Khi bò tót sống trong… nông trường
Chúng tôi có mặt tại địa phương ngày 6.7, sau khi nghe tin ít ngày trước, bò tót đã ăn mất bốn sào bắp vừa ra trái của gia đình ông Sáu Xệ và chuyện con bò tót gần 100kg bị chết cách nay hơn một tháng, nằm trong khu vực nông trường Tân Lập. Ở đây, có nghịch lý là trong khi người dân tìm cách xua đuổi chúng, lại có một lực lượng phải mất ăn mất ngủ để bảo vệ loài động vật trong Sách đỏ này…
Ông Sáu Xệ (tên thật là Dương Văn Tài) với mái tóc bạc cùng khuôn mặt đẫm mồ hôi vừa khệ nệ chở nước uống vào chòi canh, kể: “Hồi nào tới giờ, bò tót hay về phá khoai mì, bắp nên tui làm chòi để canh. Bình thường, chúng hay ra ăn vào chập tối, tui canh đến cữ khuya không thấy động tĩnh gì nên đi ngủ. Vậy mà sáng ra, thấy nguyên khoảnh bắp bị bò ăn và đạp gãy hết”. Rẫy của ông Sáu Xệ nằm sát với đồi Xương Rồng, địa điểm bò tót thường sinh sống.
Anh Trịnh Hoàng Nghĩa, dân quân thường trực xã Tân Lợi, chỉ cho phóng viên một khoảnh bắp nhà ông Sáu Xệ vừa bị bò tót phá, trong khi chủ rẫy đang lui cui sửa lại chòi để kịp tối còn canh bò. |
Khai hoang và canh tác ở đây từ năm 1985 đến nay, ông Sáu Xệ khẳng định: đàn bò có khoảng 18 – 20 con. Mọi năm, vào mùa mưa, chúng ít ra phá hoa màu, nhưng năm nay, chuyện bò ra liên tục, lại vào mùa mưa là chuyện lạ, nên ông đã thuê ông Thạch Cửa cùng với mình dựng lều canh cả ngày lẫn đêm. Căn cứ vào dấu vết của bàn chân bò tót còn in lại trên rẫy bắp, vị chuyên gia động vật đi cùng đoàn với phóng viên, cho rằng có ít nhất ba con bò tót đã tham gia vào vụ tàn phá này.
Nóng ruột vì hoa màu bị phá, ông Sáu Xệ đã làm một cái chòi mới cách đồi Xương Rồng khoảng 20m. Buổi tối, hai người đốt lửa và thay nhau đập nồi inh ỏi hòng xua đàn bò. Gặp ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Tân Lợi, khi biết phóng viên tìm hiểu về bò tót, lão nông này chặc lưỡi: “Năm rồi, bò tót ăn mất của tôi ba mẫu mấy mì, năm nay thì hết ba sào rồi. Chúng khôn dữ lắm, không ăn lá mà chỉ moi củ ăn. Nếu không làm chòi canh là chúng phá hết”.
Theo ông Cảnh, càng ngày bò tót càng dạn, nhiều khi đứng cách 50m, chúng vẫn không chạy. Còn ông Liêu Văn Thanh, người cùng xã, canh tác ở đây từ năm 1996, cho biết: “Hồi mới tới, tui đã thấy đàn bò tót sống ở đây rồi. Hồi đó tầm tháng 2 tháng 3, chúng hay ra bìa rừng, nhưng nay thì liên tục, chó nhà rượt sủa, chúng còn quay lại húc. Có lần tôi đếm được cả thảy có 11 con”.
Ở tiểu khu 377 có khoảng 20 hộ dân, đi đến đâu cũng nghe kể về việc bò tót phá hoại cây trồng của họ. Điều khá lạ là loài động vật hoang dã này còn ăn cả lá cao su. Ông Thanh cho biết: “Trước đây, rừng còn rậm, còn bây giờ phá rừng trồng cao su, canh tác hoa màu, chỗ ở của đàn bò bị thu hẹp, nên chúng dạn hơn, ra phá rẫy nhiều hơn. Có lần, đàn bò tót phá hết cả mẫu cao su năm tuổi trong nông trường, có hai mẫu gần đường lộ đến nay vẫn là bãi đất trống vì cứ trồng cao su là bò tới phá”.
Cũng như nhiều nông dân khác đang đối phó với bò tót, ông Thanh lập chòi canh và chuyển sang trồng những loại cây bò ít phá như: bí đỏ, mãng cầu, dưa leo… Hiện nay, nhiều người dân lo lắng là việc đàn bò tót trở nên hung dữ và quay lại tấn công người.
