Tính theo euro thì chắc chắn rồi, bởi cột mốc 800 triệu bảng (tương đương 938 triệu euro) đã bị chinh phục. Và đấy chỉ mới là số tiền chuyển nhượng trong một giải đấu!
Tiền tỷ mà giới bóng đá chi ra trên thị trường chuyển nhượng rút cuộc chảy về đâu? Trừ “tiền cò” cho giới đại diện và tiền nộp thuế, phần lớn dĩ nhiên vẫn thuộc về thế giới bóng đá. Tiền của đội mua chảy vào tài khoản đội bán. Nói cách khác, các CLB bóng đá nhà nghề chi tiền khủng khiếp bao nhiêu thì họ cũng kiếm tiền khủng khiếp bấy nhiêu. Vậy nên, cái từ khóa “điên rồ” mà giới bóng đá liên tục đề cập trong những ngày này xem ra chông chênh, trong một khía cạnh nào đó.
HLV Ronald Koeman của Everton chỉ là một trong rất nhiều nhân vật đã dùng từ “điên rồ” để bình luận “cửa sổ” mùa Hè 2016. Chất “điên” nhằm vào người mua hay kẻ bán? Bạn có muốn mang tiếng “điên rồ” khi... kiếm được quá nhiều tiền, qua việc bán một sản phẩm nào đấy mà số đông cho là bình thường? Muốn cũng chả được!
Ý Koeman muốn nói: bây giờ, rất khó kiếm được cầu thủ vừa thích hợp với nhu cầu chuyên môn của đội bóng, lại vừa đúng giá. Vậy, đâu là giá chuyển nhượng “đúng” cho Paul Pogba hoặc Gonzalo Higuain? Chẳng bao giờ có câu trả lời. Hãy hỏi chính Koeman: tài năng của ông đáng giá bao nhiêu?
Kể cả khi người ta có thể nhìn vào đẳng cấp chuyên môn và quy kết một giá trị tạm gọi là hợp lý cho một ngôi sao nào đó, đấy vẫn không bao giờ là giá chuyển nhượng hợp lý. Tài năng ngang nhau, đặc điểm chuyên môn giống nhau, nhưng một cầu thủ vẫn còn thời hạn hợp đồng 3 năm với đội chủ quản (tạm gọi là cầu thủ A) đương nhiên không giống cầu thủ chỉ còn thời hạn hợp đồng 1 năm (tạm gọi là cầu thủ B).
Đội bóng của cầu thủ B đương nhiên phải chấp nhận giá bán rẻ hơn, bởi chỉ sau 1 năm thì anh ta tự do ra đi. Ngược lại, nếu bạn “chấm” cầu thủ A thì phải trả giá rất cao. Đội chủ quản mà không bán, bạn đành bó tay, trừ phi kiên nhẫn ngồi chờ 3 năm đến khi anh ta kết thúc hợp đồng. Cầu thủ ấy được đảm bảo không chấn thương trong suốt 3 năm?
Đấy là ví dụ tuy nhỏ nhưng rất nghiêm túc khi bàn về thị trường chuyển nhượng. Một ví dụ khác: cầu thủ chuyển nhượng tự do, như Zlatan Ibrahimovic, luôn đòi hỏi mức lương rất cao, bởi M.U đã không tốn phí chuyển nhượng để có anh.
Giả sử các cầu thủ tương đồng về đẳng cấp nhưng lĩnh lương thấp hơn tị nạnh với Ibrahimovic?
Ai lĩnh lương nhiều phải chạy nhiều hơn? Đấy cũng là một vấn đề thú vị, buộc các đội bóng đôi khi thà trả tiền chuyển nhượng còn hơn chào đón cầu thủ tự do. Còn có bao nhiêu chi tiết thú vị khác trong cái lĩnh vực rất đặc biệt này. Vậy nên, “điên rồ” chỉ là một cách nói - dù là cách nói phổ biến.
Bóng đá đỉnh cao ở châu Âu đang phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết, một phần nhờ cái thị trường chuyển nhượng bị cho là điên rồ ấy.
Có một triết lý đáng suy ngẫm: Tại sao tôi phải lao động, phải cố gắng, phải hy sinh để có sản phẩm; trong khi tôi có thừa tiền để mua sản phẩm ấy? Công sức và khả năng sáng tạo sẽ được dùng cho việc khác, có lợi hơn. Chi tiền để mua ngôi sao (thay vì tự đào tạo) chưa chắc đã là lười biếng, hoặc điên rồ.
Bình luận