Một ngày sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc được báo chí hai nước công bố, truyền thông và chuyên gia nước này đã nhận định, chuyến thăm cho thấy tính đặc biệt và tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung.
Trong bài viết đăng ngày 26/10, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm nước này sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Bài báo dẫn đánh giá của bà Phan Kim Nga, nghiên cứu viên Viện Chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm cho thấy “tính đặc biệt và tầm quan trọng” của quan hệ Việt - Trung. Bà cho biết, chuyến thăm “đã vượt ra ngoài mối quan hệ song phương theo nghĩa thông thường, mà mang ý nghĩa chiến lược quan trọng”.
Bà cho rằng, mối quan hệ giữa hai đảng “đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt quan hệ hai nước”. Hiện nay, cả hai bên đều đã bước sang giai đoạn phát triển mới và có nhiều vấn đề mới trong quản trị nhà nước cần tiếp tục tìm tòi, “cuộc gặp giữa lãnh đạo hai Đảng sẽ tạo động lực to lớn cho sự hợp tác giữa các cơ quan ban ngành chính phủ và địa phương hai nước”.
Bài viết cũng dẫn nội dung bức điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư Tập Cận Bình sau khi ông tái đắc cử lãnh đạo cao nhất của Đảng theo nguồn của VOV.
Bức điện có đoạn: “Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước”.
Bài viết nhấn mạnh, trong hai năm qua, quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển. Từ năm 2020-2022, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành 4 cuộc điện đàm. Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo hai bên đã gửi điện mừng dưới nhiều hình thức. Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã duy trì tiếp xúc và liên lạc chặt chẽ qua nhiều hình thức, như điện thoại, video và thư tín.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 230 tỷ USD, tăng 19,7%.
Kể từ năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN nhiều năm liên tiếp, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam 18 năm liên tục. Năm 2019 và 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2021 trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3. Tính đến cuối năm 2021, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 21,3 tỷ USD vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Cát Hồng Lượng, Phó Viện trưởng Học viện ASEAN thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây, cũng có bài phân tích đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, cách đây 5 năm, sau khi Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình, với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, đã chọn Việt Nam cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình.
Đây là sự thể hiện truyền thống tăng cường giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước sau Đại hội Đảng, cũng là sự khắc họa “mối quan hệ Trung-Việt vượt lên trên quan hệ song phương theo nghĩa thông thường và có ý nghĩa chiến lược quan trọng”.
Hướng với tương lai, cả hai nước đều đã thiết lập kế hoạch tổng thể đến giữa thế kỷ. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy “Tầm nhìn 2045”, trong khi Trung Quốc cũng đang hướng tới hành trình mới của mục tiêu 100 năm thứ hai.
Ông cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc ngay sau khi Đại hội XX kết thúc “sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc và Việt Nam trong việc lấy quan hệ hai Đảng dẫn dắt sự phát triển của quan hệ song phương”.
Bình luận