• Zalo

Chuyện ở xứ sở của thần hổ

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/07/2013 07:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Văn Quản và Huyền Cơ sớm trở thành oan hồn khi bị một con hổ to chồm tới, biến họ thành hai cái xác giãy dụa máu me đầm đìa dưới gốc cổ thụ.

(VTC News) - Văn Quản và Huyền Cơ sớm trở thành oan hồn khi bị một con hổ to chồm tới, biến họ thành hai cái xác giãy dụa máu me đầm đìa dưới gốc cổ thụ.


Kỳ 3: Chuyện ở xứ sở của thần hổ


Khi tôi hỏi chuyện về hạt Đồng Giao, chốn hoang vu lam chướng nặng nề thuở trước, nhà văn Mai Ngọc Thanh (ngoài 80 tuổi, người cùng làng và từng gặp ông TchyA - Đái Đức Tuấn khi ông Tuấn “từ quan về làng tu tiên”) gật gù nói khẽ:

“Tôi không rõ ngày xưa như thế nào, nhưng tầm giữa thế kỷ trước, khu vực Bỉm Sơn – Đồng Giao thưa người ở lắm. Thời đó, qua đoạn đường này cực kỳ heo hút, lại lắm chuyện ma quỷ, dã thú, cướp giật nên ban đêm không ai dám đi một mình, kể cả ngồi trên xe ô tô.

Bố tôi lúc sinh thời là một công nhân lái tàu hỏa. Ông bảo, người nào phải lái tàu qua cung đường này thì gần như đều do bị kỷ luật hoặc bị trù dập. Lái tàu qua vùng khí hậu thay đổi, chướng khí nặng nề, đường đi gian khó, thần kinh căng thẳng tột độ nên nhiều người chết trẻ lắm”.
Nhà văn Mai Ngọc Thanh đang kể về cảnh hoang vu, khắc nghiệt của núi rừng Đồng Giao - Tam Điệp ngày trước 
Trong câu chuyện “Ai hát giữa rừng khuya” của Đái Đức Tuấn, có ba anh em ruột trong phường hát ả đào ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) vì miếng cơm manh áo phải quyết liều mình đi qua chốn rùng rợn ấy. Họ là những nghệ sỹ tài hoa mà nghèo rớt mồng tơi. Ấy là 3 anh em Văn Quản, Huyền Cơ và Oanh Cơ.

Về tài sắc và phẩm hạnh của hai cô em, đặc biệt là nàng Oanh Cơ, nhân vật chính của tấn bi kịch, tác giả phải dùng hơn 2.000 chữ, lại đem các mỹ nhân kim cổ như Tây Thi, Trịnh Đán, Thúy Kiều, Thúy Vân ra để so sánh, ngợi ca. 

Tài sắc Oanh Cơ về sau khiến cho cả một gia đình danh vọng bị chết thảm trong oan uổng, tức tưởi. Kẻ gian tàn sát gia đình cô vì muốn độc chiếm cô. Có lẽ tác giả muốn chuyển thêm một thông điệp rằng, thần hổ hay ma trành dù tàn độc tới đâu, cũng chưa chắc đã hơn lòng người hiểm ác.
Nghe hát ả đào, thú vui của các quan viên ngày xưa  (Ảnh internet)
Nghe tin quan phủ Nho Quan (Ninh Bình) mở đại tiệc, cần các phường hát góp vui, Văn Quản âm thầm chuẩn bị lộ phí để cùng các em ra tham dự. Mãi mới xoay đủ vốn thì Huyền Cơ bất ngờ đổ bệnh, phải chờ cả tuần lễ nên họ lỡ độ đường, không kịp theo những đoàn người đông đúc vượt đèo Ba Dội.

Trên đường thiên lý, gặp nhiều người đồng hành về hướng Bắc, nhưng đến gần đoạn đèo khủng khiếp này thì chỉ trơ trọi lại 3 anh em. Những mong đến chỗ thân quen cũ trổ tài mà kiếm chút đỉnh tiền thưởng, họ đâm liều lĩnh. 

Số phận run rủi, họ lạc đường ở đèo Ba Dội (ngay đến chúng tôi thời nay vẫn lạc đường vì lối đi quá nhỏ và giống nhau). Vòng đi vòng lại cả ngày trời, lúc đêm đến thì họ bơ vơ nơi rừng thẳm, có lẽ cách không xa dưới chân ngọn đèo.

Sự xuất hiện của họ giữa khu rừng khuya đầy rẫy ma quái cọp beo hổ báo và đám giang hồ bất hảo vào một đêm cách đây chừng 100 năm trước, được nhà văn lý giải: 

“Khó nhọc đến đâu thì khó nhọc, nguy hiểm đến đâu thì nguy hiểm, lúc có việc quan trọng cần kíp, lúc phải quay cuồng xoay sở để mưu y mưu thực, nào ai còn suy nghĩ nữa, còn dùng dằng lo sợ nữa, còn ngại mình chẳng dám văng mình xông pha cửa ải ngọn đèo?”. 
Chúa sơn lâm luôn có những cú vồ chết chóc (ảnh minh họa) 
Văn Quản và Huyền Cơ sớm trở thành oan hồn khi bị một con hổ to chồm tới, biến họ thành hai cái xác giãy dụa máu me đầm đìa dưới gốc cổ thụ. Sự việc xảy ra ngay trước mắt cô em út liễu yếu đào tơ vừa may mắn nàng được chàng thợ săn ra tay cứu thoát trong gang tấc. 

Oan hồn của họ trở thành ma trành, hàng ngày đem tiếng đàn hát mua vui cho con hổ thần trùng đã thành tinh thành quái của vùng núi Tam Điệp này. Ma trành là nô lệ, chịu sự quản lý bạo tàn khắc nghiệt của chính con hổ đã ăn thịt họ. 

Đau đớn hơn, cặp ma trành này có nhiệm vụ phải tìm mọi cách nhập hồn, dụ dỗ cô em út cho Hổ thần trùng ăn thịt nốt. Nếu không có chàng trai Lê Trọng Việt tiếp tục đi theo bảo hộ, thì Oanh Cơ cũng bị ma trành dụ dỗ, tự mình biến thành miếng mồi nộp cho hổ từ lâu.

Tất nhiên, do cung số đã định, nên chỉ mấy năm sau, Oanh Cơ chết thảm nơi đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) do chính thần hổ đã giết anh chị cô cắn cổ. Thỉnh thoảng có người thấy 3 anh em ma trành này đàn hát cho thần hổ nghe, lúc ở Ô Quy Hồ, khi thì đèo Ba Dội, giữa rừng khuya thanh vắng…

Hay như trong chuyện “Thần hổ”, có kể đến một anh lính dõng của huyện Thạch Thành, nghe tin mẹ già ở quê nhà bị ốm nặng sắp mất, vội vã trở về Ninh Bình cho trọn đạo hiếu. Thời đó từ Thạch Thành về quê anh mất nửa tháng đi ngựa hoặc một tháng đi bộ, và cũng phải vượt qua đèo Ba Dội.

Đêm, đi đến đèo Tam Điệp rồi mà vẫn không tìm được quán trọ, anh lính gan dạ trèo tót lên một cây cổ thụ, kéo bạt mắc võng làm một giấc tới gần sáng. Cảnh tượng lúc anh vừa mở mắt ra thật không thể tin nổi: Một con hổ trắng to lớn đang ngồi chễm chệ ngay dưới gốc cây, cất tiếng gầm vang dội.
Một trang sách của nhà văn TchyA, miêu tả cảnh thần hổ báo thù tàn bạo 
“Một chốc, anh bỗng ghê rợn vô cùng, vì thấy ở mé xa đi lại một đàn hổ, đủ các màu, đủ các tuổi. Con thì đen, con thì xám, con thì vàng. Lại có con trẻ, con già, con lớn, con bé. Chúng nó kéo nhau lũ lượt cùng đi cả lại gốc cây.

Đến nơi, hình như chúng cung kính sợ hãi, quỳ rạp cả xuống lạy chào con hổ trắng, rồi chia ngôi thứ tự cùng ngồi. Hai bên gốc cây ngồi một hàng hổ đen, 4 con. 4 con ấy quây quần bên con hổ trắng như 4 ông tứ trụ.

Rồi, sắp hai hàng chỉnh tề, đến hơn hai chục con hổ xám ngồi hàng đầu, đối diện con hổ trắng, cách gốc cây chừng 5-6 bước dài. Sau lưng đàn hổ xám, cứ theo thứ tự già trẻ, lớn bé, một đàn hổ đến mấy trăm con – có lẽ là tất cả hổ trong rừng – ngồi chầu về mé Chúa đoàn…” (Thần hổ).

Trong các câu chuyện của Đái Đức Tuấn, nơi nào có nhiều hùm hổ thì oan hồn của các nạn nhân của chúng cũng tụ tập quanh đó, để hầu hạ, phục dịch chúng. Đó là những con ma trành còn chưa dẫn giúp cho hổ ăn thịt được con người nó muốn ăn, nên chưa được thần hổ giải thoát.

Hai chàng thợ săn vì muốn khước từ tình đôi lứa với hai nữ ma trành, mà bị chúng báo oán khiến nhà tan cửa nát, bản thân bị chết chém oan nghiệt. Họ trở thành những con ma không đầu nơi vách đồi hoang, thỉnh thoảng lại hiện hồn về cùng nhau diễu võ trong niềm bi phẫn cùng cực…

Còn nữa...

Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn