Có xe đạp, có điện thoại rồi, hễ nghe tin ở xóm nào, xã nào có bà góa, là ông đạp xe tìm đến làm quen, tìm hiểu.
Kỳ 1: Dặn con cưới vợ cho chồng
Chuyện cụ ông Trần Quang Xê, 80 tuổi, tậu được bà vợ 77 tuổi, cứ lan nhanh như sóng âm, thành đề tài thời sự suốt mấy thời gian này. Dưới những tán dừa, họ túm năm tụm ba bình luận, mổ xẻ, rồi cười hô hố, hi hí.
Qua anh bạn đồng nghiệp ở Hải Phòng, tôi được biết về mối tình kỳ lạ của cụ ông 80 tuổi ở huyện Vĩnh Bảo, nhưng không rõ ở xã nào, vậy mà, cứ lần hỏi dọc những con đường rợp bóng dừa xanh, liền tìm ngay được ông Xê, ở cái thôn Đan Điền (xã Dũng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nép ven đê sông Luộc.
Hỏi nhà ông, các bà, các chị, các anh, cứ tủm tỉm, cứ hô hố, cứ ngặt nghẽo cười hết cơn, rồi mới chỉ đường. Họ lại còn dặn: “Nhà báo chụp ảnh xong mang ra cho tớ xem với nhé!”. Chưa tìm thấy nhà đã thấy khổ cho ông Xê.
Lòng vòng ngõ ngách, rồi tôi cũng tìm thấy ngôi nhà cấp 4 cổ kính, nhỏ nhắn, có cả chữ Tàu ở trên cột, trên tường, nép dưới những tán cây.
Khung cảnh thanh bình với vườn cây, ao cá. Cụ ông Trần Quang Xê đang còng lưng cất vó ở bờ ao, cụ bà Nguyễn Thị Thực thì đang ngồi tuốt rau ngót chuẩn bị bữa tối.
Hỏi chuyện mối tình già, ông Xê bảo: “Khổ lắm cháu à. Có lẽ ông là người đi trước thời đại, không hợp với phong tục ở quê, nên bị dị nghị nhiều lắm. Cụ ông Trần Quang Xê cất vó kiếm cá đãi phóng viên
Cái làng, cái xã này họ coi chuyện của ông bà như chuyện hài ấy, cứ lôi ra bàn tán suốt ngày. Kiểu này, khéo ông bà phải dắt nhau bỏ xứ mà đi mất thôi”.
Ấy là ông Xê nói vậy, chứ tôi biết chắc ông bà sẽ chẳng đi đâu. Tôi bảo, họ nói mãi cũng chán, ông làm gương, rồi sẽ lại ối ông, ối bà có thêm động lực tiếp bước. Nghe vậy, ông Xê cười móm mém, rồi liếc mắt đưa tình xem ý tứ bà Thực ra sao.
Ông Trần Quang Xê có một cuộc đời khá vất vả. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Quýt, sinh năm 1931, hơn ông Xê 2 tuổi, từng là du kích cứu thương.
Từ chiến trường về, bà Quýt mang nhiều bệnh tật. Thế nhưng, ông bà vẫn đẻ tới 8 người con, 4 trai, 4 gái.
Năm 2007, bà Quýt đổ bệnh nặng, con cháu đưa đi viện, mới biết bà bị ung thư não. Chạy chữa ngược xuôi, song các bác sĩ đều lắc đầu, vì khối u đã di căn, mà tuổi cụ đã cao, nên không thể qua khỏi.
Con cái đưa vợ đi viện nào, hết Hà Nội lại về Hải Phòng, ông Xê đều chạy theo, nước mắt ngắn dài. Nhưng rồi, năm 2008, một ngày mưa giông, bà Nguyễn Thị Quýt, gọi chồng và các con đến cạnh.
Cụ Xê hạnh phúc bên cụ bà Thực |
Rồi bà Quýt quay sang nói với chồng: “Tôi đi rồi, ông ở một mình, mà ông vụng thế, không biết làm việc nhà, thì quần áo ai giặt cho ông, cơm nước ai nấu cho ông? Ông cứ chủ động đi tìm bà khác đỡ đần, chứ sống một mình khổ lắm!”.
Dặn dò con cháu xong, chỉ chỗ cất giấu tiền, vàng cho chồng xong, bà Quýt nhắm mắt ra đi thanh thản.
