29 Tết, công trường sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) bạt ngàn đất đỏ. Cái nắng gắt 40 độ C làm chúng tôi mường tưởng mình đang ở giữa sa mạc.
Như hầu hết mọi người, chúng tôi cũng mang tâm lý nhanh nốt việc còn về nhà đón Tết. Hối thúc anh lái xe đạp ga nhanh hơn, sau khoảng 10 phút chạy trong công trường, chúng tôi cũng đến công trình thi công đài kiểm soát không lưu, nơi công nhân vẫn đang hối hả làm việc.
"Nè anh, anh chụp cả cây mai, cây vạn thọ này nữa. Mà làm sao để chụp cả em với anh nhỉ... À đây rồi! Em, em có máy ảnh chắc em chụp đẹp lắm, chụp giúp anh chị với nghen", vừa bước xuống xe, chưa kịp hiểu chuyện gì chúng tôi được người phụ nữ có dáng người nhỏ thó kéo tới, nhờ bấm máy.
Toàn cảnh hiện trạng thi công dự án sân bay quốc tế Long Thành ngày 8/2. (Ảnh: Thy Huệ)
"Ra Tết ba má về nghen con"
Người phụ nữ khiến chúng tôi bất ngờ nói trên là chị Lý Thị Kiều Oanh, cạnh bên là anh Bùi Văn Giàu - chồng của chị. Dù đã bịt kín mặt nhưng qua ánh mắt, chúng tôi vẫn thấy rõ được niềm vui sướng của chị sau khi được người lạ chụp cho vài tấm ảnh đẹp.
"Anh gửi cho má luôn đi, chắc hai đứa nó xem sẽ vui lắm", chị Oanh hối thúc chồng.
Lựa lúc nghỉ tay giữa giờ, chúng tôi xin phép anh chị vài phút để hỏi chuyện.
Vợ chồng chị Lý Thị Kiều Oanh và anh Bùi Văn Giàu cùng làm việc tại công trường sân bay quốc tế Long Thành. (Ảnh: Thy Huệ)
Nhắc đến chuyện về quê ăn Tết, đôi vợ chồng trẻ lặng đi vài giây. Như sợ người đối diện bị chùng tâm trạng theo mình, chị Oanh cười tươi rồi quay qua nắm tay chồng: "Tết nay tụi tui ở lại công trường".
Từ An Giang, vợ chồng chị Oanh lên công trường sân bay Long Thành lao động, ngót cũng đã hơn nửa năm. Tầm một tháng trước, hai vợ chồng cũng bàn nhau việc về quê ăn Tết, sắm sang nhà cửa ở quê. Thế nhưng, nghĩ tới cảnh hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, cần nhiều chi phí, trong khi đó làm việc ngày Tết lại được tăng gấp 3 lần lương, anh chị đắn đo.
Lương trung bình của vợ chồng chị Oanh tại công trường mỗi ngày ở mức 400 nghìn đồng/người. Tính toán, nếu chịu khó làm trong 7 ngày Tết, lương tăng gấp 3, cả hai vợ chồng cũng kiếm được 2,4 triệu đồng/ngày. 7 ngày đã góp thêm được gần 17 triệu đồng, số tiền này đủ để đóng học phí và trang trải chi phí học tập cho hai con ở quê hết cả năm.
Suy đi tính lại, 25 Tết, anh chị báo cáo chỉ huy trưởng công trình xin được đăng ký ở lại làm xuyên Tết.
Đôi mắt đượm buồn của chị Lý Thị Kiều Oanh khi nhắc đến việc về quê ăn Tết. (Ảnh: Thy Huệ)
"Hai bé nhà tui gửi cho ông bà nội. Hôm qua bà nội gọi, bé nhỏ cứ hỏi 'Má ơi, ba ơi, bao giờ ba má về?'. Nghe thế ai mà không nhói lòng. Nhưng nghĩ lại, vì tương lai con cái, vì gia đình có cuộc sống tốt hơn, nên cũng nhẹ nhàng động viên con, nói ra Tết ba má về", chị Oanh nói.
Dù không về quê đón Tết cùng các con, anh chị vẫn không để con thiếu thốn tình cảm. Hàng ngày, anh chị đều gọi video để con có thể nhìn thấy ba má. Có gì vui, gì hay tại công trường, anh chị đều chụp hình gửi về. Đồ áo mới của các con, hoa cúc, hoa vạn thọ đều được anh chị nhờ ông bà nội mua về trang hoàng nhà cửa để Tết ấm áp hơn.
Vợ chồng chị Trần Thị Hồng Thắm và anh Đặng Văn Phi cùng nhau đi làm. (Ảnh: Thy Huệ)
"Tính ra thì cũng chỉ 7 ngày thôi, nghĩ thế cho đơn giản. Giờ có điện thoại công nghệ nên cũng đỡ nhớ con. Tuy cực nhưng nghĩ đến thu nhập cao hai vợ chồng lại phấn khởi, hăng hái làm việc ngay", chị Oanh cười lớn.
Công trường là nhà
Từ đầu buổi ghé thăm, chúng tôi tưởng rằng chị Oanh và anh Giàu là số hiếm cặp vợ chồng cùng làm việc tại công trường. Ấy thế, cách chỗ chúng tôi ngồi không xa, hình ảnh người phụ nữ ngoài 40 đang sửa khăn áo cho nam công nhân khiến chúng tôi hoài nghi.
Như biết được sự tò mò của chúng tôi, chị Oanh giải đáp: "Họ cũng là vợ chồng, cũng quê An Giang đấy!".
Và, không chỉ 1 cặp, 2 cặp, mà có gần 10 cặp vợ chồng đang cùng làm việc tại công trình đài kiểm soát không lưu này. Nếu tính toàn bộ dự án, con số chắc chắn còn bất ngờ hơn.
Tới bắt chuyện, chúng tôi biết được người phụ nữ chu đáo có nụ cười hiền kia là chị Trần Thị Hồng Thắm, anh Đặng Văn Phi là chồng chị.
Khác với vẻ khô khan vốn có của "dân công trình", vợ chồng anh chị luôn dành cho nhau những quan tâm, cử chỉ tình cảm. Cũng giống vợ chồng chị Oanh, vợ chồng anh Phi cũng có hai con nhỏ, và đều gửi cho ông bà dưới quê chăm sóc.
Nụ cười xua tan mệt mỏi của đôi vợ chồng trên đại công trường. (Ảnh: Thy Huệ)
"Đi làm có vợ, có chồng nên cũng đỡ nhiều, mỗi tội xa con thôi. Ở công trường thì thoải mái, chúng tôi được trả lương và thăm hỏi trong ngày trước Tết. Dự án đang chạy đua tiến độ, chúng tôi biết mình không là gì, nhưng nếu hàng nghìn người như chúng tôi thì chắc chắn sẽ đưa dự án làm đúng tiến độ", anh Phi chia sẻ.
Không chỉ vợ chồng anh Phi, mà đối với hàng nghìn công nhân đang ở lại làm xuyên Tết này, từ lâu công trường đã trở thành nhà của họ.
"Toàn dự án thì rất to, nhưng tính từng công trình như đài kiểm soát không lưu thế này thì không quá lớn. Hơn nữa, Tết nhiều người cũng về, nên anh em chúng tôi ở lại hầu như đều biết tên nhau, chúng tôi đều xem công trường là nhà", anh Phi nói.
Để chăm lo đời sống tinh thần cho những công nhân tăng ca ngày Tết, tại công trường, nhà thầu đã "mang" Tết về. Từ ngoài cổng công trình, hàng dài hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ... được trưng rực rỡ. Nhà thầu cũng đã lên kế hoạch đặt bánh chưng, bánh tét, dưa muối, củ kiệu, thịt kho... cho anh em công nhân cùng sum vầy trong đêm giao thừa.
Công trường là nhà, công nhân vui vẻ làm việc xuyên Tết. (Ảnh: Thy Huệ)
Anh Nguyễn Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng Liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu XD02 (thi công đài kiểm soát không lưu) cho biết, năm nay anh cùng hơn 60 cán bộ, kỹ sư, công nhân ở lại công trường làm xuyên Tết. Ngoài lương, thưởng, tăng thu nhập và trang hoàng không khí Tết, đơn vị cũng lắp thêm máy lạnh cho mọi người nghỉ ngơi, hứa cho nghỉ phép sau Tết.
"Anh em họ ở lại với mình là quý lắm rồi, nên làm được gì thì cố gắng làm thôi!", anh Hải cho hay.
Nhiệt độ về chiều mát dần, chúng tôi ra về, công nhân cũng chuẩn bị nghỉ ngơi để tiếp tục làm ca đêm.
Cuộc trò chuyện ngắn cùng những người công nhân khiến chúng tôi tự thấy mình có chút quá đáng, khi đầu giờ đã hối thúc lái xe tắng tốc để "làm nhanh còn về nhà ăn Tết". Chúng tôi, tuy đón Tết trễ, nhưng họ, hàng nghìn công nhân không được đón Tết cùng gia đình. Họ ở lại để có cuộc sống tốt hơn, để công trình trọng điểm quốc gia không bị chậm trễ.
Tết về trên công trường sân bay quốc tế Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay quốc tế Long Thành - tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng), diện tích 5.364 ha.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040). Chính phủ đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành vào năm 2026.
Sân bay quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án), trên công trường dự án sân bay quốc tế Long Thành hiện đang thi công 3 hạng mục xây dựng lớn bao gồm: Công trình nhà ga hành khách (gói thầu 5.10); đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay (gói thầu 4.6); đường kết nối T1 và T2 (gói thầu 6.12).
Bình luận