Vào ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát man rợ 504 dân thường, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể .
Vụ thảm sát Mỹ Lai cho tới nay vẫn là một điểm đen trong lịch sử quân đội Mỹ, một vết nhơ mà người Mỹ luôn tìm cách che đậy và xóa bỏ. Nhưng trong những góc đen tối u uất đó vẫn nổi lên một điểm sáng, một người dám chĩa súng vào đồng đội, ngăn cản những ‘đồng đội Mỹ khát máu’ để cứu dân thường Việt Nam vô tội. Đó là câu chuyện về chuẩn úy Hugh Thompson, cựu phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Thompson sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Georgia. Cha của Thompson phục vụ trong Hải quân Mỹ trong suốt Thế chiến II trong khi anh trai của ông là phi công hải quân Mỹ cũng từng tham chiến tại Việt Nam.
Kế tục truyền thống quân nhân trong gia đình, Thompson cũng ghi danh phục vụ hải quân Mỹ. Sau 3 năm, ông trở về quê nhà, làm việc trong nhà tang lễ. Nhưng khao khát được phục vụ trong quân ngũ khiến ông quay trở lại vào thời điểm Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Thompson tình nguyện tham gia Đơn vị do thám hàng không, được phân công vào nhóm Task Force Barker, bay trên các cánh rừng Việt Nam và thu hút hỏa lực đối phương để xác định vị trí của họ.
"Các anh bắn dân thường, tôi sẽ bắn các anh"
Theo New York Times, ngày 16/3/1968, một vài tuần trước sinh nhật lần thứ 26, Thompson cùng 2 thành viên trong tổ bay của mình, hai xạ thủ súng máy trực thăng là Glenn Andreotta và Lawrence Colburn được lệnh hỗ trợ cho Trung đoàn Bộ binh 20 trong nhiệm vụ tấn công một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam ở Mỹ Lai (một thôn nhỏ thuộc làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi).
Khi Thompson và các đồng đội của mình bay trên cao, họ đã nhìn thấy thi thể nằm la liệt bên cạnh một con mương, có cả người già và trẻ nhỏ.
Ban đầu, Thompson cho rằng đạn pháo đã giết chết những người dân thường này. Tuy nhiên, khi bay thêm một đoạn, ông quan sát thấy một phụ nữ bị thương, ra hiệu cầu cứu. Nhưng một nhóm sỹ quan Mỹ tiếp tục nổ súng vào người đàn bà vô tội.
“Chúng tôi bắt đầu nghĩ về những gì có thể xảy ra, nhưng không muốn chấp nhận điều đó bởi nếu chấp nhận nó đồng nghĩa với việc đồng bào Mỹ của tôi đang làm điều đó thực sự xấu xa”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2000.
Không lâu sau đó, một nhóm người chạy vào trong một boongke để ẩn nấp nhưng nhóm lĩnh Mỹ theo sát phía sau họ.
Hiểu được chuyện gì đang xảy ra, viên phi công Mỹ đưa ra quyết định đi ngược lại những gì được dạy trong quá trình huấn luyện quân sự, chống lại khái niệm truyền thống về bạn và kẻ thù trong chiến tranh: Hạ cánh trực tiếp xuống boongke nơi các đồng đội của mình chuẩn bị thảm sát người dân vô tội ở ngôi làng nhỏ này.
“Nếu các anh bắn vào dân thường hoặc vào tôi, người của tôi sẽ bắn các anh”, Thompson nói với nhóm lính Mỹ do chỉ huy Stephen Brooks dẫn đầu, đồng thời yêu cầu Andreotta và Colburn chĩa súng máy vào toàn nhóm lính Mỹ.
Video: Những ký ức không thể quên trong thảm sát Mỹ Lai
Sau khi Brooks có dấu hiệu hợp tác, Thompson đi tới và ra hiệu cho những người đang núp trong boongke đi ra ngoài.
“Các bạn ra đây, sẽ không ai làm hại các bạn nữa”, ông nói rồi từng người, từng người bước ra. Thompson sau đó cùng 2 người bạn của mình đưa những người này lên máy bay và đi tới một bệnh viện trong vùng.
Trên đường trở về, Andreotta lại phát hiện điểm bất thường ở một con kênh dẫn nước nhỏ. Cả đội quyết định hạ cánh xuống để kiểm tra. Họ lôi ra một đứa trẻ giữa những xác chết nằm la liệt rồi đưa em tới một nhà thương ở Quảng Ngãi.
