Kỳ 4: Đám cưới dài nhất Việt Nam
Như đã nói ở kỳ trước, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng đã có cuộc tình như trong phim trinh thám với một cô gái từng có thời gian làm nghề bán thân. Tuy nhiên, người vợ ấy đã ôm một đống tiền bỏ đi mất tích, để lại cho ông một cô con gái.
Chán đời, ông không thiết gì chuyện lấy vợ nữa. Bác sĩ Trọng chuyên tâm nghiên cứu về cây cối, sản xuất thực phẩm chức năng.
Hồi nuôi đàn ngựa bạch và giúp nhân dân trồng giống gấc năng suất cao ở Yên Lập (Phú Thọ), ông đã gặp cô gái người Mường tên là Đinh Thị Bẩy.
Hồi đó, Bẩy đã 23 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Bà ngoại Bẩy là thầy thuốc người Mường, bản thân chị cũng biết nhiều cây thuốc, nên muốn theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng để học nghề thuốc.
Ông Trọng và chị Bẩy hồi mới gặp nhau |
Theo ông Trọng, hồi đó, ông thuê người làm cỏ ở trang trại mất 10 triệu đồng một tháng, thế nhưng chị Bảy tháo vát, quản lý đâu ra đấy, lại xắn tay cùng công nhân làm việc, nên chỉ tốn 3 triệu mỗi tháng mà vườn sạch tinh tươm.
Một hôm, đến trang trại vào lúc 12 giờ trưa, thấy công nhân nghỉ ngơi, mà Bảy vẫn làm cỏ ngoài vườn, mồ hôi mướt mát. Nhìn cô gái chân quê chăm chỉ, ông Trọng xúc động làm ngay mấy câu thơ: “Em ngồi nhổ cỏ nhưng vẫn đợi/ Chẳng hiểu cỏ kia có dễ không/ Chỉ chờ ai gọi thôi em nhé/ Đứng dậy đi em chim sổ lồng”.
Nghe mấy câu thơ đó, chị Bẩy không nói gì, mà lẳng lặng đi vào nhà ăn. Ông Trọng đi theo, nhấc lồng bàn, thì chỉ thấy món rau muống luộc và quả trứng.
Chị Bẩy mời ông ở lại ăn cùng. Ông Trọng toàn ăn cao lương mỹ vị, nhưng không ngờ bữa ấy chỉ có rau muống và quả trứng luộc lại ngon miệng đến thế.
Cô gái này đã yêu say đắm bác sĩ Trọng |
Không những thế, cô còn đọc rất nhiều bài thơ của ông, rồi bình từng câu, từng tứ. Ông Trọng càng giật mình, khi không hiểu vì sao, một cô gái làm vườn cho mình, mà lại thuộc nhiều thơ của mình đến vậy.
Sau này, ông mới biết, những đêm ở trang trại rộng mênh mông, buồn quá, cô lục đống sách, báo trong phòng của ông để đọc.
Là sơn nữ xứ Mường, Bẩy có tâm hồn lãng mạn, nên rất thích thơ. Những bài thơ về tình yêu, cảnh sắc thiên nhiên của ông Trọng, Bẩy chỉ đọc vài lần là thuộc.
Ông Trọng ngã bổ chửng, khi cô gái vẫn gọi ông bằng thầy cất lời: “Thầy ơi! Em muốn làm vợ thầy!”.
Ông Trọng bảo: “Nghe cô ấy nói thế, tôi quá giật mình. Nhưng suốt bao năm một mình gà trống nuôi con, giờ lại được cô gái trẻ tỏ tình thì thích thú lắm, nên tôi nhận lời ngay”.
Vài hôm sau, ông Trọng tìm lên huyện Yên Lập, cùng vài người thân để… hỏi vợ.
Ông Trọng |
Khi đó, ông Trọng đã 79 tuổi, còn bố vợ mới 68. Bố vợ gọi ông Trọng bằng anh, còn ông Trọng gọi bố vợ bằng ông.
Nhiều người xì xầm bàn tán. Mấy bà cô, bà thím còn lôi chị Bẩy ra ngoài khuyên giải mọi điều, nhưng ý Bẩy đã quyết, nên không ai lay chuyển được.
