Chuyện ly kỳ giữa núi rừng Tây Nguyên
Vài chục năm về trước, vùng đất Ea Súp ở Đăk Lăk còn là những cánh rừng già sâu hun hút. Ngày ấy, dân cư còn thưa thớt, rừng núi trùng điệp, muông thú còn đông hơn người, có cả những loại thú dữ như hổ, báo, chó sói…
Chuyện cọp đi nghênh ngang, thậm chí ra khỏi bìa rừng để tìm thức ăn xảy ra như cơm bữa. Ông Nguyễn Văn Tố, người cao tuổi ở xã Ia Jlơi, huyện Ea Sup (Đắk Lắk) kể, không ít người vào rừng gặp nhím, mang, heo rừng và cả “ông cọp”.
Có lúc cửa đóng then cài nhưng cọp vẫn lần mò tới vì đánh hơi được mùi con nít. “Cọp đánh hơi thấy trẻ con nhưng không vào được, đi xung quanh nhà. Tối về, đứa nhỏ kể lại với cha mẹ ban ngày có con mèo vằn quanh quẩn góc nhà khiến người dân càng lo sợ hơn”, ông Tố rùng mình kể lại.
Nghe tin hổ ăn thịt người xuất hiện trong vùng, nhiều trai làng khỏe mạnh cùng các thợ săn kinh nghiệm đem theo giáo mác, cung tên và cả súng săn để mai phục, quyết giết thú dữ.
Thế nhưng, nhiều lần mai phục vẫn không có kết quả do núi rừng rậm rạp, địa bàn lại quá hiểm trở. Giữa lúc bế tắc thì tin người đàn ông đánh chết hổ dữ cứu cô gái bên suối khiến dân làng vừa mừng vừa lo.
Bởi đánh chết hổ không phải chuyện dễ dàng, lại do chính tay người hạ gục thì lại càng khó tin. Ấy thế mà câu chuyện lại được lan truyền khắp vùng, và được người dân ví như truyền thuyết Võ Tòng đánh hổ cứu người xưa kia.
Câu chuyện nghe có vẻ ly kỳ khiến chúng tôi phải dò hỏi địa chỉ của người đánh hổ và cô gái được cứu sống năm nào để tìm hiểu thực hư.
"Võ Tòng" đả hổ là... lão nông
Mất gần 2 giờ đồng hồ băng qua những quãng đường lầy lội, đi sâu vào rẫy cà phê hun hút, chúng tôi đến ngôi làng nhỏ sát rừng ở xã Ia Jlơi (huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk) để gặp người được mệnh danh “ Võ Tòng” trên cao nguyên.
Ông là Phương Văn Lần, vừa qua tuổi 70. Khác với danh xưng mà mọi người gọi, ông không cao lớn, lực lưỡng như trong câu chuyện đồn đại mà là lão nông người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, luôn nở nụ cười mến khách.
Hiện ông Lần sống tại thị trấn Ea Súp, hằng ngày vẫn vào rẫy cà phê để chăm sóc vườn cây. Nhắc đến chuyện “đả hổ”, ông Lần cười hiền, xua tay: "Chuyện cũ rồi. Tôi giết được hổ là nhờ may mắn thôi!”.
Hồi tưởng lại những ngày 30 năm trước, ông Lần kể, chiều tối 26/3/1987, khi ông vừa đi làm đồng về thì thấy đứa con trai hớt hải chạy về, miệng lắp bắp "hổ… hổ…”. Vừa thở, con trai ông vừa kêu ở suối cách nhà khoảng 300 mét có một con hổ đang vồ người.
Nghe vậy ông liền vác cây cuốc phát cỏ, chạy vội đi. Đến nơi ông thấy con hổ đang tha cô gái về phía bên kia bờ suối.
Ông Lần hét thật lớn đồng thời ném một hòn đá to xuống suối. Hổ thấy người đến giải cứu liền thả cô gái xuống đất, quay lại nhìn chằm chằm ông như muốn thách thức. Biết cô gái vẫn còn sống và đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ông Lần liền vác cuốc xông thẳng tới, phang liên tiếp 3 nhát vào đầu con hổ lớn.
Ông kể: “Nhát đầu tôi đánh thẳng vào mặt nó, nhát thứ hai tôi đánh trượt vì nó lắc đầu, nhát thứ ba tôi xoay người đánh trúng gáy nó và con hổ đổ gục xuống. Để chắc ăn tôi bồi thêm vài nhát cuốc cho con hổ chết hẳn rồi đưa cô gái về nhà cầm máu, sơ cứu và chuyển đi bệnh viện”.
Tin ông Lần giết được hổ cứu người lan truyền khắp nơi, ai cũng ngưỡng mộ và khâm phục người đàn ông nhỏ thó đó. Cuộc sống của ông Lần sau khi giết hổ trở nên xáo trộn khi hàng ngàn người tìm đến nhà để tận thấy “Võ Tòng” bằng xương bằng thịt.
Bà Bùi Thị Hướng (SN 1967, trú xã Ea Rôk, huyện Ea Súp) là cô gái được ông Lần cứu khỏi miệng hổ hồi đó vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại.
“Không có ông Lần giúp đỡ, tôi đã bị con cọp dữ làm thịt rồi. Việc ông ra tay cứu tôi không biết phải nói như thế nào mới hết, chỉ mong ông có nhiều sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống”, bà Hướng kể.
Qua lời kể của dân làng và những người trong cuộc ai cũng bán tin bán nghi, bởi giết được hổ rừng là chuyện ly kỳ và hy hữu. Nhưng ông Phạm Thanh Long – Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi xác nhận việc ông Lần đánh hổ cứu người là có thật 100%. Dù chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm nhưng người đánh hổ, cả nạn nhân được cứu và tiêu bản của con hổ năm nào cũng vẫn được lưu giữ. Đó là hành động dũng cảm luôn được thế hệ sau ghi nhận và truyền lại đầy tự hào.
Bình luận