Thần đèn trong truyện cổ tích Aladin là ông thần đèn ngoại quốc, thần đèn không có thật, ông thần đèn như thế, hoàn toàn khác biệt với những thần đèn ở xứ ta. “Thần đèn” ở ta không bị giam cầm trong chiếc đèn cổ, càng không có chuyện sở hữu những phép thần thông quảng đại giúp cho ai đó muốn gì cũng được.
Thần đèn ở ta chỉ là những người nông dân bình thường nhưng tài năng hô biến thì siêu hạng, họ có thể dời cả tòa nhà đồ sộ từ nơi này sang nơi khác mà không hề hấn gì. Tiêu biểu cho thế hệ thần đèn Việt như thế là “thần đèn” mà ai cũng tường tận uy danh, ông là “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy!
“Thần đèn” mà tôi đề cập trong bài viết này hoàn toàn khác biệt với những “thần đèn” kể trên. Người ta chỉ có thể bắt gặp những vị thần đèn mà tôi nhắc đến trong bài viết này tại một nơi duy nhất, ở những gia đình có tang ma, mà tang chủ phải là người lắm tiền thì thần đèn mới… xuất hiện.
Nghe có ngộ lắm không?!
1. Mấy ngày trước, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện đám tang với kiểu đưa ma rất lạ. Đi đầu đoàn đưa đám không phải các nhà sư, tang quyến của người đã khuất như thường thấy mà là mấy thầy trò Đường Tăng. Nhiều người đi đường rất đỗi bất ngờ và đứng lại xem, rồi chụp hình, rồi quay phim nhí nhố bởi đây là lần đầu tiên trong đời họ được chứng kiến kiểu đưa ma kỳ lạ như vậy. Đường Tăng cưỡi ngựa nhẹ nhàng rảo bước, phía trước và phía sau là các đồ đệ Trư Bát Giới vác cào cỏ, Tôn Ngộ Không cầm thiết bảng, Sa Tăng gánh hành lý lẽo đẽo theo chân thầy.
Sau phút giây ngỡ ngàng ban đầu, sau đó người ta mới vỡ lẽ ra đây là màn tiếp thị của chủ nhà đòn trong việc đưa ra loại hình dịch vụ đám ma kiểu mới phục vụ các tang chủ chịu chơi với giá cả nghe đâu không hề rẻ tí nào. Hỏi chuyện mới biết, để được mấy thầy trò Đường Tăng cùng nhau đưa ma "trên trời", tang chủ phải là người có tiền và chịu chi.
Cận cảnh màn đưa ma của một số nhóm "thần đèn" |
Gì chứ cái khoản chịu chi để đám tang được xôm tụ, để người quá cố được vui, để gia đình được nở mày nở mặt với lời khen của thiên hạ rằng "đám tang hoành tráng khủng khiếp"… thì tang chủ chi tới bến. Biểu hiện qua việc tang chủ không chỉ vung tiền sắm áo quan được đóng từ danh mộc, xây huyệt mộ hoành tráng mà trong quá trình quàn xác người thân, lắm tang chủ tổ chức ăn uống, đờn hát inh ỏi, mời ca sĩ, mời phường chèo, mời các nhóm nhạc Tây lẫn ta về biểu diễn xôm tụ. Lắm gia đình còn thuê cả các nhóm ca sĩ pê-đê về múa sex, múa lửa, trình diễn bikini... cứ gọi là hoành tráng.
Không lâu trước hôm diễn ra đám tang có mấy thầy trò Đường Tăng đưa ma ở Bình Dương, người viết chứng kiến một đám ma ở quận Bình Thạnh TP HCM) mà sau các màn biểu diễn lố lăng theo phong cách tụt áo cởi quần khoe cơ thể chỉ còn mỗi bikini của ca sĩ pê-đê là màn biểu diễn xiếc tạp kỹ.
Cứ sau mỗi màn diễn thổi lửa, uốn dẻo, tung hứng… của nghệ sĩ đám tang thì thân nhân người chết và bà con lối xóm vỗ tay tán thưởng rần rần. Bầu không khí tang ma không hề có nước mắt khổ đau hay những lời ca ai oán mà ngập tràn âm nhạc, tiếng cười nói huyên thuyên.
Với người ở các tỉnh phía Bắc hay miền Trung nếu mục kích những đám tang kiểu vui vẻ ra trò như thế hẳn sẽ sốc và bất bình vì cho rằng thiếu tôn trọng người quá cố. Nhưng như một bộ phận dân cư ở một số tỉnh phía Nam lại có quan niệm khác về cái chết. Họ nghĩ lúc sinh thời đã đau khổ quá nhiều rồi, khi nhắm mắt xuôi tay là lúc người quá cố rũ sạch bụi trần gian, từ đây vĩnh viễn đoạn lìa với những lo âu, phiền muộn và biết bao đắng cay trong đời. Vậy tại sao không vui, mà phải thảm sầu, rầu rĩ?!
Vì nghĩ như thế nên đám ma ở một số địa phương, đặc biệt tại TP HCM và 1 số tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương đa phần diễn ra rất vui nhộn và rất lạ với các nhóm nhạc, ca sĩ pê-đê, các nhóm múa xiếc thi nhau biểu diễn từ khi người quá cố vừa trút hơi thở cuối cùng cho đến ngày di quan. Trong rất nhiều hình thái lạ liên quan đến đám ma như thế, kiểu nhờ thần đèn đưa ma diễn ra tại quận 9 cách đây mấy ngày thì hơi bị lạ!
2. Ông Nguyễn Văn M. qua đời vì bạo bệnh khi vừa bước qua tuổi 70. Thương cha cả đời lam lũ chưa được con cháu phụng dưỡng bao lâu đã quy tiên, sẵn có điều kiện nên các con ông M. quyết định tổ chức đám tang hoành tráng với điểm nhấn là mời các thần đèn đến đưa ma theo đúng nghi thức táng ma được ông V. chủ nhà đòn khẳng định đó là lễ nghi cổ xưa của người Sài Gòn-Gia Định.
Hợp đồng được xúc tiến từ trước khi cụ M. lâm chung. Và ngay khi cụ trút hơi thở cuối cùng, ông chủ nhà đòn đã gọi điện cho chị Đào, người cung ứng dịch vụ "thần đèn đưa ma" để chị này đưa quân tới… hầu xác. Quân của chị Đào là 4 đứa trẻ bé choắt với khuôn mặt được sơn phết rất đậm, chân đi giày nhung, đầu đội mũ miện đính châu ngọc có nguồn gốc từ nhựa tổng hợp, toàn thân khoác áo gấm với đủ sắc vàng đỏ rực rỡ như công chúa hoàng tử thường thấy trong các gánh chèo hay cải lương. 4 đứa trẻ lặng lẽ đứng chầu 4 góc chiếc áo quan nghe đâu trị giá cả trăm triệu đồng. "Đứng như vậy gọi là hầu ma" - ông Hoài, cháu bên nội của cụ M. giải thích.
Theo ông Hoài, 4 đứa trẻ đứng hầu linh cữu được gọi là "thần đèn". Hỏi vì sao lại mời "thần đèn" đến hầu ma, ông Hoài bảo để làm yên lòng và để linh hồn người quá cố được siêu thoát, mau về với chín suối.
Ông Hoài nói như thế vì chỉ biết như thế thôi, chứ còn chuyện 4 vị "thần đèn" gồm 2 trai 2 gái kia có vai trò như thế nào, chúng có quyền năng gì đặng giúp hồn ma sớm lên cõi tiên thì ông mù tịt: "Nói thực tôi không rõ lắm, chỉ biết đại để như vậy thôi vì việc này do các anh chị con cụ lo liệu" - ông Hoài, giải thích với bật mí: "Đứng như vầy gọi là hầu ma. Còn khi di quan gọi là… đưa ma".
Khi hầu ma, do quan tài đặt ở trong nhà nên 4 "thần đèn" đứng chầu ở 4 góc áo quan ít được mọi người biết. Đến giờ di quan, sau khi nâng cỗ quan tài lên vai, các âm công lần lượt nâng 4 đứa trẻ để đứng lên 4 góc của quan tài và khiêng như thế từ nhà ra đến ngoài đường Đỗ Xuân Hợp, nơi có đoàn xe tang đợi sẵn. Dù khu vực đứng cạnh áo quan rất nhỏ hẹp, lại chông chênh nhưng có lẽ do quá quen với kiểu công kênh như thế này nên 4 đứa trẻ trụ rất vững, và không tỏ vẻ sợ hãi.
Đoàn đưa tang chậm rãi rời nhà ra đường cái quan. Nhìn thấy 4 đứa trẻ đứng vắt vẻo trên 4 góc quan tài được chạm trổ công phu, nhiều người đi đường đứng nhìn chăm chú. Người bảo 4 đứa trẻ là hầu nhi, nô lệ vốn dĩ theo truyền thuyết rất được các hồn ma dòm ngó. Kẻ bảo đó là sứ giả của thần chết theo lệ xưa đến rước hồn ma về.
Dù mỗi người có mỗi kiểu giải thích khác nhau về 4 vị "thần đèn" nhưng cả thảy đều có điểm chung khi bảo rằng chỉ những nhà giàu có, rủng rỉnh tiền mới tổ chức đám tang cho người thân như vậy: "Chẳng phải thiên thần, hầu nhi, thần đèn gì đâu. Bây giờ có tiền nên người ta đẻ ra đủ kiểu bày vẽ này nọ chứ phong tục lâu nay đâu có thấy cái vụ cho trẻ em đu lên quan tài như vầy".
Mặc những lời bình phẩm này nọ của thiên hạ, mặc tiếng kèn, tiếng nhạc đám ma inh ỏi thi nhau cất những bài ca ai oái, mặc tiếng tụng kinh gõ mõ và ánh nhìn soi mói của hàng ngàn con mắt, 4 đứa trẻ hầu ma vẫn vắt vẻo trên quan tài. Chỉ đến khi quan tài được hạ xuống đưa vào xe tang thì chúng mới thôi việc đưa ma.
