(VTC News) - Mấy đoàn từ Điện Biên xuống, Hà Nội, Thái Bình sang, Quảng Ninh về… chùa Hồi Long tụ tập để đòi nợ.
Kỳ 4: Hàng loạt lá đơn tố cáo liên tiếp đổ về
Hồi mới chuyển về chùa Hồi Long, Đỗ Văn Cường (chùa Hồi Long, Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương) còn lừa kiểu vụn vặt, cỡ vài triệu bạc một “thương vụ”. Nhiều người khi biết mình trở thành nạn nhân, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi số tiền cũng không đáng kể, mà lộ chuyện ra thì con cháu, họ hàng, làng xóm lại chê cười.
Được sự bảo hộ của một số Phật tử cuồng tín, cộng với những “bí quyết” học hỏi được từ những ngày thụ giáo “đại bịp” Lê Quốc Hổ, cùng khả năng chém gió đã lên bậc “thánh”, cấp độ lừa đảo của sư giả Đỗ Văn Cường ngày càng tăng mạnh với số tiền lên đền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đòi không nổi, cực chẳng đã, nạn nhân viết đơn tố cáo lên chính quyền địa phương.
Một Phật tử (giấu tên) quá ngao ngán: “Gọi ông ta là sư lưu manh thì đúng hơn. Tôi cũng không hiểu Cường mị dân kiểu gì mà cho đến giờ vẫn còn một số kẻ cuồng tín bảo vệ cho gã. Chứ tôi thì chả lạ gì khi thỉnh thoảng vẫn chứng kiến cảnh chủ nợ chửi bới inh ỏi trong chùa. Có người còn ôm mặt khóc tức tưởi rồi cuối cùng cũng đành bất lực ra về. Thử hỏi cửa chùa là nơi tôn nghiêm mà như vậy thì còn ra thể thống gì nữa…”.
Rất nhiều đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Đỗ Văn Cường do công an Minh Tân cung cấp |
Một thanh niên tên N. ở Ninh Bình, cũng từng có bạn thân tên Hưng (Hà Nội) là nạn nhân của sư giả lừa đảo này, bức xúc kể lại rằng, anh ta từng có thời gian ăn chực nằm chờ ở chùa Hồi Long, điều tra rất kỹ càng về thân thế Đỗ Văn Cường, tìm về tận nhà của Cường ở Thường Tín đòi nợ, nhưng tất cả chỉ là con số 0. Suốt gần 10 năm nay, anh ta cùng với bạn thỉnh thoảng vẫn tìm về Minh Tân, chỉ mong một lần bắt gặp sư giả để gô cổ gã lôi ra cho công an xử lý.
Hồi những năm 2005, 2006, Đỗ Văn Cường có giai đoạn bỗng dưng vung tiền chơi bời và quan hệ mật thiết với giới văn nghệ sĩ, suốt ngày nhậu nhẹt. Một thời gian ngắn sau, không hiểu bằng cách nào mà sư giả ung dung vào học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, để rồi khi ra trường, gã “tiện thể” xù luôn số tiền thuê trọ kha khá của một giáo viên trong trường.
Sư giả Đỗ Văn Cường trong một cuộc nhậu |
Thẻ sinh viên của Đỗ Văn Cường |
Trong thời gian đó, vì thấy Đỗ Văn Cường chơi với nhiều giáo viên trong trường, cũng như là với giới văn nghệ sĩ, nên anh Hưng tin tưởng cho sư mượn “nóng” gần chục triệu bạc, và sư mất tích. Hôm N. và Hưng tìm về xã Liên Phương, Thường Tín để xác minh lai lịch, cả 2 mới ngớ người ra khi biết tin Cường mới chỉ học hết lớp 8.
“Tay này có lẽ lừa khắp cả nước luôn chứ không phải chỉ loanh quanh khu Minh Tân đâu nhà báo ơi! Hôm tôi cùng bạn tìm về chùa Hồi Long, rình mấy ngày mà không gặp được hắn, nhưng gặp cả mấy đoàn trên Điện Biên xuống, Hà Nội, Thái Bình cũng sang, rồi cả Quảng Ninh nữa… tất cả đều tìm sư giả đòi nợ. Suốt 4 ngày mà chủ nợ tụ tập đông như hội, rồi cũng phải về hết.
Tôi cứ tưởng Đỗ Văn Cường bị bắt lâu rồi chứ, tên này lừa đảo thuộc loại bậc thầy, thế mà đến giờ báo chí mới lên tiếng vạch mặt”, anh N. bức xúc.
