Chủ tịch Hồ Chí Minh được chào đón trọng thị thế nào trong chuyến thăm Indonesia năm 1959?

Thế giớiThứ Tư, 13/11/2019 06:52:00 +07:00

Nhân chuyến thăm của Bác Hồ đến Indonesia năm 1959, truyền thông nước này ca ngợi Bác là vị lãnh đạo có trái tim vĩ đại, người gieo bông hoa tình bạn hai nước.

Cuốn sách "President Ho Chi Minh's Visit to Indonesia" (Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia), của nhà xuất bản Ngoại văn, ra đời năm 1959 là tư liệu quý tập hợp hàng chục hình ảnh và các bài phát biểu trong chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia hồi tháng 2/1959 (27/2/1959-8/3/1959).

Đây là chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Sukarno sau đó đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị thân thiết Việt Nam – Indonesia phát triển lâu bền.

Cuốn sách bao gồm hai phần: Phần 1 là 28 bài phát biểu, phúc đáp, lời chào, tuyên bố chung trong chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia 60 năm trước. Phần 2 là những bình luận, ý kiến của báo chí viết về Bác Hồ và chuyến đi. Đi cùng các phần tư liệu văn bản là hình ảnh các hoạt động của Bác tại nước bạn.

bia sach 11

Bìa cuốn sách.

"Người dân Indonesia anh em"

“Chúng tôi rất vui mừng hôm nay lên đường thăm Indonedia theo lời mời của Tổng thống Sukarno. Chúng tôi sẽ thay mặt cho người dân, gửi đến người dân Indonesia anh em, tình bạn ấm áp. Chúng tôi tin rằng khi trở về nhà, chúng tôi sẽ được mang về một món quà giá trị: Tình bạn của người dân Indonesia dành cho chúng tôi” – mở đầu sách trích phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi rời Hà Nội đến Indonesia ngày 26/2/1959.

Các bài phát biểu đều thể hiện sự trân trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno đối với người dân và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hai vị lãnh đạo gọi nhau bằng "anh em", "đồng chí" thân tình. 

bacho-indonesia-0 10

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno. (Ảnh tư liệu từ sách)

Trong bài phát biểu chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Kemajoran, Tổng thống Sukarno nói: “Ngài với người Indonesia không còn xa lạ gì. Dân Indonesia từ Sabang đến Merauke, 85 triệu người, đều biết rất rõ Ngài là một chiến binh vì tự do, chiến binh chống lại chủ nghĩa thuộc địa và đế quốc, một người làm việc miệt mài cho công lý xã hội. Người Indonesia ngưỡng mộ Ngài rất nhiều. Và chúng tôi thực sự vui mừng tiếp đón Ngài ở đây ngày hôm nay. Thời gian Ngài ở đây sẽ chỉ có 10 ngày và đó thực sự quá ngắn.”

“Chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh! Chào mừng Người anh em Hồ Chí Minh! Chào mừng Đồng chí Hồ Chí Minh!”

Trong các bài phát biểu tại Indonesia, Bác Hồ thường xuyên dùng từ “gửi những người anh chị em”. Bác cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình và ấn tượng của đất nước Indonesia, người dân Indonesia anh em. “Đến Indonesia, chúng tôi không coi mình là khách đến thăm, mà là những người anh em đang đến nhà anh chị em của họ.”

Các bài phát biểu chia sẻ những điểm chung của hai nước trong quá trình đấu tranh và giành độc lập dân tộc, khẳng định tình hữu nghị Việt Nam - Indonesia và cầu chúc cho hòa bình, đoàn kết của nhân dân hai nước cũng như khu vực.

"Paman Hồ là vị lãnh đạo có trái tim vĩ đại"

Cuốn sách tư liệu cũng lưu lại các bài viết của báo chí Indonesia về chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, tin tức Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Indonesia được công chúng Indonesia đón nhận nhiệt tình, với những bài thơ và bài hát họ viết ca ngợi Bác.

Tờ Suluh Indonesia ngày 7/3/1959  viết: “Dân Indonesia gọi Paman Hồ (Bác Hồ theo tiếng Indonesia) và người Việt Nam là những người đồng chí trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc. Paman Hồ còn là sứ giả hòa bình” – trích theo sách tư liệu Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia, NXB Ngoại văn năm 1959.

hochiminh-indonesia

 Báo chí Indonesia viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Trước chuyến thăm của Bác, người Indonesia có những sự chuẩn bị rất tích cực. Họ viết những bài thơ và bài hát ca ngợi nhà lãnh đạo Việt Nam, các báo Indonesia xuất bản những bức ảnh cũng như tiểu sử của Bác, viết bài giới thiệu Việt Nam. Chuyến thăm của Bác nhận được sự chào đón ấp áp và nhiệt tình nhất.