Bị coi là phản bội
Về tới căn cứ, Thompson đã báo cáo toàn bộ hành động tàn sát dân thường mà ông chứng kiến. Các sỹ quan chỉ huy cấp cao sau đó hủy bỏ chiến dịch quét sạch các ngôi làng ở gần đó, cứu sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người dân vô tội.
Vụ thảm sát đã bị che giấu. Trong báo cáo của quân đội Mỹ thời điểm đó ghi rằng họ đã "tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào".
Nhưng vụ việc sau đó bị vỡ lở sau đó. Thompson bị triệu tập tới Washington tham gia một phiên điều trần. Trong những ngày đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn, nhiều lính Mỹ bị mất mạng trong các đợt giao tranh ở Việt Nam, trong đó có Andreotta bị bắn chết 3 tuần sau vụ thảm sát tại Mỹ Lai.
Vì vậy, không phải ai cũng xem Thompson là anh hùng. Ông bị đồng đội cô lập, xa lánh, bị coi là nhân chứng đáng ngờ vì bản báo cáo giả trong khi những người mà ông chỉ tên trong phiên điều trần lại chỉ phải chịu những bản án quá nhẹ.
Sau phiên điều trần, chỉ 14 người, bao gồm đại úy Ernest Medina và trung uý William Calley, 2 sỹ quan chỉ huy vụ thảm sát bị buộc tội. Nhưng gần như tất cả tội trạng của họ đều được tòa quân sự bác bỏ sau đó, theo History.com.
Chỉ trừ Medina bị kết án tù chung thân rồi hạ án xuống còn 3 năm quản thúc tại gia và Calley bị kết tội giết 22 thường dân bị kết án chung thân nhưng giảm xuống còn 10 năm trước khi được ân xá vào năm 1974 khi mới thụ án được 3 năm.
Thậm chỉ một nghị sỹ Mỹ còn cho rằng người duy nhất phải chịu kỷ luật là Thompson, người đã quay sang chĩa súng về những người đồng đội của mình.
Sự kiện thảm khốc này sau khi được công bố đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ khỏi Việt Nam năm 1972.
Sau sự kiện Mỹ Lai, viên phi công Mỹ tiếp tục được yêu cầu thực hiện các chuyến bay do thám, một nhiệm vụ mà nhiều người cho là hình phạt vì đã can thiệp và cứu sống các nạn nhân Mỹ Lai.
Trở về quê nhà sau khi tham chiến tại Việt Nam, Thomspon cho biết ông vẫn bị nhìn nhận như một kẻ phản bội và thường xuyên nhận được những lời đe dọa, những cú điện thoại nặc danh. Nhiều kẻ quá khích thậm chí còn cắt nhỏ xác động vật rồi vứt trước hiên nhà của ông.
Lòng nhân ái chiến thắng
Tuy nhiên, trong những năm tháng đó, vẫn có một người luôn tin vào các hành động chính nghĩa của viên phi công Mỹ là giáo sư David Egan tới từ Đại học Clemson. Ông này đã phát động một chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ hành động dám đứng lên vạch trần hành động man rợ của quân đội Mỹ, vận động chính phủ Mỹ vinh danh tổ bay của Thompson.
Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của vị giáo sư Mỹ, tới ngày 6/3/1998, gần 30 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Thompson và các đồng nghiệp Lawrence Colburn và Glenn Andreotta được tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ, phần thưởng cao nhất của quân đội Mỹ dành cho người dũng cảm mà không tham gia tác chiến trực tiếp.
Chưa đầy 1 tuần sau, Thompson và người đồng đội già Colburn trở lại Việt Nam để tham gia buổi tượng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1968.
Tới tháng 1/2006, Thompson qua đời tại bệnh viện Alexandria nam Louisiana vì bệnh ung thư khi 62 tuổi. Một bảo tàng nhỏ tại Mỹ Lai hiện nay vẫn vinh danh ông và hành động chính nghĩa của Thompson trong quá khứ.
Bản thân những cựu binh Mỹ giờ đây cũng hiểu rằng đồng đội của họ từng thực hiện một vụ thảm sát đáng ghê tởm cách đây hơn 50 năm, nhưng cũng có một người lính Mỹ đã dũng cảm đứng lên ngăn chặn nó.
Bình luận