• Zalo

Chuyện tình đặc biệt và khó tin của hai số phận mang 'dòng máu dioxin' ở Nghệ An

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 28/04/2017 07:30:00 +07:00 Google News

Ngày cưới đôi vợ chồng đều nhiễm dioxin này khiến bao người dân nơi đây rơi nước mắt.

Men theo con đường nhỏ dọc xóm 3, xã Hưng Chính (TP. Vinh, Nghệ An), chúng tôi tìm đến gia đình vợ chồng anh Ngô Xuân Bình (SN 1976) và chị Phan Thị Yến (SN 1979), đôi vợ chồng nhiễm chất độc màu da cam (dioxin) với tình yêu tuyệt vời, được người dân nơi đây ví như cổ tích giữa đời thường.

Ngày cưới đôi vợ chồng đều nhiễm dioxin này khiến bao người dân nơi đây rơi nước mắt. Phần mừng vì hạnh phúc cho hai người con của hai cựu chiến binh, phần nữa vì thương anh chị đều mang tật nguyền trên cơ thể.

Nỗi đau chung của hai người đồng đội

Dừng tay bên chiếc máy may nhỏ, chị Yến qua rót nước mời khách, với cách phát âm khó khăn do bị dị tật hở hàm ếch, chị nhẹ nhàng: “Mấy hôm nay trở trời, anh Bình lại đau do bệnh cũ tái phát nên đi khám ở bệnh viện rồi. Con trai thì đi học, mỗi chị ở nhà thôi”.

Là con gái út trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, chất độc da cam đã ngấm vào bố chị là cựu chiến binh (CCB) Phan Đình Minh, để rồi nỗi đau di chứng lại hằn sâu trên cơ thể của chị.

Chào đời, khuôn mặt chị Yến đã bị biến dạng, miệng méo xệch, hở hàm ếch, trí não chậm phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa. Thương con, gia đình chị cũng chạy vạy bán lúa non, cầm cố tài sản đem chị đi chữa trị, phẫu thuật nhưng vẫn không cải thiện là bao.

Để bù đắp phần nào nỗi thiệt thòi của con, đi đâu ông Minh cũng chở chị Yến theo cùng. Dạo ấy, bố con chị thường xuyên sang nhà người đồng đội cũ ở xã bên, là CCB Ngô Xuân Thụy chơi.

Hinh anh

Ảnh cưới vợ chồng chị Yến và cậu con trai thông minh, sáng láng. (Trong tấm ảnh cưới, chỉ có 2 khuôn mặt là của chị Yến và anh Bình, còn thân là của người khác)

Gia đình ông Thụy cũng có chung nỗi buồn như ông. Từ chiến trường trở về, ông Thụy lập gia đình và sinh được 5 người con. Nhưng người con trai đầu sinh ra là anh Ngô Xuân Bình đã mang nhiều dị tật trên cơ thể, chân tay co quắp, nói không thành lời và được xác định là do nhiễm chất độc dioxin từ bố.

Không chỉ anh Bình, trong số 5 người con của vợ chồng ông Thụy còn có một người em trai cũng bị nhiễm dioxin như anh. Con cái bệnh tật triền miên khiến gia đình anh Bình gặp nhiều khó khăn. Cảnh người lính với nhau cũng chẳng sung sướng gì hơn nhưng thương đồng đội, nên ông Minh cứ sang chơi rồi bữa cho dăm bảy bát gạo, lúc mang sang mớ rau cho những đứa con bị tàn tật của người đồng đội. Thời gian trôi đi, do thường xuyên chơi với nhau nên chị Yến và anh Bình và trở thành bạn thân.

Hai con người mang dòng máu nhiễm dioxin cứ quấn quýt lấy nhau như vậy từ những cuộc gặp giữa hai người đồng đội.

Dần dà, anh Bình bắt đầu để ý và có tình cảm với chị Yến, rồi nằng nặc đòi bố mẹ đến xin chị về làm vợ. Cảm động trước sự quả quyết và thật thà của anh, chị Yến cũng dần đáp lại tình cảm.

Kể lại những ngày tháng Bình đeo đuổi mình, chị Yến nghẹn ngào: “Cả hai chúng tôi dù đều thiệt thòi về cơ thể, anh bị nặng hơn tôi, nhưng anh ấy lại có một tâm hồn rất đa cảm. Ngày ấy, chính sự chân tình của anh đã khiến trái tim tôi rung động.

Tôi cũng lo lắm chứ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi nhận lời cầu hôn của Bình. Tôi lo rằng tổ ấm gia đình và những đứa con sau này liệu có ảnh hưởng di chứng như chúng tôi hay không. Nhưng rồi, sự chân thành của anh đã gắn kết chúng tôi”.

Hinh anh  4

Chị Yến.

Ngày chị Yến thông báo với gia đình muốn lấy anh Bình làm chồng và chăm sóc cho anh ấy, chị còn tưởng gia đình sẽ phản đối. Nhưng rồi chị vỡ òa trong xúc động, khi biết cả bố mẹ hai bên đã thầm thống nhất cho hai người nên vợ chồng tự lúc nào rồi.

“Lúc đó, tôi cũng lo không biết hai vợ chồng đều khuyết tật thì làm gì để nuôi nhau, nhưng chơi với anh lâu cứ mỗi lần nhìn vào đôi mắt anh tôi vừa thương anh và thầm hiểu anh ấy cần một người bên cạnh để chăm sóc” - chị Yến chia sẻ. 

Cổ tích giữa đời thường

Năm 2004, được sự cho phép và ủng hộ của hai gia đình, chị Yến và anh Bình quyết định tổ chức lễ cưới. Một bữa tiệc nho nhỏ nhưng ấm cúng đã được bà con lối xóm chung tay tổ chức.

Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, tay đẩy chú rể co quắp trong chiếc xe lăn lên hôn trường ra mắt mọi người đã khiến những người có mặt trào nước mắt.

Cưới xong, cuộc sống vợ chồng chị Yến gặp muôn vàn khó khăn khi chị xin việc nhiều nơi không nhận, anh Bình thì ốm đau thường xuyên. Mãi chị mới xin được làm nhân viên cho một cơ sở sản xuất hoa lụa tại TP. Vinh.

Người chủ tốt bụng thỉnh thoảng còn cho thêm chị đôi đồng để về lo cho người chồng khuyết tật. Không dư dả nhưng như vậy cũng coi như tạm đủ sống. Thương vợ chồng anh chị hai bên nội ngoại cũng quyên góp dựng cho căn nhà cấp 4 để ở riêng.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Chính cho biết:  “Năm 2012, để tạo việc làm cho những trường hợp khuyết tật, Hội phụ nữ xã Hưng Chính đã giúp chị Yến đi học miễn phí một khóa làm hoa lụa. Bằng sự cần cù, nỗ lực học hỏi, cộng với chút khéo tay, chị đã tạo ra những sản phẩm đẹp, được nhiều người khen ngợi.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường thay đổi, sản phẩm hoa lụa không còn được ưa chuộng, tổ sản xuất của những người phụ nữ khuyết tật không còn hoạt động nữa. Duy chỉ còn chị Yến là người vẫn bám trụ với nghề. Chị tự đứng ra nhập nguyên liệu rồi làm hoa bán cho khách”. 

Hinh anh  6

Thu nhập trung bình mỗi ngày của chị Yến từ 50 - 60 nghìn đồng, bằng việc làm hoa và sửa đồ.

Thu nhập dựa vào lượng sản phẩm hoa lụa hằng ngày chị làm ra, dù không dư giả song chắt bóp cũng đủ trang trải cho gia đình nhỏ.

Hạnh phúc đến với vợ chồng chị Yến khi năm 2005, cả anh chị lẫn hai bên nội ngoại đều thở phào nhẹ nhõm khi chị sinh được bé trai Ngô Xuân Hoàn lành lặn, khỏe mạnh, bụ bẫm. Người con khỏe mạnh như tiếp thêm sức mạnh cho cả hai anh chị.

Đến nay, bé Hoàn đã 12 tuổi, là học sinh xuất sắc của Trường THCS Hưng Chính. Sau giờ lên lớp, Hoàn giúp mẹ chăm sóc, tắm rửa và cho bố ăn. Có con trai đỡ đần được những việc này, chị Yến có thêm thời gian để đi làm, đời sống gia đình cũng bớt chật vật hơn so với trước đây.

“Thực sự, từ khi Hoàn sinh ra tới giờ là 12 năm, 12 năm chăm cháu là quãng thời gian với biết bao cung bậc âu lo, sợ sệt đến vui mừng rồi sung sướng. Tuy rất cực khổ khi chăm cháu, vì cả chị và anh đều không lành lặn, nhưng cháu khỏe mạnh, thông minh như hiện tại thì không còn dám ước gì hơn”, chị Yến xúc động.

13 năm làm vợ, vừa quần quật kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, vừa chăm chồng, nuôi con nhưng người phụ nữ này chưa một lần than thở. Ngược lại, chị thấy hạnh phúc với nỗi bận bịu và nhọc nhằn đó của mình.

Chỉ lên tấm ảnh chân dung bé Hoàn, nằm sát ảnh cưới của vợ chồng, mà thực chất chỉ có mỗi khuôn mặt là của anh chị, chị gạt nước mắt: “Hồi mới cưới, về ở với nhau dưới một mái nhà, ban đầu hai vợ chồng không dám sinh con, vì sợ lại phải gánh chịu nỗi đau mình đang chịu đựng. Nhưng rồi, nỗi khát khao có một đứa con để ẵm bồng đã chiến thắng mọi âu”.

Video: Những phận người tàn tạ chưa một lần biết Tết bởi chất độc màu da cam

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn