NSND Phùng Há (30/4/1911 – 5/7/2009), tên thật Trương Phụng Hảo, là người Việt gốc Hoa. Bà đến với nghệ thuật cải lương khi 13 tuổi và có nhiều đóng góp cho bộ môn này. Giới nghiên cứu coi bà là một trong những vị tổ của bộ bôn cải lương Việt Nam, cùng với nghệ sĩ Bảy Nam.
Thành công trong sự nghiệp nhưng đường tình duyên của NSND Phùng Há lại nhiều đắng cay và nước mắt. Bà kết hôn lần đầu với Tư Chơi, cũng là nghệ sĩ cải lương. Cuộc hôn nhân chỉ này chỉ kéo dài 2 năm. Khi ly hôn, Phùng Há đang mang bầu con gái đầu lòng. Con ra đời, bà phải gửi cho người thân nuôi dưỡng vì không thể mang bé theo những chuyến đi diễn. Phải tới khi đứa trẻ 10 tuổi, NSND Phùng Há mới đoàn tụ với con gái.
Năm 1929, nghệ sĩ Phùng Há gặp ông Lê Công Phước, con trai cưng của ông Đốc phủ sứ Mỹ Tho – Lê Công Sủng, người giàu có nhất nhì ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Ông Phước là người nổi tiếng ăn chơi. Người bấy giờ gọi ông Bạch công tử để phân biệt với Hắc công tử tiếng tăm lừng lẫy xứ Bạc Liêu. Ông cũng là một trong hai người chủ của gánh hát Phước Cương, nơi quy tụ hàng loạt nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó.
Bạch Công Tử rất si mê cô đào Phùng Há. Buổi biểu diễn nào của bà, ông cũng có mặt ở hàng ghế đầu. Khi còn sống, NSND Phùng Há từng chia sẻ, là cô đào nổi tiếng, bà không thiếu người si mê, theo đuổi. Tuy nhiên, bà cảm nhận được tình cảm chân thành cũng như sự tôn trọng của ông Lê Công Phước dành cho mình, cho bộ môn nghệ thuật mà bà đang theo đuổi.
Sau khi kết hôn với nghệ sĩ Phùng Há, Bạch công tử lập gánh hát Huỳnh Kỳ. Ông để vợ làm bầu gánh khi chỉ mới 18 tuổi. Đây được coi là gánh hát quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ, quy tụ hàng loạt đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiên, Ba Đồng, Chín Móm... Ông còn xây dựng thêm một rạp hát cũng tên Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà của mình ở Mỹ Tho.
Vốn giàu có, lại chịu chơi, ông Lê Công Phước không tiếc tiền đầu tư cho gánh hát Huỳnh Kỳ. Thời đó, mọi gánh hát đều đi lại bằng ghe chèo, ông mua hẳn 3 chiếc ghe có gắn máy để chở đoàn đi lưu diễn. Chiếc đầu chở vợ chồng Bạch công tử - Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh hát. Chiếc ghe thứ hai có nhiều phòng, được trang bị bếp ăn, chỗ vệ sinh, chở đào kép. Chiếc thứ ba chở thầy đàn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng.
Mỗi lần lưu diễn, đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ, xếp hàng, bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó, mọi người hát bản đoàn ca, cờ vàng kéo lên, Bạch công tử rút súng lục ra, bắn liền mấy phát lên trời.
Rồi trong khi đào kép lo chuẩn bị đêm diễn, đội bóng của Bạch công tử thi đấu giao hữu với đội bóng địa phương. Đội bạn thắng hay thua cũng đều được chiêu đãi và mời xem hát. Khi gánh hát rời đi nơi khác, Bạch công tử lại cho hạ cờ xuống, đốt pháo và bắn súng lục. Khán giả chen lấn vây chào.
Với sự đầu tư của Bạch công tử, gánh hát Huỳnh Ký nổi tiếng khắp nơi. Danh tiếng của nghệ sĩ Phùng Há cũng trở nên vang dội. Bà và Bạch công tử có với nhau hai người con, gồm 1 trai và 1 gái.
Tuy nhiên, sự quan tâm của Bạch công tử dành cho gánh hát chỉ kéo dài 7 năm. Sau đó, ông lại lao vào các cuộc chơi. Nghệ sĩ Phùng Há vừa vật lộn chăm sóc hai con, vừa chăm lo gánh hát.
Trong một lần con ốm, nghệ sĩ Phùng Há bế con đi tìm chồng. Bà bắt gặp ông đang say sưa với một cô gái đẹp. Thấy vợ con, Bạch công tử còn quát mắng, đuổi về. Giọt nước tràn ly khiến Phùng Há quyết định ly hôn. Hai người con của bà sau đó lần lượt qua đời vì ốm đau, bệnh tật.
Còn Bạch công tử sau khi chia tay nghệ sĩ Phùng Há càng lún sâu vào nghiệp ngập. Tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Về già, ông lang thang ở TP.HCM. Mặc cho cơn nghiện và đói khát hành hạ, ông không bao giờ ngửa tay xin tiền bởi trước đó, khi còn giàu sang, phú quý, ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ nhờ vả người khác. Sau này, Bạch công tử được một người thân đưa về chăm sóc. Ông qua đời vào năm 1950.
Còn nghệ sĩ Phùng Há, sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân với Bạch công tử, bà kết hôn thêm hai lần nữa nhưng vẫn không tìm được hạnh phúc lâu dài.
Không chỉ có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương, NSND Phùng Há còn là người đề xuất mua đất, xây dựng chùa Nghệ sĩ tại TP.HCM để làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương. Bà cũng tự xuất tiền để làm bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành, lập nên viện dưỡng lão nghệ sĩ, cấp dưỡng cho nghệ sĩ nghèo, neo đơn. Bà được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1982.
Ngày 5/7/2009, NSND Phùng Há trút hơi thở cuối cùng ở TP.HCM, hưởng thọ 99 tuổi.
Bình luận