Sư giả Đỗ Văn Cường nổi danh với khả năng "chém gió" bậc thầy |
Một Phật tử khác mỉa mai, Đỗ Văn Cường hình như có “khả năng đặc biệt”, khi mà những người có tiền, hay có chức vụ, Cường chỉ cần gặp một lần, nhìn qua là biết rõ. Bởi vậy, y thường xuyên sán lại nói chuyện, lừa không được thì ít nhất cũng phải chụp chung được một cái ảnh, rồi lại mang đi lòe bịp những nạn nhân khác.
Cũng bởi vì thế mà ông Đào Văn Q. (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mới cả tin và giao hẳn 200 triệu cho Đỗ Văn Cường. Chuyện là, con trai ông Q. thi vào Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng thiếu điểm. Thông qua người quen, Cường tự nhận mình là giảng viên của các trường chính trị trong nước và có mối quan hệ với nhiều nhân vật có quyền lực có thể lo được điểm thi và sau khi ra trường thì sẽ có việc làm ngon nghẻ.
Trước một số “bằng chứng” Cường đưa ra, ông Q. tin sái cổ và vay mượn cả bìa đỏ của anh em họ hàng cầm cố ngân hàng lấy tiền chạy việc . Nhưng cả gia đình mòn mỏi chờ đợi mãi mà không thấy kết quả, hỏi thì sư giả trả lời vòng quanh.
Đến lúc phát hiện sư giả không có khả năng nào khác ngoài “chém gió”, rất nhiều lần ông Q. kéo mọi người tìm kiếm mòn mỏi, Cường mới chịu trả lại 150 triệu đồng. Đến ngày 31/12, trước áp lực dọa kiện cáo, Đỗ Văn Cường trả thêm được 25 triệu nữa và hẹn đến ngày 20/12 (âm lịch) sẽ trả hết. Tuy nhiên, đến giờ không ai biết sư giả hiện đang lẩn khuất ở đâu.
Những Phật tử đã từng nhiều lần giúp đỡ, Cường cũng chẳng tha. Trong lá đơn gửi Công an thị trấn Minh Tân, bà T thuộc khu Bích Nhôi 1, Minh Tân, bức xúc kể lại, tuổi già, bà chỉ ra chùa cho vui, tìm lấy sự thanh thản nơi cửa phật, nhưng không ngờ lại đeo công lĩnh nợ.
Bà T là người trong ban hội tự chùa. Hàng ngày, sư giả luôn bắt bà đi chợ mua đồ lễ, nhưng chẳng bao giờ đưa bất cứ một đồng nào. Cách đây không lâu, biết được một gia đình trong thị trấn mới có được khoản tiền 100 triệu đồng, không biết Đỗ Văn Cường phỉnh nịnh kiểu gì mà xúi bẩy được bà T chạy ra vay lãi ngày với số tiền lên tới 40 triệu. Cường tiện thể “mượn” luôn đôi vòng tai chỉ rưỡi vàng của bà.
Đơn tố cáo của bà T ở khu Bích Nhôi 1, Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương |
Đưa tiền xong, một người hàng xóm biết tin mới kêu trời và bảo với bà T rằng, Cường vốn chơi khá thân với một người trong gia đình ấy, sao Cường không hỏi mượn trực tiếp mà lại bảo bà T đi vay? Bà T mới ngớ người nhận ra khả năng lớn mình sẽ trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo. Liên tiếp những ngày sau đó, bà cùng con trai đến đòi ráo riết, sử dụng cả những biện pháp mạnh thì Đỗ Văn Cường mới chỉ trả được một nửa số tiền. Còn lại 24 triệu cùng đôi vòng tai của bà, sư giả chửi bới và bỏ trốn.
Sau quá trình điều tra, chúng tôi đã thu thập được vô số bằng chứng cùng hàng loạt lá đơn tố về hành vi lừa đảo trắng trợn của sư giả Đỗ Văn Cường. Trước những sự việc đã rõ như ban ngày, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao các cơ quan chức năng chưa tiến hành khởi tố vụ án?
Mới đây nhất, ngày 10/1/2016, chúng tôi nhận được tin Đỗ Văn Cường mới trở về chùa Hồi Long, và lại tiếp tục… cuỗm hết tiền trong hòm công đức mà Phật tử lễ chùa đầu tháng, rồi lại tiếp tục biến mất.
Điều chúng tôi lo ngại, cũng chính là ý kiến trăn trở của một Phật tử ở khu Bích Nhôi 1, khi được hỏi đến: "Ông Cường giờ vẫn ngày đêm tiếp tục đi lừa đảo để kiếm tiền chi trả cho những người đang gửi đơn kiện lên thị trấn. Nếu như không may mà họ bắt được, họ bức xúc đánh chết chẳng tha…”.
Còn tiếp…
Hải Minh – Minh Khang
Bình luận