Có mặt tại chốt kiểm lâm liên xã Tân Hoà – Tân Lợi, ông On, một người dân địa phương, kể cách nay ít tháng, ông Tư Mẫn đi soi cá chập tối, bị bò tót tấn công, nhưng may mắn trèo lên cây nên thoát được.
Hay trước đó, một người dân thấy bò tót con đẹp, định bắt về nuôi đã bị bò tót mẹ rượt đuổi chạy trối chết. May là chưa có thiệt hại về người, nhưng trước những vụ bò tót tấn công, người dân đã chủ động rỉ tai nhau tránh những nơi bò tót hay xuất hiện.
Bảo vệ bò tót 24/24 giờ
Trong khi người dân tìm cách xua đuổi đàn bò tót phá rẫy, lại có những người vì canh loài động vật có tên trong Sách đỏ này mà mất ăn mất ngủ. Chốt kiểm lâm liên xã Tân Hoà – Tân Lợi thường xuyên có hai kiểm lâm địa bàn, gồm ông Phạm Thanh Chính và ông Lý Văn Việt và ba dân quân nằm trong ban bảo vệ rừng của xã hỗ trợ kiểm lâm, đặc biệt là bảo vệ đàn bò quý hiếm này.
Thời gian gần đây, công việc của họ nặng nề hơn khi liên tục nhận được các phản ánh của người dân có đất trồng cao su, khoai mì trong các tiểu khu 375, 377, nông trường Tân Lập bị bò tót phá hoại cây trồng, hoa màu với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Bò tót gần 100kg chết trong nông trường do dính bẫy. |
Ông Nguyễn Văn Cao, hạt trưởng hạt kiểm Đồng Phú, cho biết: “Đàn bò tót ra kiếm ăn ở vườn cao su, rẫy khoai mì… vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc chúng dạn dĩ, xuất hiện thường xuyên phá hoại cây trồng của dân là điểm bất lợi cho công tác bảo vệ đàn bò, vì đây là yếu tố có lợi cho các đối tượng săn, bẫy trái phép.
Việc hai con bò tót bị giết hại trong năm 2010 và 2012 tại vùng rừng tiểu khu 377 (khu giao đất cho công ty cổ phần Rạng Đông), đã chứng minh điều đó”. Ngoài ra, theo ông Cao, việc người dân phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ để bảo vệ hoa màu, nếu không may bò tót ăn phải thì rất nguy hiểm…
Cũng vì lý do trên mà theo ông Việt: “Cuộc họp nào, lãnh đạo hạt kiểm lâm cũng nhắc anh em phải canh rừng, canh bò 24/24 giờ. Có lần, mấy anh em địa phương điện thoại đùa, bảo bò chết mà tụi tôi dựng đứng người. Bình thường chạy xe vô địa bàn mất 15 phút, nhưng nghe tin đó, năm phút là chúng tôi có mặt”.
Thông thường, kiểm lâm và dân quân sẽ đi tuần tra rừng từ 4 – 5 lần/tuần, ban đêm thì 7 giờ lên đường đến khuya mới về chốt. Đó là chưa kể lực lượng thường trực tại chốt sẽ kiểm tra xe cộ qua lại, nếu nghi chở gỗ lậu hay vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm.
Anh Trịnh Hoàng Nghĩa, dân quân xã Tân Lợi, cho biết: “Mỗi lần nghe tiếng súng nổ là mấy anh kiểm lâm sẽ điều động tụi tui cùng bảo vệ nông trường chặn ở các ngã ba đường, còn lại lập tức truy lùng trong rừng và các khu trồng cao su. Mới đây, tụi tui thu được hai khẩu súng chế, nhưng tiếc là chưa bắt được người đi săn”.
Không lên lịch trước, lực lượng hạt kiểm lâm liên tục tổ chức cắt rừng để gỡ bẫy thú, bẫy bò tót. Mới đây, một cuộc càn quét như vậy, kiểm lâm đã thu được hơn 60 cái bẫy, nhưng chủ yếu là bẫy thú nhỏ.
Có mặt ở huyện Đồng Phú hai ngày, nhưng chúng tôi không may mắn tận mắt thấy bò tót ra bìa rừng. Mấy anh kiểm lâm nói, họ có cơ sở vệ tinh là những người dân đã tình nguyện tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ đàn bò tót.
Ông Việt nhận định: “Nhiều người dân trở thành mạng lưới thông tin của kiểm lâm, khi phát hiện người lạ vào địa bàn, khi nghe tiếng súng nổ, tiếng máy cưa, họ đều báo ngay cho kiểm lâm, hoặc họ cung cấp thông tin mới nhất về bò tót”.