Trong lúc đoàn xe tang di chuyển đưa linh cữu người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi thấy 4 đứa trẻ được lần lượt thay đồ với gương mặt tô son trét phấn đậm loẹt vẫn giữ nguyên rồi leo lên xe máy do 2 người, một phụ nữ và một thanh niên chở đi nơi khác. Có vẻ như họ đang chạy "sô" đến đám ma nhà giàu nào đó cần có "thần đèn" hầu ma tiễn xác.
3. Có một điều lạ là dù chúng tôi cố tiếp cận nhưng có lẽ vì bận chạy sô hay vì nhiều lý do tế nhị nào khác mà dù rằng bọn trẻ rất thân thiện, vui vẻ nên người phụ nữ tên Đào chỉ cho biết ngắn gọn rằng 2 trong 4 đứa trẻ là con của mình và 2 đứa còn lại là cháu và con nhà hàng xóm: "Nghề này nó vậy, Sài Gòn có vài ba nhóm thôi, mỗi nhóm phải có đủ 4 đứa, không hơn không kém, thiếu 1 dư 1 cũng không được".
- Mấy đứa trẻ có được đi học không?
- Hỏi làm gì trời, không đi học sao biết chữ?!
Chúng tôi hỏi chuyện thu nhập và đặc thù nghề nghiệp làm "thần đèn" của bọn trẻ, chị Đào khéo léo chối từ. Sau này khi trao đổi về những đứa trẻ vào vai "thần đèn", ông Lê Sáu, chủ một cơ sở chuyên dịch vụ đám ma ở quận Thủ Đức tiết lộ, cát-sê cho bọn trẻ vào vai thần đèn như thế dao động từ 1 triệu đến vài ba triệu đồng, tùy hợp đồng thời gian hầu ma dài hay ngắn: "Thường thì chủ nhà đòn nắm trong tay danh sách các nhóm thần đèn. Khi khách có nhu cầu, họ sẽ ưu tiên gọi mối ruột của mình, tất nhiên khi gọi như thế, họ sẽ trả cho "bầu sô" của nhóm trẻ số tiền ít hơn con số mà họ làm dịch vụ với khách".
- Vì sao gọi bọn trẻ là "thần đèn"?
- Truyền thuyết nói rằng một người ngay khi chết, linh hồn của người đó sẽ phải đi qua cánh cửa địa ngục trong bóng tối dằng dặc. Lúc đó họ sẽ khó thoát khỏi thảm nạn bị quỷ dữ níu chân hành xác với các kiểu tra tấn vì những tội lỗi do họ từng làm trong quá khứ… Hồn của người chết chỉ thoát được kiếp nạn này nếu như được 4 vị thần đèn đưa đường dẫn lối đến thẳng miền cực lạc.
Liên lạc với một số chủ trại hòm khác, như ông Sáu, tôi không nhận được từ họ câu trả lời thỏa đáng rằng truyền thuyết "thần đèn" đưa ma kia bắt nguồn từ đâu, là tuồng tích của người Sài Gòn - Gia Định xưa hay của người Hoa sống lâu đời trên đất Sài Gòn-Gia Định.
Tôi hỏi ông Sáu về những đặc thù của nghề "thần đèn" đưa ma, ông bảo theo luật, bọn trẻ phải trong độ tuổi đồng nhi, nghĩa là dưới 10 tuổi. Và phải nhỏ gọn, nói chung là càng gầy càng tốt để đội khiêng ma đỡ vác nặng. Nếu đứa trẻ có khuôn mặt quai quái, kiểu như người đồng bóng thì đó là những ứng viên sáng giá: "Ngoài ra phải đảm bảo một điều là bọn trẻ không sợ xác chết, không sợ đám đông, không sợ độ cao, không sợ những tiếng khóc than ai oán…".
Còn rất nhiều điều quanh những nhóm trẻ hành nghề "thần đèn" chuyên việc hầu ma, đưa ma nhưng do những "bầu sô" của các "thần đèn" rất kín kẽ nên chúng tôi đành…
Ông Sáu tặc lưỡi bảo khi nào có cơ hội, nghĩa là có gia đình giàu có nào đó cần "thần đèn" soi đường dẫn lối cho linh hồn người thân thoát khỏi đám ngọa quỷ dưới cõi âm ty thì ông sẽ báo cho tôi biết để đến dự từ đầu đặng rõ hơn đặc thù nghề nghiệp quái lạ này của bọn trẻ: "Tôi biết sơ sơ rằng vì phải liên tục chạy sô nên có không ít "thần đèn" học hành dở dang. Và vì phải liên tục thức ngày thức đêm đưa ma, hầu ma, tiếp xúc trong môi trường đầy tử khí nên bọn trẻ suy nhược cả về thể xác lẫn tinh thần… Đó là chưa kể do phải ngày ngày bôi lên mặt những lớp phấn son rẻ tiền cho đẹp nên mới tí xíu tuổi đầu mà bọn trẻ bị hư da, nám mặt dữ thần lắm"
Theo N.Thành Dũng - CAND
Bình luận