Theo ông Xê, trước đó, bà Quýt đã gọi em gái đến, ngỏ ý nhờ em gái chăm sóc ông Xê khi bà ra đi mãi mãi, nhưng em gái bà Quýt không đồng ý.
Vợ chết, ông Xê và các con làm tang chu đáo. Ông khóc lóc ghê lắm. Ông thương vợ tần tảo sớm hôm, nuôi dưỡng 8 người con trưởng thành, đến khi hưởng tuổi già, thì đổ bệnh rồi chết.
Ông Xê ở vậy suốt mấy năm trời để hương khói cho vợ. Ông bảo: “Từ ngày bà ấy mất, tôi chả muốn làm gì. Cơm không thèm nấu, cá không thèm bắt, cỏ mọc đầy vườn, tôi cũng mặc kệ”.
Con cái ông Xê trông bố mỗi ngày thêm héo hắt thì rầu lòng, lo lắng. Đàn con nghĩ, cứ tình trạng thế này, rồi không sớm thì muộn, bố cũng đi theo mẹ, nên nhớ lại lời mẹ dặn, họ đã chủ động đi tìm vợ cho bố.
Mấy người con vừa chủ động đi tìm những bà góa chồng, vừa nhờ vả bạn bè tìm hộ. Gặp bà nào thấy ưng ý, họ lại chụp ảnh đem về cho bố xem để bố duyệt.
Tuy nhiên, các ứng viên mà con cái ông mang về đều bị ông từ chối ngay khi nhìn ảnh. Giới thiệu bà nào ông cũng chê, đám con giận dỗi bảo rằng, ông cũng phải có trách nhiệm đi tìm vợ cho mình.
Nghĩ chuyện tìm vợ đâu có đơn giản, cũng phải tán tỉnh, tìm hiểu, xem có hợp duyên không thì mới lấy chứ, nên ông quyết định đi tìm vợ.
Ông Xê già rồi, sức yếu, mắt kém, không đi được xe máy, nên con cháu sắm cho ông cái xe đạp. Ngoài ra, ông còn tự sắm thêm phương tiện để “tán gái” là cái điện thoại di động chụp được hình, quay được phim.
Có xe đạp, có điện thoại rồi, hễ nghe tin ở xóm nào, xã nào có bà góa, là ông đạp xe tìm đến làm quen, tìm hiểu.
Ông Xê lôi chiếc điện thoại dắt ở cạp quần mở cho tôi xem hình những bà mà ông tìm hiểu. Tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh vợ ông, trong bộ quân phục trang nghiêm, hiện ở màn hình.
Ông Xê bảo, mỗi khi nhớ vợ, ông lại mở điện thoại ra ngắm bà, rồi trò chuyện cứ như bà đang ngồi trước mặt ấy. Trong file ghi ảnh mà ông mở ra rất thuần thục, thấy có khuôn mặt của mấy bà liền.
Bà thì già quá, không đủ sức khỏe để chăm sóc ông, nếu có lấy về thì chỉ làm khổ cả hai, bà thì có vẻ đanh đá, sợ lấy về, làm chồng ông, nên ông cũng loại, bà thì to béo quá, mà ông thì nhỏ con, đứng bên nhau trông không cân xứng…
Trong số những bà có hình trong điện thoại, ông Xê kể kỹ nhất về 3 bà, là bà Tiến, bà Hồi và cô Dưỡng. Đây là 3 bà mà ông đã mất khá nhiều công sức tán tỉnh, tìm hiểu. Tuy nhiên, con cháu lại nhất quyết không đồng ý cho ông lấy bà Tiến.
Còn bà Hồi thì ông “kết” lắm, mê bà như điếu đổ. Ông Xê đã suýt lấy được bà, nhưng đến phút cuối, thì bà quay sang từ chối, không muốn đi bước nữa. Bà Hồi làm ông đau khổ, thẫn thờ, thất tình mất thời gian dài.
Cô Dưỡng cũng “kết” ông và ông cũng “kết” cô. Hai người đã định ngày về với nhau, cũng đã tính làm vài mâm báo cáo tổ tiên, song cuối cùng ông lại từ chối.
Lý do là cô Dưỡng còn trẻ quá, mới 50 tuổi. Qua tìm hiểu thì ông được biết, cô Dưỡng vẫn còn khả năng sinh đẻ. Nếu ông lấy cô Dưỡng, nhỡ tòi ra đứa con, thì thực sự không ổn. Lý do ông Xê thoái thác lời cầu hôn với cô Dưỡng là vì thế.
Còn tiếp…
Gia Quân
Bình luận