi bằng những thế võ hiểm, cô gái đã giết chết cọp giúp nông dân hết bị cọp về phá.
Người dân xã Hóa An (Biên Hòa) thường kể cho con cháu nhe về chuyện hai sư thầy giỏi võ đã hợp lực cùng đi giết cọp to bằng con trâu mộng. Cuộc đối đầu giữa người và cọp diễn ra quyết liệt. Con cọp không hề nao núng nhảy ra nghênh chiến. Lúc bên tả, lúc bên hữu cọp nhe nanh, đưa vuốt quần thảo với lao nhọn lưới vây.
Trận đánh nhau kéo dài ba ngày đêm liên tục. Cuối cùng tiêu diệt được cọp dữ nhưng hai thầy cũng kiệt sức mà chết, để lại niềm cảm phục vô hạn, nên dân chúng lập ngôi miếu nhỏ thờ, sau này thành ngôi chùa tên Hóc Ông Che.
Ngoài thờ cọp, đánh cọp và còn cả chuyện cảm hóa cọp dữ thành lành. Ở khu vực đá Ba Chồng (huyện Định Quán, Đồng Nai) có cặp cọp trắng rất dữ tợn. Thế nhưng, khi nghe tiếng chuông chùa và lời niệm kinh Phật của nhà sư tại chùa Thiện Chơn, chúng trở nên hiền lành. Sau này do chiến tranh bom đạn, cặp hổ này bỏ đi nơi khác. Ngày nay dấu tích còn sót lại mà người dân gọi là hang Bạch Hổ.
Câu chuyện bà mụ đỡ đẻ cho cọp được truyền miệng ở Bến Gỗ (Biên Hòa) ly kỳ hơn qua một miếu thờ với tên gọi miếu bà Mụ Cọp. Tương truyền, một chúa sơn lâm biết tay nghề đỡ đẻ nên đến rước bà Huỳnh Thị Kiêu về đỡ cho vợ của mình khó sinh trong một đêm mưa gió bão bùng. Xong việc, hàng tuần trước nhà bà Kiêu đều có heo rừng, hươu nai do cọp đem biếu để tỏ lòng biết ơn. Khi nghe tin bà Kiêu chết, đàn cọp còn đến tế mộ và rống lên hồi đưa tiễn.
Vùng núi Bửu Long (Biên Hòa) xưa hoang vu rừng rậm. Một nhà sư đến đây lập chùa, dân làng sinh sống an lành. Một hôm, có con cọp trắng xuất hiện. Ban đầu dân làng lo sợ nhưng cọp chẳng hại ai mà còn giúp cõng người lên núi thăm chùa.
Từ khi có cọp trắng, không có thú dữ nào dám về phá phách dân làng. Người dân quý mến cọp trắng và cử cọp làm hương cả trong làng bằng tờ giấy giao ước để sẵn trong hang. Về sau, cọp đi nơi khác nhưng tục cúng nhận chức “hương cả” đến nay vẫn còn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa gian dân Lý Việt Dũng, giai thoại về cọp mang sắc thái khác nhau với nhiều chi tiết hoang đường và thần bí nhưng với tất cả chuyện kể này đều toát lên ý nghĩa của việc lấy tài năng và sức mạnh nội lực bản thân mà cảm hóa loài ác thú của lớp người thuở đi khai hoang, mở cõi...
Trí Bùi
Bình luận