Điều đáng chú ý là, tại mỗi nhà dân, thường có một tấm ảnh bò tót rất lớn, treo ở tường. Theo giải thích của dân, điều đó nhắc nhở tinh thần bảo vệ thiên nhiên như kiểm lâm tuyên truyền.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, họ nhận ra việc người dân phá rừng của bò thì bò phá lại mình, họ chỉ mong sao giữ được đàn bò quý cho Nhà nước, còn bản thân thì được yên ổn làm ăn.
Đừng để mất bò tót mới lo bảo tồn!
Nghịch lý bò tót hoang dã sống trong lâm trường, tranh đất sống với con người đã không xảy ra nếu có sự cân nhắc kỹ giữa chuyển đổi rừng và mục tiêu bảo tồn trước đó. Đến nay, cán bộ hữu trách địa phương đã có những kiến nghị để bảo vệ, bảo tồn bò tót, nhưng làm quyết liệt vấn đề này hay không, đang phụ thuộc vào UBND tỉnh Bình Phước và các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Cao, hạt trưởng kiểm lâm huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), cho biết hạt kiểm lâm đã phát hiện đàn bò này trước năm 1990, lúc đó rừng còn rậm và đã báo cục Kiểm lâm. Năm 2003, cục đã cử đoàn cán bộ, trong đó có chuyên gia quốc tế vào khảo sát, nhưng khi khảo sát xong, không thấy ý kiến phản hồi gì?! Hiện nay, khu vực sinh cảnh đàn bò tót đang ở có trên dưới 4.000ha, chia thành bốn tiểu khu.
Hai con bò tót quý hiếm xuất hiện ở bìa rừng, khu vực chân đồi Xương Rồng. Ảnh: nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí |
Sinh cảnh ấy có thể không bị can thiệp thô bạo bởi con người, nếu có những báo cáo đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng từ chủ trương chuyển đổi khu vực có bò tót sinh sống thành rừng sản xuất.
Một cán bộ kiểm lâm (ngại nêu tên) cho biết: “Do vấn đề quy hoạch trồng cây cao su, những đơn vị tư vấn khi thuê người khảo sát, họ chỉ khảo sát về trữ lượng gỗ rừng có phải là đối tượng chuyển đổi hay không, chứ không chú ý đến những loài động vật hoang dã quý hiếm”.
Về vấn đề này, ông Cao nói: “Người ta đánh giá tác động môi trường cho từng dự án, ví dụ dự án này thuận cho anh 200ha, thì anh sẽ mời các nhà khoa học tới đánh giá trữ lượng, sản lượng. Tiếc là người ta quên đi phần đa dạng sinh học, cây con trong đó. Người ta chú ý cây nhiều hơn con, nên mới lọt đàn bò này”.
Vì vậy, các đơn vị công ty 67, ban liên lạc câu lạc bộ khối tình báo B58… lần lượt được giao rừng sản xuất. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đề án năm 2007 của một đơn vị xin khai thác khoáng sản ở đồi 212 (đồi Xương Rồng), có ghi: “Muông thú hoang dại hầu như không còn, mà động vật chủ yếu là trâu, bò và động vật nuôi khác”.
Trong khi đó, báo cáo tháng 1.2011 của nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí của viện Sinh học nhiệt đới (viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), trưởng nhóm khảo sát thực địa liên tục 20 ngày, phối hợp với chi cục Kiểm lâm (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước) thuê khảo sát, đã đưa ra những thông tin khác hẳn: “Quan sát bầy bò tót hơn 11 con vào chiều tối 6 giờ 25 đến gần 7 giờ tối ngày 7.1 và ngày 12.1 ở khoảng cách vài trăm mét gần khu vực đồi 212, trong bầy bò tót này có hai con non khoảng 3 – 4 tháng tuổi”. Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, khu vực này còn có bò rừng, voọc chà vá chân đen, nai, gà lôi hông tía…
Theo ông Bùi Quang Việt, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước, mặc dù có quan điểm “khi nào cũng phải đặt môi trường lên hàng đầu, nếu rừng còn tốt thì vẫn giữ”.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà sở tham gia xét duyệt, ông Việt thừa nhận: “Khi đánh giá tác động môi trường, nhiều khi người ta đánh giá rừng hiện nay nghèo kiệt, theo những tiêu chí của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về diện tích, mật độ, số lượng cây; chuyển đổi cho trồng cây cao su để giữ môi trường nên mất đi địa bàn sống của các loài động vật hoang dã. Như vậy, được cái này thì mất cái kia!”