Tình cảnh lúc đó khá gay cấn, có nguy cơ đổ vỡ. Không để mọi người bàn ra tán vào nhiều, ông Trọng đã nói thẳng rằng, mai là ngày lành tháng tốt, nên xin được cưới luôn.
Ông bố vợ nghe con rể tương lai nói vậy, thì bảo: “Tôi sẽ hỏi ý kiến tổ tiên. Nếu tổ tiên đồng ý, thì tôi không có cách nào khác. Ngược lại, thì xin trả lễ cho anh”.
Nói rồi, ông bố vợ vào trong buồng, lấy chiếc đĩa cùng 2 đồng xu. Ông thắp hương trên bàn thờ, rồi gieo quẻ. Gieo xong, ông bảo với mọi người: “Được rồi. Các cụ đã đồng ý. Mai tổ chức cưới luôn”.
Ông Trọng hỏi lễ cưới ở đây thế nào? Các cụ già xúm vào bảo phải 1 con bò, một con lợn, trăm lít rượu, gà, gạo…
Ông Trọng chẳng cần nhẩm tính, đưa một cọc tiền to nhờ gia đình nhà gái mua sắm hộ, vì đường xa không mang được gì theo.
Tấm ảnh cưới phóng lớn của vợ chồng ông Trọng cùng những lời mô tả đám cưới dài 28 ngày, linh đình nhất Việt Nam |
Hôm sau, đám cưới tưng bừng diễn ra. Cả họ nhà gái, cả bản đến dự, ăn uống no say, rượu rót tràn cả thung lũng. Chú rể Nguyễn Hữu Trọng tuy tóc đã bạc, nhưng uống rượu như nước lã, khiến cả nhà gái say nghiêng ngả.
Cưới xong ở nhà gái, thì ông Trọng đưa vợ về Hà Nội tiếp tục tổ chức lễ cưới.
Ông kể: “Có lẽ, đám cưới của tôi không chỉ to nhất Hà Nội từ trước đến nay, mà còn là đám cưới dài nhất, tới 28 ngày. Ngày cưới chính tôi tổ chức ở khách sạn tại Hà Nội, còn các ngày khác thì tổ chức ở khu nhà vườn Hoài Đức, bên sông Đáy.
Tôi gọi điện mời cưới. Mọi người hỏi cưới hôm nào, tôi bảo hôm nào đến cũng được, đều có cỗ và rượu.
Tôi tổ chức cưới dài ngày như thế, nên không ai có thể từ chối đến chúc mừng vì bận. Vì tôi tổ chức cưới kéo dài, nên khách đến rải rác, cứ mỗi ngày dăm mười mâm”.
Cưới xong, đúng một năm sau, thì vợ ông trở dạ, sinh cô con gái, đặt tên là Nguyễn Kim Phúc. Con cháu, người thân ông Trọng đều không tin ở tuổi ông vẫn có con, nên lúc chị Bẩy mang bầu thường nói ra, nói vào.
Nhiều người còn nói bóng gió rằng ông Trọng già rồi còn đi đổ vỏ. Thế nhưng, khi bé gái ra đời, nhìn khuôn mặt lột ông Trọng, thì không thấy ai bàn tán gì nữa.
Và để có nếp, có tẻ, ông Trọng bàn với vợ sinh tiếp. Năm 2012, cậu bé Nguyễn Hữu Đức ra đời, khi ông Trọng đã ở tuổi 82.
Lúc này, mọi người không còn bàn tán xôn xao chuyện cụ ông 82 tuổi vẫn sinh con nữa, mà người ta bàn tán, tò mò, vì sao cụ ông hiện đã 84 tuổi vẫn đáp ứng được chuyện chăn gối với vợ trẻ.
Bí quyết của ông Trọng là: Sống vô tư, thanh nhàn, không thù hận, kèn cựa, ăn uống sạch sẽ, bổ dưỡng, tích cực làm việc, rèn luyện thân thể. Đặc biệt, cần sử dụng thảo dược quý từ sớm, để loại trừ bệnh tật từ gốc.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt – Thanh Đào
Bình luận