Nghệ sĩ Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ. Bà sinh năm 1906 tại Tiền Giang trong một gia đình nề nếp và có 11 anh em. Dù cha là kỹ sư và rất ghét "xướng ca vô loài" nhưng Lê Thị Phỉ lại rất mê sân khấu. Năm 10 tuổi, Lê Thị Phỉ trốn nhà đi theo gánh hát. Cũng từ ngày đó, người cha từ mặt và không cho người nhà nhắc tới tên cô con gái không chịu nghe lời nữa.
Khi mới rời nhà, Lê Thị Phỉ đi theo gánh hát Nam Đồng Ban và nên duyên với kép chính của đoàn là nghệ sĩ Hai Giỏi. NSND Ba Vân sinh thời từng nhận xét về Hai Giỏi: "Dáng người nho nhã thư sinh, môi son đỏ thắm, đã đẹp trai mà còn ca hay nổi tiếng, nhiều người lớp sau anh có tên tuổi lớn vẫn xem anh là bậc thầy trong nghề ca".
Có người còn khẳng định Hai Giỏi là kép độc nhất vô nhị của sân khấu cải lương Nam Kỳ. Ông là người có công đầu trong việc dẫn dắt Năm Phỉ trở thành cô đào hát có tiếng tăm lừng lẫy.
Tuy nhiên, ông Hai Giỏi lại đoản mệnh. Chỉ sau vài năm chung sống, Năm Phỉ trở thành góa phụ khi đang ở tuổi vị thành niên.
Sau khi chồng qua đời, nghệ sĩ Năm Phỉ tham gia vài gánh hát khác trước khi vươn tới đỉnh cao tại gánh Phước Cương. Với chất giọng khàn, nhiều tâm sự, Năm Phỉ thể hiện xuất sắc những vai đào thương. Tên tuổi của bà gắn liền với các vai diễn như: Lý Ngọc Nương (vở Trà hoa nữ), Bàng Quý Phi (vở Xử án Bàng Quý phi), Điêu Thuyền (Lã Bố hý Điêu Thuyền), Mộng Hoa (Mộng Hoa nương), Lan (vở Lan và Điệp)…
Năm 1931, nghệ sĩ Năm Phỉ cùng đoàn hát Phước Cương mang vở Xử án Bàng Quý phi sang Paris (Pháp) diễn và được đón nhận nhiệt liệt. Năm Phỉ còn được tặng 4 huy chương của 4 quốc gia, nhận 186 bức thư tỏ tình của khán giả, 1.009 tấm danh thiếp, 167 kiểu ảnh và 42 bài báo. Cô đào lừng lẫy còn nhận được khoản thù lao hậu hĩnh, tương đương với hàng nghìn lượng vàng thời bấy giờ.
Sau thành công đó, khi trở về nước, Năm Phỉ cùng đoàn Phước Cương mang vở Xử án Bàng Quý phi đi lưu diễn nhiều nơi. Xử án Bàng Quý phi trở thành một trong những vở có doanh thu và tần suất biểu diễn cao nhất trong lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam.
Trên sân khấu cải lương có nhiều nghệ sĩ thành danh vang dội, riêng cái tên Năm Phỉ thì trở thành huyền thoại. Không biết chữ vì rời nhà khi còn nhỏ, chưa kịp học hành nhưng bà có năng lực đặc biệt, chỉ cần nghe kịch bản vài lần là có thể thuộc. Người trong nghề thời đó tiết lộ rằng, nghệ sĩ Năm Phỉ ngồi bên ngoài tiếp khách, bên trong mọi người đọc kịch bản, thế mà bà có thể lắng tai nghe rồi sau đó đọc lại trơn tru.
Đạt được vinh quang tột đỉnh trên sân khấu cải lương nhưng nghệ sĩ Năm Phỉ lại gặp trắc trở trong chuyện tình cảm. Sau khi người chồng đầu tiên mất, bà nên duyên cùng ông Nguyễn Ngọc Cương nhưng không có con chung. Ông Cương sau đó kết hôn cùng bà Bảy Nam - em ruột bà Năm Phỉ. Trước hoàn cảnh trớ trêu đó, bà bỏ đoàn hát Phước Cương, lập gánh hát của riêng mình. Khi ông Nguyễn Ngọc Cương qua đời, bà và em ruột - Bảy Nam lập rạp hát riêng. Bà tiếp tục bùng cháy và tỏa sáng trên sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Năm Phỉ đột ngột qua đời khi mới 48 tuổi. Sự ra đi của bà khiến các đồng nghiệp chấn động. Nghệ sĩ Phùng Hà khi biết tin này đã ngất xỉu. Tới nay, trong giới nghệ sĩ cải lương vẫn còn kể lại câu chuyện, khi bà Năm Phỉ mất, nhạc sĩ Chín Trích đàn ròng rã mấy ngày liên bên quan tài của bà. Ông vừa đàn vừa khóc. Ngày đưa tang, ông đập vỡ cây đàn. Người nhà nghệ sĩ Năm Phỉ đã chôn cây đàn đó cùng với bà.
Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Năm Phỉ có mối tình sâu sắc với luật sư Huỳnh Văn Chín. Suốt một thời gian dài sau khi nữ nghệ sĩ mất, chiều nào ông Chín cũng ăn mặc chỉnh tề, mang theo bó hương tới mộ của bà.
Nhiều năm trôi qua, cũng có nhiều nghệ sĩ thể hiện tài năng xuất chúng trên sân khấu, nhưng với nhiều người, Năm Phí vẫn là kỳ tài bậc nhất của nghệ thuật cải lương.
Bình luận