• Zalo

Chuyện người nuôi ‘thần điểu’ của nước Việt

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 23/10/2014 01:26:00 +07:00Google News

Loài chim này có mỏ giống cái rìu nên được tôn sùng, đó chính là loài chim Việt, là 'thần điểu' của nước Việt.

Anh Giáp được bái là sư phụ của mọi sư phụ về kỹ nghệ nuôi chim, sở hữu tới trên ba mươi loài với gần một vạn cá thể chim quý hiếm.

Ví dụ như trĩ đỏ khoang cổ Việt Nam, trĩ xanh, trĩ vàng, trĩ đỏ Nhật Bản, công xanh, công trắng, gà lôi trắng, sâm cầm, ngỗng trời…

Một vùng cây cối xum xuê, hồ ao mướt mát. Gió thu phe phẩy, ngập tràn lời chim. Tiếng kiu kíu của ngỗng trời, tiếng quang quác của công, tiếng cồng cộc của phượng hoàng đất, của hoàng hạc, hắc hạc.

Cả ngàn con chim cùng vươn những cái cần cổ lên hòa âm tạo trong một buổi sáng trong lành ngay giữa lòng Hà Nội nhoang nhoáng tàu xe.
Trần Nhữ Giáp 
Săn gà lôi được gà thường


Trần Nhữ Giáp tự nhận là người ngoại đạo hoàn toàn về chim. Học đại học Thương mại, lập Cty xây dựng rồi tư vấn làm ăn khá thịnh, theo thói quen của người có chút tiền anh muốn sưu tập vài chú chim để nuôi chơi.

Khởi đầu năm 2004, anh đem về nhà bốn con trĩ đỏ khoang cổ, một trống ba mái. Nuôi chơi nhưng chim lại đẻ thật và đẻ cứ gọi là sòn sòn. Mấy lứa thôi đã có 100 con trĩ non ra đời. Nhiều chim quá anh phải làm thêm chuồng trại, thuê người giúp việc để chăm. Nhiều chim quá, nuôi không hết anh phải cho tặng bạn bè bớt.

Thế rồi người nọ giới thiệu người kia, một thị trường nho nhỏ về trĩ được thành hình. Vốn là dân kinh doanh chuyên nghiệp, Trần Nhữ Giáp cảm nhận một cơ hội hiếm có đang đến với mình. Năm 2005, anh quyết định thuê 3.000m2 đất quê ở Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam) mở trại nuôi chim hoang dã.

Mọi thứ không đơn giản như định liệu ban đầu. Khi đàn trĩ trong trại đông tới 500 - 600 con thì đồng loạt lăn ra ốm, chết la, chết liệt. Ngày ngày vào trại nhặt xác chim, nhìn thấy từng đồng tiền vốn đang rời xa mình đã nản định buông xuôi.
Chim công Việt Nam 
Tình cờ thế nào trong một lần lang thang trên mạng nhấp chuột thấy ở Thái Lan người ta nuôi trĩ dễ như nuôi gà vậy là lại háo hức, chộn rộn vay mượn tiền làm lộ phí. Trở về sau chuyến học trí khôn của thiên hạ, do nắm chắc kỹ thuật phòng chống bệnh, đàn trĩ trong trại lại phát triển một cách nhanh chóng. Đến lúc này mang chúng đi bán lại nảy sinh vấn đề mới.

Trần Nhữ Giáp phân biệt rạch ròi đường hướng phát triển với hai dòng sản phẩm: thương mại và khoa học. Lấy lợi nhuận thương mại để nuôi khoa học. Với 32 loài đang nuôi anh đã viết 16 bản nghiên cứu chuyên sâu và vẫn đang viết tiếp từng ngày.
Rõ ràng chim của mình đẻ ra mà vẫn cứ phải lén lén, lút lút như thằng ăn trộm vì không hề có khai sinh, lý lịch. Lúc bấy giờ, việc xin giấy phép mở trại nuôi chim hoang dã chưa từng có tiền lệ. Để được cơ quan chức năng cấp phép nuôi loài chim trĩ, anh đã mất gần 2 năm để chứng minh chúng sinh sản tốt trong môi trường nhân tạo.


Đường vốn không tự nhiên sinh ra, chỉ do con người đi mãi mà thành hình, cày cục mãi chuyện thủ tục về một thứ chưa có tiền lệ, đến tháng 6/2009 trại nuôi sinh sản và bảo tồn chim của anh được cấp giấy phép. Sau trại ở Hà Nam, anh lập tiếp một trại ở khu sinh thái Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) với quy mô 2 ha, đầu tư đến mấy tỉ đồng.

Cái máu mê nghề nó ngấm, nó gây nghiện anh lúc nào không biết. Một lần nghe người bạn phong thanh kể về người đàn ông dân tộc ở vùng cao Thừa Thiên- Huế đang nuôi đàn gà lôi trắng trên 50 con anh đã cả mừng vì loài chim đó quý đến mức có trong sách đỏ.

Càng mừng hơn khi anh gọi điện vào thuyết phục thì ông ta đồng ý bán lại cả đàn với giá chỉ 300.000 đồng/con. Bắt tàu xe đi mải miết, đi không ăn không nghỉ hơn một ngày trời cuối cùng anh cũng tìm đến được bản làng heo hút ven Vườn quốc gia Bạch Mã.
Một góc vườn chim 
Chủ nhà tiếp đón rất thịnh tình: “Gà lôi đã nhốt ở trên đồi, muốn xem sẽ được xem nhưng mày cứ phải uống rượu với tao cái đã”. Lệ đồng bào là thế, cấm được chối từ. Cái dạ dày hơn một ngày co bóp suông nay rượu nặng cứ chảy ồ ồ cả bát một lúc khiến cho anh say khật say khừ.

