• Zalo

Chuyện những người lính anh dũng hy sinh sau bắn hạ B52

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 10/12/2012 06:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Suốt ngày đêm trên cao chót vót, không được bảo vệ, Danh vẫn hiên ngang bình tĩnh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

(VTC News) - Suốt ngày đêm trên cao chót vót, không được bảo vệ, Danh vẫn hiên ngang bình tĩnh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Bài cuối: Hy sinh thầm lặng sau chiến công bắn hạ B-52

Suốt ngày 19/12, máy bay chiến thuật của địch lại vào đánh phá Hà Nội. Biết rõ mục đích của chúng nhằm khiêu khích để tìm diệt các trận địa tên lửa, cấp trên có chỉ thị: “Tên lửa phải dành để ưu tiên đánh B-52, chỉ có cao xạ đánh bảo vệ từng mục tiêu”.

Đêm 19 rạng ngày 20/12, B-52 của địch thay đổi hướng, tập trung vào các mục tiêu ở phía Nam – Tây Nam Hà Nội như ga Giáp Bát, ga Văn Điển, rồi lại vòng sang đánh vào Gia Lâm. Hai tiểu đoàn án ngữ hướng đó bị thiệt hại từ hôm trước chưa kịp khôi phục. Các đơn vị khác thì ở xa, không xác định được mục tiêu trên ra-đa, phải bắn bằng phương pháp 3 điểm, không có kết quả.

Đại tá Đinh Thế Văn trầm ngâm nhớ lại: “Đêm 19, kết quả bắn không tốt. Chắc cả Hà Nội đều lo lắng khi không thấy B-52 rơi tại chỗ. Tiểu đoàn chúng tôi không ai bảo ai, đều nung nấu một ý chí quyết tìm diệt bằng được B-52.

Cấp trên nhận định: “Đêm nay địch sẽ đánh mạnh ở các mục tiêu trọng điểm”. Tôi suy nghĩ mung lung, rồi quả quyết, đêm nay chúng lại đánh các mục tiêu phía Bắc Hà Nội, nơi tập trung nhiều mục tiêu chủ chốt.

Bắt đầu từ 19h00, các máy bay F111 và máy bay chiến thuật bay vào chế áp các mục tiêu, chúng ném bom nhiều nơi, phóng nhiễu giả B-52 để tạo không khí căng thẳng, làm phân tán sự tập trung của bộ đội ta và uy hiếp nhân dân thủ đô.

Từ 20h00 nhiễu bắt đầu tăng cường, nhiễu giải của B-52 xuất hiện. Trung đoàn hạ lệnh cho phép tiểu đoàn 77 tiêu diệt. Hai quả tên lửa được phóng lên. Có tiếng reo vang động, át cả tiếng báo cáo của các trắc thủ: “Mục tiêu cháy rồi!”, “Cháy rồi, các đồng chí ơi!”.

Chiếc B52 do Tiểu đoàn 77 bắn hạ tại chỗ đang bốc cháy rạng sáng 21/12. Ảnh tư liệu. 
Các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã quay được toàn bộ từ lúc tên lửa phóng đến lúc B-52 bốc cháy. Cả tiểu đoàn đều hân hoan mừng chiến thắng.

Với riêng tôi, tuy mừng lắm, nhưng là người chỉ huy, còn phải lo cho những bước tiếp theo, nên chưa thể vừa ý.

Đến 20h34, lại phát hiện mục tiêu, tôi báo cáo trung đoàn, rồi phóng 2 tên lửa. Lập tức trắc thủ TZK báo cáo mục tiêu bốc cháy. Bên ngoài, đoàn phóng viên lại tiếp tục hò reo vang dội. Chiếc B-52 đó rơi ở cánh đồng lúa Vạn Phúc (Ba Vì).

Đợt đánh tiếp theo lúc 5h09, tiểu đoàn lại phóng 2 tên lửa. Thêm một chiếc B-52 bị tiêu diệt, rơi xuống Phúc Yên. Toàn bộ sự kiện lại được các phóng viên Văn Bảo (chụp ảnh), Việt Tùng, Cường (quay phim) ghi lại trong tiếng reo hò phấn khởi.

Đêm 20 rạng ngày 21/12, chúng tôi đã đánh tốt, bắn rơi 2 chiếc B-52. Các đơn vị bạn cũng đều bắn tốt, đập tan ý định xóa sổ Hà Nội trong vòng ba ngày đêm của địch”.

Có một sự việc trong thời khắc ấy, ông Đinh Thế Văn nhớ mãi. Lúc 9h ngày 21/12, 4 chiếc máy bay F-4 của địch đánh vào trận địa tiểu đoàn 77. Các trắc thủ TZK báo cáo rành rọt. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn báo cáo, xin trung đoàn cho đánh. Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Điển trả lời: “Giành đạn bắn B-52”. Đinh Thế Văn lại tiếp tục đề nghị cho đánh trả, kẻo chúng đánh hỏng tên lửa. Trung đoàn trưởng trả lời: “Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, để cho cao xạ đánh”.

Tiểu đoàn 77 đành theo dõi mục tiêu, liên tục phối hợp với lực lượng pháo cao xạ đánh trả tích cực. Máy bay địch thả bom bi trùm lên khắp trận địa, nhưng khí tài được che chắn cẩn thận, nên không việc gì.

Hai trắc thủ TZK trên vị trí quan sát bị thương, trong đó trắc thủ Nghiêm Xuân Danh bị thương quá nặng nên đã hi sinh trên đường đến bệnh viện. “Đó là một chiến sĩ rất thông minh, nhanh nhẹn và dũng cảm. Suốt ngày đêm trên cao chót vót, không được bảo vệ, Danh vẫn hiên ngang bình tĩnh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cậu ấy là đôi mắt của đơn vị, là cánh tay phải của tôi” - Đại tá Đinh Thế Văn rưng rưng nước mắt.

Sau cuộc tập kích, tiểu đoàn bị mất sức chiến đấu, xe PA bị hỏng, hai quả tên lửa bị cháy, mặc dù các chiến sĩ đã liều mình lấy đất sét bịt lỗ thủng nhưng chỉ cứu được một quả, còn một quả do cháy to quá nên phải phóng tự hủy.
Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (giữa) đang thuyết minh cách đánh B-52 cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm trận địa

9h sáng 22/12, trong lúc toàn tiểu đoàn cùng ban kỹ thuật đang tập trung sửa chữa tại trận địa, thì nhận được tin Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp xuống thăm trận địa. Đại tướng đến thăm trong lúc trận địa còn chưa dọn dẹp, lại vào đúng giờ cao điểm, vì hàng ngày khoảng 9-10h là máy bay địch đến đánh.


Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại: “Đại tướng đến thăm, chúng tôi mừng mà lo quá, không biết xử trí như thế nào. Lúc này trên mặt trận bom bi chưa nổ vẫn còn vương vãi lung tung. Cấp trên trực tiếp thì không thấy có ai đi theo Đại tướng.

Khi đến trận địa, đồng chí bảo vệ đến nói nhỏ với tôi: “Bây giờ là giờ cao điểm, toàn tiểu đoàn theo dõi tình hình địch, nếu địch đến, đồng chí xem vị trí nào an toàn nhất sẽ đưa đại tướng xuống ẩn nấp”.

Tôi trả lời khó quá, trận địa vừa bị đánh hôm qua, bom bi chưa nổ hết, khí tài đang bị hỏng chưa thể sử dụng. Tuy nhiên sau đó tôi trả lời rằng: “Báo cáo đồng chí. Khi có địch đến, tất nhiên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ đưa Đại tướng đến nơi an toàn nhất của tiểu đoàn.

Nhưng nếu địch đánh vào trận địa, khi hiểm nguy tôi sẽ nằm lên che cho Đại tướng được không? Giả sử tôi có hy sinh thì tôi sẵn sàng, vì vận mệnh đất nước là nhờ ở Đại tướng”.

Ý nghĩ ấy không phải của riêng tôi, mà tất cả tiểu đoàn 77 đều rất lo và chung ý nghĩ đó. Chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành được nhiệm vụ trong lúc này, chứ không sợ hy sinh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp và nói chuyện với tiểu đoàn giữa trận địa. Đại tướng nói chuyện ngắn gọn và tình cảm: “Các đồng chí tên lửa đánh rất giỏi, cảm ơn các đồng chí. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này.

Các đồng chí phải khẩn trương sửa chữa khí tài, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tăng cường tập luyện, phát huy chiến thắng, rút kinh nghiệm, khắc phục khuyết điểm, đánh giỏi và đánh thắng hơn nữa.”

Đồng chí Đỗ Quý Dần, chính trị viên Tiểu đoàn thay mặt toàn tiểu đoàn hứa với Đại tướng kiên quyết chấp hành nghiêm chỉnh lời căn dặn của Đại tướng. Đúng là khi Đại tướng đi ra khỏi trận địa, tiểu đoàn mới đỡ lo về công tác bảo đảm an toàn cho Đại tướng”.
Đại tá Đinh Thế Văn với cuộc sống bình yên nơi làng cũ 
Sau này, vào ngày 30/12, tiểu đoàn còn vinh dự được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy kíp chiến đấu diễn tập lại cách đánh B-52 cho Chủ tịch xem. Bác Tôn rất phấn khởi, biểu dương, khen ngợi.

Đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Chính phủ, khi ký kết xong ở hội nghị Pa-ri về nước, xuống sân bay liền đi thẳng đến thăm tiểu đoàn. Cố vấn Lê Đức Thọ nói: “Cảm ơn các đồng chí. Chính các đồng chí đã bắt Đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định theo yêu cầu của Việt Nam”.

Sau thất bại nặng nề của đêm 20 rạng ngày 21, không quân địch vẫn tiếp tục tập kích vào Hà Nội, nhưng có vẻ giãn ra, không dồn dập như trước. Tiểu đoàn 77 tiếp tục tích cực sửa chữa, khôi phục khí tài sẵn sàng chiến đấu. Địch bắt đầu chuyển trọng tâm bắn phá ra nhiều mục tiêu khác như Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác xa Hà Nội.

Ngày 25/12, khí tài của tiểu đoàn đã sẵn sàng, nhưng vào ngày Lễ Noel nên địch ngừng hoạt động. Vào đêm 26/12, tiểu đoàn 77 lại tiếp tục chiến đấu trên trận địa cũ. Đánh hai trận, đạn nổ tốt nhưng không quan sát được kết quả. Đêm 27/12, tiểu đoàn đánh hai trận, được công nhận bắn rơi một B-52.

Ngày 28/12, theo lệnh của trung đoàn, tiểu đoàn cơ động qua trận địa Đông Ngạc. Khi vừa đến cống Chèm thì địch đến tập kích vào trận địa. Ba chiến sĩ C2 đã hy sinh trong khi dũng cảm cố đưa bệ phóng ra khỏi trận địa.

“Đồng chí Nguyễn Văn Hảo (quê ở Quảng Ninh), trung đội phó trung đội bệ, đang trong thời gian nghỉ phép để cưới vợ, nhưng khi được tin địch đánh vào Hà Nội, thì chia tay người vợ mới cưới được hai ngày để trở về đơn vị. Khi đang chỉ huy thu hồi bệ thì đồng chí Hảo hy sinh” - Đại tá Văn nhớ lại.

Kỷ niệm về những đồng đội đã cùng sát cánh với mình trong 12 ngày đêm oai hùng, Đại tá Đinh Thế Văn ấn tượng mãi về chiến sĩ Nguyễn Như lai (quê Hải Phòng). Anh là kỹ thuật viên rất giỏi, sửa chữa hỏng hóc rất nhanh, chống nhiễu, phát hiện mục tiêu đều giỏi.

Vì anh là kíp một, luôn phải trực tại trận địa, nên dù cưới vợ hai năm mà vẫn chưa có con. Đúng trong những ngày B-52 tập kích thì Nguyễn Như Lai được vợ lên trận địa thăm chồng. Vì nhiệm vụ chiến đấu, anh không thể nghỉ trực ban về kíp hai được.

Tiểu đoàn động viên hai vợ chồng ở lại trận địa, khi nào có báo động thì chồng về vị trí chiến đấu, còn vợ đi ẩn nấp ở hầm ngay trong trận địa. Hai vợ chồng rất vui vẻ nhận lời.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu, Nguyễn Như Lai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người vợ cũng có tin mừng, tiếp nối cho thế hệ sau.

Hòa bình lập lại đã lâu, những người đồng đội mỗi người một ngả, ai cũng đã già. Một lần, tình cờ một lần nhìn thấy tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn trên tivi, ông Nguyễn Như Lai quyết tìm đến tận nhà thủ trưởng.

Vừa thấy bóng dáng người thủ trưởng bước ra mở cổng, ông Lai đã khóc òa lên như một đứa trẻ: “Anh vẫn còn sống đây mà. Anh vẫn gầy thế ư?”.

Lê Quân

Bình luận
vtcnews.vn