• Zalo

Chuyện trâu húc người ở làng mổ trâu lớn nhất Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 12/04/2013 07:18:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Con trâu điên cuồng húc thủng bụng ông Dự.

(VTC News) - Con trâu điên cuồng húc thủng bụng ông Dự.

Kỳ cuối: Trâu điên cuồng húc người

Theo chỉ dẫn của người dân ở làng Phúc Lâm (Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang), tôi tìm gặp lái trâu Đỗ Văn Tư. Anh Tư còn trẻ, sinh năm 1985, nhưng đã có ngót chục năm làm nghề lái trâu, mổ trâu.

Ngày bé, Tư làm những công việc phụ giúp cha mổ trâu. 16 tuổi đã có thể vác vồ đập con trâu vài tạ ngã lăn quay, rồi chọc tiết ngọt sớt, lóc da, xẻ thịt như một thợ mổ chuyên nghiệp.

20 tuổi, Đỗ Văn Tư đã ngang dọc Bắc – Nam, trở thành lái trâu rành nghề, có số má ở làng mổ trâu nổi tiếng đất Bắc này. Từ chợ trâu Xín Mần (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai), đến tận miền Tây, Tư đều có mặt. Thậm chí, anh sang cả Lào, Thái Lan tìm trâu tốt, giá rẻ.

Làng mổ trâu Phúc Lâm 
Đang từ một thanh niên khỏe mạnh, lang bạt kỳ hồ, đến trời không sợ, đất không sợ, bỗng dưng, đùng một cái, Đỗ Văn Tư bỏ nghề. Không chỉ Tư, mà cả đại gia đình anh cũng đóng cửa lò mổ trâu.

Đỗ Văn Tư bảo, từ ngày cầm cái vồ đập cho trâu choáng, ngất, Tư đã thấy cái nghề sát sinh này đầy bất an. Tuy nhiên, chỉ đến khi một con trâu nổi điên, sát hại những người trong gia đình, thì Tư không còn luyến tiếc gì nữa.

Chuyện con trâu ở lò mổ nhà Tư nổi điên xảy ra hồi năm kia. Hôm đó, khách đặt nhiều, nên nhà Tư phải mổ mấy con trâu to. Công việc nhiều, không kêu được thợ, nên mẹ Tư phải gọi ông chú của Tư, tên là Dự, cũng là thợ mổ trâu có tiếng trong làng, đến phụ giúp một tay.

Khi chuẩn bị mổ trâu, thì con trâu hoảng hốt rống lên. Nó giãy đạp, giật mạnh hết cỡ. Chiếc dây thừng to thế mà đứt tung.
 
Cảnh tượng làm thịt trâu ở Phúc Lâm. Ảnh internet 
Con trâu điên cuồng nhằm ông Dự húc thật lực. Cái sừng không nhọn lắm của nó xuyên thủng bụng.

Mẹ Tư chứng kiến cảnh đó, chỉ biết hét lên kêu cứu, chứ không thể làm gì được. Nghe tiếng hét, con trâu chuyển sang tấn công mẹ Tư.

Biết nó sẽ hại mình, bà liền bỏ chạy. Con trâu đuổi theo, húc bà ngã xõng xoài xuống mặt đất. Tưởng bà chết rồi, nó phá cổng chạy ra ngoài.

Khi con trâu chạy thoát ra cánh đồng, thì dân làng mới đuổi theo khống chế. Gia đình lập tức đưa mẹ Tư và chú Dự đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông Dự đã qua đời vì mất máu quá nhiều.

Ngoài việc con trâu húc thủng bụng, thì cú húc của nó khiến nhiều cơ quan nội tạng dập nát, chảy máu. Anh em, họ hàng truyền cho ông cả chục đơn vị máu, nhưng ông vẫn không sống được.
Ướp da trâu ở làng Phúc Lâm 
Như vậy, sau vụ con trâu hóa điên húc chết bà Nguyễn Thị Ẩm, là chị gái ông trưởng thôn Nguyễn Văn Truật không lâu, thì lại có con trâu nữa húc chết người.