Để bò tót không nối gót tê giác
Theo nhiều cán bộ kiểm lâm, báo cáo của các chuyên gia viện Sinh học nhiệt đới đã có tác động nhất định trong việc cấp trên cân nhắc dừng các dự án mới đăng ký. Tuy nhiên, phải đợi đến khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 1685 (vào tháng 9.2011) về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, thì diện tích rừng Đồng Phú trước đây giao, dù là diện tích khoanh nuôi, mới được thu hồi lại.
Ông Nguyễn Văn Khánh, chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, cho biết: “Thu hồi lại để giao lại cho chủ rừng quản lý khoanh nuôi. Tuyệt đối không được chuyển đổi rừng sang sản xuất nữa, mặc dù trồng các cây cao su được coi là cây đa mục đích, nhưng cũng ngưng, đợi khi bộ nông nghiệp có tổng kết, đánh giá việc này xem hiệu quả như thế nào sau đó mới tính tiếp”.
Theo đó, diện tích đất của công ty 67 nay là công ty Rạng Đông, ban liên lạc câu lạc bộ tình báo B58 đã có chủ trương thu hồi và giao lại cho công ty TNHH một thành viên cao su Bình Phước quản lý khoanh nuôi…
Về việc bảo tồn bò tót, ông Khánh khẳng định: “Khi phát hiện bò tót ở đó, lập tức UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo khoanh lại bảo vệ, kể cả là vùng nằm trong rừng sản xuất”. Tuy nhiên, đến ngày 12.6.2012, theo báo cáo của hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú gửi lên chính quyền cấp huyện, chi cục Kiểm lâm tỉnh và công ty TNHH một thành viên cao su Bình Phước, mặc dù hạt đã tham mưu cho ban chỉ đạo bảo vệ rừng chỉ đạo công ty TNHH một thành viên cao su Bình Phước phải xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ đàn bò tót, nhưng công ty này vẫn chưa triển khai thực hiện.
Trong khi đó, theo ông Cao, bò tót trong nông trường Tân Lập đang đứng trước những nguy cơ bị kẻ xấu săn trộm, hay ăn phải thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ từ người dân... Sự nóng ruột ấy không phải là vô căn cứ, bởi trong quá trình điều tra, chúng tôi ghi nhận được thông tin từ người dân còn có nhiều vụ bò tót bị bắn trước đó.
Cụ thể như: năm con bò tót bị bắn chết ở dốc Ba Minh vào năm 1990; năm 2001, một con bò tót trưởng thành bị bắn chết ở đồi Xương Rồng; năm 2009, sau khi bắn chết bò tót, kẻ gian đã khoắng đi hết chỉ còn chừa bộ lòng; năm 2011, một con bò tót được phát hiện ở khu vực này nhưng với tình trạng mất phần đầu (lấy sừng) và thân bò đang bị phân huỷ…
Ông Cao kiến nghị, có hai hướng bảo tồn đàn bò tót: khoanh vùng bảo tồn, hoặc di dời bò về vườn quốc gia Cát Tiên. “Khoanh vùng thì khả thi, nhưng đòi hỏi tỉnh và trung ương phải có dự án lớn. Nếu khoanh vùng, thì về nguyên tắc, các dự án trong đó phải di dời, đàn bò không thể ở chung với dân được. Còn di dời đàn bò sẽ tiến hành vào mùa khô, khi sông Mã Đà cạn nước, nhiều chỗ đi bộ được. Nhưng hướng này bất khả thi vì tập tính của bò rừng, voi rừng ở khu nào thì sẽ ở đó”, ông Cao nói.
Đại diện khu di tích lịch sử văn hoá Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng đã qua huyện Đồng Phú làm việc sơ bộ và đi khảo sát. Về vấn đề này, ông Khánh cho biết kiến nghị trên mới gửi tới chi cục Kiểm lâm tỉnh, chắc chắn đơn vị này sẽ đề xuất, tham mưu UBND tỉnh và trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cụ thể. “Việc bảo tồn này là một trong những việc phải ưu tiên. Quan điểm của UBND tỉnh là phải giữ rừng”, ông Khánh khẳng định.
Mong sao ý chí ấy sớm biến thành hành động cụ thể, bởi điều đó không chỉ cứu nguy cho loài động vật hoang dã quý hiếm, mà quan trọng hơn là bảo vệ tính mạng của người dân đang ngày đêm phải “đấu” với bò tót để sinh nhai.
TheoTrung Dũng/ SGTT
Bình luận