Trong suốt chuyến thăm Indonesia, Bác nhận được hàng nghìn lá thư và bức điện, tiếp nhiều đoàn đến thăm hỏi, gửi đến Bác những lời chúc tốt đẹp nhất. Người Indonesia gọi "Paman Hồ" một cách tình cảm giống như họ gọi Tổng thống Sukarno là Bung (Anh) Karno.

Ngày 27/2/1959, vài giờ trước chuyến thăm của Bác, tờ Times of Indonesia viết: “Indonesia sẽ đón nhận sự giản dị và cuốn hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tự nhiên, tôn trọng ông như một trong số những lãnh đạo vĩ đại nhất châu Á, và không tiếc sự mến mộ dành cho ông, vì ‘Bác Hồ’ là một từ mang sắc thái như chung một nhà ở đất nước này.”

Tờ báo tiếng Trung Chwe Hsing (Thức tỉnh) của Indonesia cũng viết: “Người dân chúng tôi chào đón nồng nhiệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vĩ đại của người dân Việt Nam, vị Sứ giả mang đến cho chúng tôi tình cảm của những người anh em và mong muốn hợp tác với người dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là sứ giả của tình hữu nghị, mang đến cho chúng tôi và gieo trên đất chúng tôi những bông hoa tình bạn. Ở ông chúng tôi có thể nhìn thấy ngọn lửa cách mạng. Ông giúp làm bùng lên ngọn lửa cách mạng âm ỉ trong tim người dân chúng tôi.”

hochiminh-indonesia1

 

Tờ Republik viết ngày 28/2/1959: “Dân Indonesia, trải qua cuộc chiến vũ trang để bảo vệ độc lập của quốc gia, hoàn toàn trân trọng giá trị của một nhà lãnh đạo trong cuộc đấu tranh cho độc lập tiến hành bằng đấu tranh du kích. Trong một thời gian dài họ đã ngưỡng mộ Bác Hồ như một nhà lãnh đạo đấu tranh cho tự do của đất nước và sự toàn vẹn của Tổ quốc."

Tờ Sin Po viết ngày 28/2/1959: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm với tất cả sự giản dị và khiêm tốn khiến chúng tôi quý trọng ngay từ đầu. Sẽ không phải là phóng đại nếu nói đây là lần đầu tiên người dân Indonesia chào đón một lãnh đạo quốc gia hết mực giản dị như vậy."

Bài ý kiến trên tạp chí Zaman Baru số tháng 2/1959 viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến với sự giản dị, không chỉ trong hoạt động hàng ngày, mà còn trong cách viết. Hơn nữa, ông là một trong số không nhiều người biết cách trình bày những vấn đề phức tạp bằng những từ ngữ rất rõ ràng và đơn giản."

Tờ Suluh Indonesia ngày 10/3/1959 viết: "Cử chỉ và cách ông giao thiệp thoải mái với người dân cho thấy sự chân thành sâu sắc trong trái tim ông. Paman Hồ Chí Minh là vị lãnh đạo có trái tim vĩ đại."

Cùng ngày tờ Perentis ca ngợi: "Sự giản dị của Paman Hồ và những cử chỉ không kiểu cách của ông khiến người dân Indonesia vô cùng yêu mến. Paman Hồ là người của thời đại, người của quần chúng.”

Tờ Chwe Hsing viết lời tạm biệt sau khi Bác Hồ kết thúc chuyến thăm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở với chúng ta chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi. Dù vậy, những lời nói và cử chỉ của ông là tấm gương sáng cho người dân và các nhà cách mạng của chúng ta, để lại trong mỗi chúng ta ấn tượng đẹp sẽ không bao giờ phai nhạt.”

bacho-indonesia-21 7

(Ảnh tư liệu)

bacho-indonesia-19 7

(Ảnh tư liệu)

hochiminh-indonesia2 4

 Dân Medan, Indonesia cho Paman Hồ xem một con bò. (Ảnh tư liệu)

hochiminh-indonesia4 9

 Bác Hồ bắt tay các nghệ sĩ biểu diễn tại Medan, Indonesia. (Ảnh tư liệu)

bacho-indonesia-26 5

 Bác Hồ và các hướng đạo sinh. (Ảnh tư liệu)

hochiminh-indonesia3 6

 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn