• Zalo

Chuyện trung đoàn biệt kích Nhật bị cá sấu khổng lồ xóa sổ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 27/05/2014 10:08:00 +07:00Google News

Trung đoàn biệt kích thiện chiến nhất với hơn 1.000 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã bị lũ cá sấu ăn sống.

Trung đoàn biệt kích thiện chiến nhất với hơn 1.000 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã bị lũ cá sấu ăn sống.


Vào ngày 19/2/1945 đã xảy ra một thảm kịch kinh hoàng. Trong trận chiến ác liệt trên đảo Ramree thuộc Myanmar, trung đoàn biệt kích của Nhật Bản đã bị lực lượng lính thủy Anh dẫn dụ vào vùng đầm lầy ngập mặn nơi sinh sống của hàng nghìn con cá sấu. Theo báo cáo của đại tá quân đội Nhật Bản Yasu Yunuko vừa được giải mật, “đơn vị chỉ còn 20 lính và 3 sĩ quan trở về được từ vùng đầm lầy ngập mặn Ramree”. Ủy ban đặc biệt của Tòa án Quân sự đã mở cuộc điều tra…

Người lính sống sót sau vụ tấn công của cá sấu

Tháng 2/1945, quân đội Nhật Bản - đồng minh của nước Đức phát xít trong Thế chiến II đã thực hiện các cuộc phản công ở tất cả các vị trí chiến lược, bao gồm cả cái gọi là mặt trận phía Tây - Nam. Vị trí then chốt trên mặt trận này là cơ sở pháo binh tầm xa đặt trên cao điểm Johan ở đảo Ramree của Myanmar. Đây chính là nơi xuất phát những cuộc tấn công rất hiệu quả vào các tàu đổ bộ của Anh.

Sau khi tình báo quân sự của Mỹ - Anh phát hiện được mục tiêu, Hải đoàn đổ bộ tác chiến số 7 của Hải quân Anh đã quyết định coi việc tiêu diệt bằng được mục tiêu này là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình.

Để bảo vệ căn cứ pháo binh, Nhật đã điều đến đảo Ramree một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của quân đội - Trung đoàn Biệt kích số 1, đơn vị hoàn hảo nhất để chống lại lực lượng bộ binh cơ động của đối phương.

 

Chỉ huy lực lượng Hải quân Anh tại đây là Andrew Uayert, một sĩ quan rất tháo vát và xảo quyệt. Andrew cử một đơn vị trinh sát luồn sâu vào trong đảo, nơi có các đầm lầy ngập mặn. Sau khi biết chắc rằng việc đi lại trong rừng đước rất khó khăn và ở đầm lầy này nhung nhúc cá sấu, ông quyết định dùng nghi binh để thu hút bằng được quân Nhật tới khu vực đó.

Vì không biết dự định của cấp trên, viên thiếu tá chỉ huy đơn vị trinh sát đã phản đối: "Chúng tôi không được cấp quân phục và vũ khí để vượt đầm lầy. Trái lại, quân Nhật được trang bị quần áo chuyên dụng và rất nhiều dao, kiếm. Chúng ta sẽ mất tất cả". Andrew vui vẻ đáp: "Tin tôi đi, cậu sẽ sống…". Đúng là một tính toán đáng sợ trong lựa chọn chiến thuật.

Đầm lầy trên đảo Ramree, Myanmar

Sau đó, đơn vị của Nhật Bản theo đội hình chiến đấu tiến sâu vào trong đảo, các sĩ quan chỉ huy rất mừng tưởng rằng họ mạnh hơn đối phương. Andrew ra lệnh cho các binh lính Anh rút lui dần ra phía bờ biển, sau khi để lại một lực lượng nhỏ tinh nhuệ dưới sự yểm trợ của pháo binh.

Mấy phút sau, qua ống nhòm, các sĩ quan người Anh đã bắt đầu được chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: tuy các đợt tấn công đã tạm thời dừng lại, binh lính Nhật, người nọ tiếp sau người kia, đã bắt đầu gục ngã xuống bùn lầy đen đặc.

