Kỳ 2: Chuyện lạ về người tạo ra những cây nến khổng lồ
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao, một người nông dân ít học, sau một đêm thức dậy, lại biến thành một họa sĩ, nhà điêu khắc tài ba, để rồi dựng nên một ngôi chùa độc nhất vô nhị trên thế giới toàn bằng đất sét.
Cách nay 200 năm, khi vùng đồng bằng sông nước Cửu Long còn chìm trong rừng già rậm rạp, với cảnh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, có một đại gia đình họ Ngô, do ông Ngô Kim Tay đứng đầu, là người ngoài Bắc, dắt díu nhau vào khai phá.
Ngôi chùa kỳ lạ
Sống trong cảnh rừng rú, nguy hiểm, họ lập am thờ cúng, câu trời khấn Phật cứu độ. Đến đời ông Ngô Kim Đính thì cái am được mở rộng, tu sửa thành một cái chùa bằng tre, gỗ.
Năm 1909, ông Ngô Kim Đính sinh hạ được chàng trai Ngô Kim Tòng. Càng lớn, dáng người chàng càng mảnh khảnh, ốm yếu, nên chỉ học hết lớp 3 thì nghỉ.
Năm 1929, khi tròn 20 tuổi, Tòng rời gia đình vào một khu đất hoang dựng lều làm rẫy, quyết chỉ đổi đời.
Tuy nhiên, đời chưa đổi, mà Tòng đổ bệnh rất nặng. Gia đình đã đưa đi gặp đủ các thầy, song không biết bệnh gì, chữa cũng không khỏi.
Hết cách, gia đình chỉ còn biết khiêng về đặt trong ngôi chùa nhỏ của dòng họ rồi cầu trời khấn Phật.
Nằm trong chùa một đêm, sớm mai, ông đột nhiên bật dậy, khỏe mạnh như thường.
Ông quỳ lạy, chắp tay khấn Phật ban cho trí huệ và một bàn tay khéo léo, rồi phát nguyện sẽ toàn tâm theo Phật. Vậy là, ở tuổi 20, ông không lấy vợ, mà thành người của nhà Phật.
Từ đó, mỗi buổi sáng, sau khi công phu xong, ông Tòng lại đi về hướng Tây, cách chùa 1.000 thước, nơi đó có khu ruộng trũng, không có người trồng trọt, đào đất sét gánh về.
Sau khi phơi khô, ông cho đất vào cối và dùng chày giã nhuyễn, lọc bỏ cát và chất tạp, rồi từ trí tưởng tượng của mình mà tạo ra các hình tượng khác nhau.
Khi đó, ông Tòng mới ngoài 20 tuổi, học hết lớp 3 trường làng trong hoàn cảnh giặc Pháp đô hộ. Trình độ học vấn rất kém, không hiểu biết gì về mỹ thuật, song ông lại tạo nên được những tượng Phật, những hình khối, họa tiết vô cùng tinh xảo, huyền diệu toàn bằng đất sét.
Sản phẩm đất sét mà ông tạo ra rừ cách nay 80 năm hiện vẫn còn nguyên vẹn.
Theo ông Ngô Minh Hiệp, 60 tuổi, con trai ông Ngô Minh Giảng, cháu ông Tòng, rất nhiều nhà khảo cổ học ở Hà Nội đã vào chùa nghiên cứu, song họ cũng đều lắc đầu trong việc tìm lời giải thích trước những pho tuyệt tác được nặn từ đất sét.
Trong số hàng vạn ngôi tượng, chi tiết, thì đặc biệt và lạ lùng nhất là Tháp đa bảo 13 tầng, mỗi tầng 16 cửa, được đắp năm 1939.
Toàn thân tháp có 208 cửa với 208 vị Phật và 156 tượng rồng đỡ từng mái tháp. Phần dưới chân tháp thờ Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh, tượng trưng cho ngọc xá lợi của Phật. Cạnh Tháp Đa Bảo có Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận. Bảo tòa có một tòa sen gồm 1.000 cánh tay sen và trong lòng 1.000 cánh tay sen lại có 1.000 vị phật ngồi tọa thiền.
Nhìn cái tòa tháp và tòa sen này, người ta phải nghĩ rằng, đây là công trình của một nhà nặn tượng, nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới, chứ không phải của một người mới chỉ học hết lớp 3 trường làng, không hiểu biết gì về nghệ thuật.
Lạ lùng không kém là 24 cây cột đất sét lớn, với hình ảnh rồng bay phượng múa cực kỳ tinh tế.
Những người hiểu về tạo hình, đặc biệt là các nhà nặn tượng chuyên nghiệp đều không hiểu làm sao đất sét lại có thể tạo ra những nét tinh vi nhỏ như sợi râu, sợi tóc đó được, và điều kỳ lạ là gần thế kỷ qua, nó không nứt nẻ, rụng rơi bởi thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu ngôi chùa đều đánh giá cao nhất cây đèn được gọi là Lục Long Đăng. Lục Long khổng lồ bằng đất sét treo lủng lẳng trên trần nhà ở trung tâm ngôi chùa.
Cây đèn này là tác phẩm cuối đời của ông Ngô Kim Tòng. Sau khi hoàn thành cây đèn, ông lâm trọng bệnh rồi mất.
Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ.
Thân rồng hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, lại có sức nặng như thế, vậy mà treo trên mái chùa mấy chục năm nay, vẫn không hề bị biến đổi gì.
Đúc nến bằng… tôn lợp mái nhà
Tuy nhiên, những người trong gia đình ông Tòng, cũng như con cháu sau này đều không giải thích nổi chuyện ông Tòng lấy đâu ra tiền để mua một lúc mấy tấn sáp nến dựng nên những cây nến khổng lồ này, dù ông không có vợ con và cũng chẳng làm gì khác ngoài việc nặn tượng.
Để đổ được 8 cây nến, ông Ngô Kim Tòng đã phải mua sáp nguyên chất từ Sài Gòn về, nấu chảy ra rồi mới đúc nến.
Do các cây nến này có kích thước quá to, không có khuôn nào đúc được, nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn đúc. Chính vì vậy, khi dỡ bỏ khuôn, các cây nến mới có hình dợn sóng của các tấm tôn.
Để đúc thành công một cây nến, ông Tòng phải kiên trì làm việc suốt mấy tháng trời.
Mỗi ngày, ông chỉ nấu vài cân sáp, rồi đổ vào khuôn, chờ sáp khô lại đổ tiếp, đến khi nào đầy khuôn thì thôi.
Trước khi viên tịch, ngày 18-7-1970, ông Tòng dặn mọi người trong họ rằng, khi nào có “lệnh” của Phật thì hãy thắp hai ngọn nến đầu tiên.
Nhưng con cháu tin rằng ông Ngô Kim Tòng chính là Phật giáng thế, chứ thế gian này đâu có người thứ hai kỳ lạ như ông, nên ngay khi ông mất, dòng họ đã thắp hai ngọn nến đầu tiên.
Ông đã về trời 46 năm nay, nhưng hai ngọn nến nhỏ nhất vẫn cháy chưa hết. Và một điều kỳ lạ nữa, đó là suốt 46 năm nay, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt vì bất cứ nguyên nhân gì, cho dù, đã có lúc, giông bão thổi bay cả mái chùa, nước ngập trong lòng chùa đến đầu gối.
Phong Bình
Bình luận