Sau trận rượu túy lúy, họ đi bộ ngược núi. Chừng hơn một giờ thì người đàn ông nọ chỉ vào lùm cây cạnh khe núi bảo: “Gà tao nhốt ở kia kìa”.

Cái chân đang tê bại vì không quen leo dốc bỗng chợt khỏe khoắn lạ thường. Vội vàng chạy lại chỗ lùm cây thì đúng là có hơn 50 con gà lớn nhỏ đang được quây trong lưới thật nhưng đó không phải gà lôi trắng mà gà sao Hungary - loại bán tràn vỉa hè Hà Nội. Điều không thể ngờ khiến hơi rượu trong người tan biến hết.

Diện kiến phượng hoàng

Có lần tình cờ Trần Nhữ Giáp đi thăm Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) thấy trên mặt trống đồng có khắc hình con chim lạ. Máu nghề nổi lên rần rật anh liền quầy quả ra hỏi người quản lý chim đó là chim gì. Người này cũng không biết gì hơn ngoài trả lời đó chính là một… con chim.

Ý nghĩa gì mà loài chim đó được in trên trống đồng? Câu hỏi cứ vơ vẩn mãi trong đầu không người khai sáng cho đến khi gặp một chuyên gia khảo cổ mới hay đó là chim mỏ rìu - biểu tượng của thời kỳ đồ đồng, đồ đá.

“Thời ấy, biểu tượng của người Việt là vật sắc nhọn như cái rìu. Loài chim này có mỏ giống cái rìu nên được tôn sùng, đó chính là loài chim Việt”. Thấy ý nghĩa hay quá khi về anh đặt luôn tên trang trại của mình là Vườn chim Việt.
Ông chủ vườn chim (ở giữa) bên các nhà khoa học 

Nhưng chim Việt là chim gì? Nó còn sống hay đã tuyệt chủng? Gõ cửa các nhà điểu học trong nước và quốc tế anh được biết thêm rằng con chim Việt chính là con phượng hoàng đất hay còn gọi hồng hoàng.

Phượng hoàng đất nổi bật với cái mỏ màu vàng tươi vô cùng rực rỡ. Thân mình loài chim này to lớn, kềnh càng bởi nặng tới 3 - 4kg.

Phượng hoàng đất có tuổi thọ tới 50 - 60 năm nhưng đã từ lâu gần như không còn xuất hiện trong môi trường tự nhiên nữa. Nung nấu quyết tâm khôi phục một giống chim quý nên hễ nghe ở đâu có người bẫy được phượng hoàng đất là anh bổ nhào đến trước khi chúng bị cho vào… nồi hay làm mồi trên bếp lửa.

Con chết, con bị thương, cuối cùng sau bao công sức anh cũng có được ba cá thể phượng hoàng, một trống hai mái. Trong tự nhiên, loài chim này có đời sống gia đình vô cùng kỳ lạ.
Phượng hoàng 
Phượng hoàng mái làm tổ trong các lỗ rỗng trên thân cây lớn và miệng tổ được bịt bằng một lớp phân. Nó tự giam mình trong đó cho tới khi chim non phát triển tương đối, sống sót nhờ thức ăn do chim trống đem về đút qua khe nứt của lớp trát. Mỗi lứa đẻ của phượng hoàng gồm 1 tới 2 trứng và được ấp trong 38 - 40 ngày.

Chính bởi sinh đẻ cầu kỳ là thế nên trong môi trường nuôi nhốt người ta rất khó để cho phượng hoàng đẻ. Thế mà đã có 6 chú phượng hoàng non mổ vỏ trứng, lò dò chui ra ngắm mặt trời mọc rồi mặt trời lặn ngay tại thủ đô. Những chú chim mỏ rìu non ngày nào thân mình đã ra dáng một kẻ khổng lồ. Miệng chúng kêu ồ ồ, liên tục mổ xoài, mổ chuối ăn thun thút.

Những chú hoàng hạc - loài chim nổi tiếng trong "Hoàng Hạc lâu" của nhà thơ Thôi Hiệu: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ. Thử địa không dư hoàng hạc lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thiên tải không du du” cũng có một ô chuồng lớn trong trại. Chúng được anh cứu khỏi cảnh phải làm mồi trong…nồi lẩu ở các quán đặc sản.

Phượng hoàng, hoàng hạc vốn là những loài chim không đem lại khả năng kinh tế vì dáng không sặc sỡ như công, như trĩ, hót không hay bằng khướu, họa mi và nhất là ăn rất tốn. Mỗi ngày một chú phượng hoàng đất ăn mất từ 1-2kg hoa quả nên chỉ nuôi mấy con đã tốn chừng nửa triệu. Không hề kém cạnh, một chú hoàng hạc một ngày xơi chừng 1kg cá, thành ra cả đàn ngốn gọn gàng dăm ba trăm ngàn đồng. Phải thực sự đam mê nghiên cứu mới dám nuôi chúng.

TheoDương Đình Tường (NNVN)
Bình luận
vtcnews.vn