Một lính Nhật sống sót 

Chẳng mấy chốc, các binh sĩ Nhật Bản đã hoàn toàn mất hết khả năng chiến đấu, những người còn đứng được đã cố gắng lao tới kéo người bị ngã và đưa họ đến những nơi khả dĩ hơn, nhưng rồi họ cũng bị ngã gục, toàn thân co giật như bị động kinh. Andrew ra lệnh cho đội xung kích rút lui bất chấp sự phản đối của các sĩ quan thân cận vì họ cho rằng cần phải tiêu diệt hết đối phương.

Trong hai giờ, từ trên đồi cao, những người lính Anh thản nhiên chứng kiến quá trình tan rã nhanh chóng của một đơn vị quân Nhật hùng hậu, được trang bị vũ khí đầy đủ. Trung đoàn biệt kích thiện chiến nhất với hơn 1.000 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và được tuyển chọn kỹ lưỡng, nhiều lần chiến thắng đối phương có sức mạnh vượt trội, được các đối thủ đặt cho biệt danh là "Cơn lốc", kết cục, đã bị lũ cá sấu ăn sống. Hơn 20 binh sĩ và sĩ quan sống sót, những người thoát khỏi cạm bẫy - những cái hàm cá sấu khủng khiếp, đã bị người Anh bắt làm tù binh.

Sự kiện này đã đi vào lịch sử thế giới. Sách Kỷ lục Guinness đã ghi nhận đây là một thảm kịch có "số lượng lớn nhất các ca tử vong của con người do động vật gây ra".

"Gần 1.000 binh sĩ Nhật đã cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng hải quân Anh đổ bộ vào khu vực cách bờ biển 10 dặm thuộc vùng đầm lầy ngập mặn, nơi sinh sống của hàng nghìn con cá sấu. 20 người sau đó bị bắt làm tù binh, còn hầu hết đã bị cá sấu ăn thịt. Tình trạng khủng khiếp của những người lính rút lui càng tồi tệ hơn vì họ còn bị rất nhiều bọ cạp, muỗi nhiệt đới tấn công" - Sách Guinness đã ghi lại như vậy.

Cá sấu nước mặn khổng lồ

Nhà nghiên cứu tự nhiên Bruce Wright, cựu lính thủy của Anh, từng tham chiến tại Ramree khẳng định rằng cá sấu đã ăn thịt phần lớn các binh sĩ phát xít Nhật.

Ông đã viết: "Đó là một đêm khủng khiếp nhất đối với bất kỳ người lính nào từng trải qua. Các binh sĩ Nhật mình đẫm máu, la hét, nằm khắp nơi dưới lớp bùn lầy đen ngòm, họ bị những cái hàm của loài bò sát khổng lồ nghiền nát, và những âm thanh kỳ lạ náo động của lũ cá sấu quần thảo là tạp âm của địa ngục.

Cá sấu nước mặn khổng lồ 

Cảnh tượng như vậy, tôi nghĩ, rất ít người trên trái đất này có thể chứng kiến được. Vào lúc bình minh, đàn kền kền kéo đến dọn sạch những gì mà lũ cá sấu bỏ lại… Gần một nghìn người lính Nhật tiến vào đầm lầy Ramree, người ta chỉ tìm được hơn 20 người còn sống".

Đến nay, cá sấu nước mặn vẫn được coi là động vật ăn thịt nguy hiểm và hiếu chiến nhất trên trái đất. Trên các bờ biển Australia các vụ tấn công của cá sấu nước mặn làm chết nhiều người hơn so với các vụ tấn công của cá mập trắng khổng lồ - loài mà người dân vẫn lầm tưởng coi là động vật nguy hiểm nhất. Loài bò sát này có những miếng cắn mạnh nhất trong thế giới động vật, những con cá sấu lớn có thể cắn với một lực trên 2.500 kg.

Tại Indonesia, một con cá sấu nước mặn lớn đã ngoạm vào cổ, kéo xuống nước và giết chết con ngựa đực nặng một tấn có sức kéo 2.000 kg. Bộ hàm của nó có khả năng nghiền nát xương sọ của con trâu hay cái mai rùa chỉ trong vài giây


Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn