Những ngày công tác tại xã Trạm Tấu vào bất cứ một gia đình nào, chúng tôi cũng dễ dàng gặp những người phụ nữ mới ở tuổi băm mà đã rụng hết cả răng.
Bản Mo Nhang cũng bị liệt vào danh sách “bản móm”. Gặp ông Giàng A Lềnh, Trưởng bản, hỏi về chuyện này, ông không giấu giếm: “Buồn lắm nhà báo à. Chị em ở đây bị đánh cắp mất nụ cười cả rồi. Không tin nhà báo cùng tôi đi thăm vài hộ gia đình nơi đây khắc biết…”.
Khốn khổ với… “hàng tiền đạo”
Khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa gặp anh Mùa A Thảo hàng xóm của trưởng bản sang chơi. Anh Thảo tưởng chúng tôi là cán bộ y tế đến khám bệnh cho bà con, anh mừng như bắt được vàng. “Có cán bộ lên thì tốt rồi. Anh giúp vợ em với nhé. Bao năm nay, vợ em phải ăn cháo suốt, khổ lắm!” - Thảo nói.
Thảo quyết tâm mời bằng được chúng tôi lên thăm nhà. Vượt qua mấy con dốc lởm chởm đá hộc, mệt bở hơi tai, chúng tôi mới lên đến nhà Thảo. Thấy có khách đến chơi, vợ Thảo là chị Trang Thị La ra tận cửa đón.
Chưa kịp ngồi ấm chỗ, Thảo đã bảo vợ cười thử một cái xem sao. La ngượng ngùng nhìn khách lạ, xấu hổ chạy vào buồng trong. Thảo giải thích: “Đấy anh xem, vì chẳng còn cái răng nào nên vợ em rất ngại tiếp xúc với người lạ. Từ ngày cô ấy rụng răng, em thấy vợ em ít cười hẳn đi…”.
Thương vợ, năm ngoái Thảo đã quyết định bán nửa tấn ngô đi để có tiền đưa vợ xuống thị xã Nghĩa Lộ trồng răng giả. Cố lắm, Thảo cũng chỉ đủ tiền cho vợ trồng 4 cái răng. “Chỗ nào hay hở thì trồng, chứ trồng hết cả 2 hàm có bán nhà đi cũng không đủ tiền anh à”, Thảo buồn rầu nói.
Nhà Thảo còn nghèo lắm. Cuộc sống của gia đình trông cả vào 2 ha ngô. Vụ nào mưa thuận, gió hòa mới đủ ăn. Vụ nào ông trời “dở chứng” cả nhà phải ăn độn mấy tháng trời. Khổ nhất là La vợ của Thảo, ăn mèn mén không nhai được. La kêu đau lợi suốt. Giá ngô thì rẻ, nếu mang ngô đổi gạo thì nhà không đủ ăn.
Vợ của Thảo trồng được 4 cái răng giả vẫn còn sướng chán so với những người phụ nữ khác ở trong bản. Ở cái bản Mo Nhang này có mấy người dám bỏ tiền đi làm đẹp cho vợ đâu. Trăm sự cũng tại cái nghèo. Bản vẫn còn trên 80% hộ nghèo. Nói như trưởng bản Lềnh, đó là cái cản trở duy nhất khiến chị em nơi đây không có đủ tiền đi trồng răng giả.
Ngay cả những người đã được chồng mạnh dạn bán vài tạ ngô để có tiền trồng răng giả cho vợ cũng không sung sướng gì. Trồng răng được 1-2 năm nó lại khiến các chị đau buốt lợi. Do vậy, nhiều người đã tháo răng giả vứt đi, đành ngậm ngùi bị móm còn hơn là bị cái thứ bằng sứ đó vướng víu trong miệng.
Vì sao phụ nữ nơi đây bị rụng răng nhiều đến thế, các bậc trưởng bản nơi đây đều không tìm ra được câu trả lời. Ông Lềnh bảo, bao đời nay người Mông đã định cư ở cái mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi này”. Bản Mo Nhang bị bao bọc bởi bốn bề là núi đá cao và dốc. Cây ngô, cây lúa cũng len vào khe đá mà lên.