Mẹ của Đỗ Văn Tư tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng cũng bị vỡ xương hông, phải nằm viện mấy tháng trời.

Sau vụ con trâu nổi điên kinh hoàng, phá dây thừng, húc chú ruột và mẹ, gia đình Tư, cùng một số hộ trong họ hàng đã quyết định đóng cửa lò mổ.

Giờ Tư đi làm thuê, làm mướn, tuy kiếm được ít tiền hơn, nhưng có tiền đều đặn và điều quan trọng hơn, là tinh thần được thoải mái.

Theo ông phó thôn Phúc Lâm Đỗ Văn Khuyến, sau vụ việc con trâu nổi điên húc chết một người và húc bị thương một người trong gia đình anh Tư, thì người dân ở làng cẩn thận hơn trong việc dắt trâu, giết mổ trâu.
 
Chợ trâu ở Bắc Hà, Lào Cai 
Hầu hết các vụ trâu nổi điên tấn công người là do quá trình dắt trâu không cẩn thận, dây thừng buộc không vững.

Thậm chí, nhiều gia đình khi đưa trâu về làng, còn lấy bao tải trùm đầu, bịt mắt nó lại để nó không hoảng sợ. Tuy nhiên, cách làm đó cũng không khiến loài trâu bình tĩnh được.

Có lẽ, trâu có giác quan thính nhạy, nên nó cảm nhận được sát khi toát ra từ ngôi làng này. Vận chuyển nó suốt chặng đường dài thì không sao, nhưng về đến làng thì nhiều con trâu nổi loạn, lồng lộn điên cuồng.

Và, một vụ tai nạn mới nhất cũng lại tiếp tục xảy ra, khi mới đây, một con trâu đã giật đứt dây thừng, nổi điên, và húc trọng thương bà Nguyễn Thị Hà.
Ảnh Internet 
Cú húc của nó khiến bà Hà dập lá lách. Mặc dù máu chảy đầy ổ bụng, nhưng do được cứu chữa kịp thời, nên bà Hà giữ được mạng sống.

Nhưng cái chết hụt của bà Hà, đã thêm một lần nữa khiến người dân Phúc Lâm muốn từ bỏ công việc này.

Trước khi rời làng Phúc Lâm, tôi tạt vào một quán nhậu thịt trâu cách cổng làng Phúc Lâm không xa.

Ngay cạnh ngôi làng này, hai bên tỉnh lộ, có một số quán thịt trâu phục vụ đủ các món. Ăn xong, tôi khen ông chủ: “Thịt trâu lấy ngay tại làng, vừa tươi, vừa thật, nên quả là ngon”.

Ông chủ quán cười bảo: “Không đâu anh ạ. Em phải đi sang huyện bên cạnh lấy thịt trâu ở lò mổ của người quen mới ngon thế đấy. Không tin được thịt trâu ở làng Phúc Lâm đâu.

Trước khi mổ trâu, họ ép trâu uống cả thùng nước, ăn cám trộn nước, rồi tiêm nước thẳng vào mạch máu của nó, để thịt nó đẫm nước.

Vừa chọc tiết xong, họ đục ngay một lỗ vào tận tim, rồi cắm vòi bơm cao áp vào động mạch, bơm nước căng cả mình con trâu. Thịt trâu ở làng xào ra toàn nước, em dùng có mà mất khách”.

Giờ tôi mới hiểu, ngoài nguyên nhân mang tính chất tâm linh, làng mổ trâu Phúc Lâm mỗi ngày lại mai một còn có một phần nguyên nhân do làm ăn thiếu chân chính.

Điều anh chủ quán thịt trâu nói chẳng sai, khi mà một cán bộ thôn Phúc Lâm bảo rằng: “Hiện tượng bơm nước là có, nhưng chỉ bơm ít thôi và cá biệt có hộ bơm thôi”.

Hân Bình

Bình luận
vtcnews.vn