Nước ăn của người dân cũng lấy từ khe đá mà ra. Phụ nữ trước đây cũng bị rụng răng nhưng phải ngoài 50 mới có triệu chứng này. Không hiểu tại sao lớp phụ nữ trung tuổi ở Mo Nhang lại bị nhiều đến thế. Trưởng bản nghi có thể là do nguồn nước. Tuy nhiên bao đời nay bà con sống ở đây có bị đâu. Đặc biệt hơn cả là chỉ có phụ nữ, chứ nam giới ở đây không hề bị mắc bệnh này.
Chính quyền không biết dân mình từ lâu không còn… “bộ nhá”
Mang những nỗi buồn và tiếng thở dài của các sơn nữ, chúng tôi hỏi các cán bộ của xã Trạm Tấu về vấn đề này, họ đều tỏ ra bất ngờ. Ông Giàng A Chư, Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu ậm ừ và tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi đến vấn đề đó.
Ông bảo, ông sống ở đây từ thuở lọt lòng có bao giờ nghe thấy thông tin đó đâu. Ông Chư cố gắng suy nghĩ, đưa tay lên trán vô vỗ và nói tiếp, hình như tôi chỉ nghe có 1-2 trường hợp ở bản Tấu Dưới bị thì phải.
Ông Chư còn khẳng định: “Nếu có việc đó chính quyền xã phải biết chứ. Ai để kéo dài như các anh phản ánh đâu”.
Không riêng gì ông Chư, ngay cả những cán bộ khác trong xã cũng vậy. Gặp chị Thào Thị Dở, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trạm Tấu, người gắn bó gần nhất với chị em phụ nữ, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung, dường như là có. Con số cụ thể bao nhiêu, những người bị mắc hội chứng rụng răng này nằm ở bản nào, chị Dở không nắm được.
Dường như việc phụ nữ rụng răng đối với họ là việc quá bình thường. “Tôi cũng bị rụng mấy cái đây, nhưng trồng răng giả lại rồi… Chị em trong bản cũng có một số người bị, hình như là không nhiều”, chị Dở cho biết.
Chúng tôi xuống Trạm Y tế xã, hy vọng mình sẽ tìm kiếm được một nguyên do nào đấy về “con ma” khiến chị em phụ nữ xã bị móm hàng loạt này.
Bà Nguyễn Thị Mai Phượng, Trạm Trưởng Y tế xã cũng tỏ ra bất ngờ. Từ ngày làm công việc chăm sóc sức khỏe cho bà con đến giờ, chị chưa từng nghe ai phản ánh về hiện tượng này. Ngay cả bản thân cán bộ y tế cũng không phát hiện thấy dấu hiệu bất thường về tình hình sức khỏe của bà con nơi đây.
Bà Phượng còn bảo, ở đây phụ nữ thường ít đánh răng, có thể vì việc đó mà họ bị rụng răng sớm chăng. Hơn nữa, thỉnh thoảng có người xuống xã xin thuốc là xã cấp, chứ chưa ai kêu đau răng hay nhức răng xuống trạm y tế khám cả.
Việc các lãnh đạo xã không nắm được chuyện hàng loạt chị em rụng răng đã giải thích vì sao tình trạng phụ nữ bị móm trước tuổi diễn ra từ nhiều năm nay, không được để ý tới. Và chưa cơ quan y tế nào vào cuộc nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân.
Nhớ lại lúc lên nhà trưởng bản Tấu Trên, ông Lềnh tâm sự rất thật rằng, người dân nơi đây từ sáng đến tối làm quần quật trên nương, trên rẫy vẫn không đủ ăn thì làm sao nghĩ đến việc giữ được sức khỏe cho mình. Chỉ đến khi mùa màng rảnh rỗi, anh chồng nào hào phóng cho vợ đôi triệu xuống thị xã Nghĩa Lộ trồng răng giả là ổn lắm rồi. Dường như bà con cũng quen với việc đến tuổi đó là rụng mất răng rồi.
Chúng tôi rời Trạm Tấu trong một chiều mưa xối xả. Từ những đỉnh dốc núi đá xa mờ về bản, nhiều phụ nữ người Mông đang cặm cụi, nhẫn nại gùi ngô về bản. Cuộc sống của họ còn vô vàn khó khăn, gian khổ giờ lại chịu chung một nỗi đau là bị đánh mất nụ cười.
Thiết nghĩ việc tìm ra nguyên nhân và cách phòng tránh căn bệnh lạ khiến phụ nữ bị móm hàng loạt là rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, sớm ngày nào là phụ nữ nơi đây được nhờ ngày đó.
Bình luận