• Zalo

Chuyện lạ ở xứ Chà Là: Bị bạn cướp vợ, ‘cưa’ vợ bạn ‘phục thù’

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 15/08/2014 09:45:00 +07:00Google News

Cay cú vì bị bạn tri kỷ cướp vợ, anh chồng ở nhà "hốt" luôn người vợ của bạn để "ăn miếng trả miếng".

Cay cú vì bị bạn tri kỷ cướp vợ, anh chồng ở nhà "hốt" luôn người vợ của bạn để "ăn miếng trả miếng".


Cuộc tình oái oăm này xuất phát từ niềm khao khát "của lạ" từ phía người đàn ông đã có vợ, và thói lẳng lơ, đong đẩy từ người đàn bà đã có chồng con đề huề. Bẽ bàng thay, họ sẵn sàng rũ bỏ chồng, vợ, con để chạy theo nhục dục tình ái.

Cay cú vì bị bạn tri kỷ cướp vợ, anh chồng ở nhà "hốt" luôn người vợ của bạn để "ăn miếng trả miếng". Người dân vùng sông nước Chà Là (Trần Phán - Đầm Dơi - Cà Mau) vẫn rôm rả đàm tiếu về cặp vợ chồng lấy nhau nhờ hoán đổi, như là "đặc sản" độc đáo của địa phương.

Trai đa tình, gái lẳng lơ

Hùng bây giờ đã quên chuyện cũ, anh đang rất hài lòng với người vợ bây giờ. 
Gái Chà Là đẹp lắm! Họ giỏi giang buôn bán, tháo vát trong nếp sống gia đình nhưng được cái này thì lại hụt cái kia, trên đời tìm đâu ra sự hoàn mỹ. Gái Chà Là lận đận chuyện tình duyên, không hai chuyến đò thì cũng thành bà cô ế chỏng ế chơ.


Ông Lý Vĩnh Diễn (67 tuổi), người gốc Chà Là đã thốt lên như thế. Và không chỉ có gái, mà trai Chà Là cũng thuộc hàng "vai năm tấc rộng thân mười thước cao". Vì vậy mà con trai ở đây, cũng "buôn duyên" (nhiều người yêu) dữ dằn.

Cho đến nay, cả vùng sông nước Chà Là vẫn bàn tán râm ran về hai đôi vợ chồng hoán đổi cho nhau. Duyên tình vụng trộm, dắt nhau cùng bỏ trốn, người ở lại, hoán than, hận thù quyết lấy bằng được vợ người kia để… "ăn miếng trả miếng".

Ông Diễn vẽ đường cho chúng tôi đi, chứ dứt khoát không chịu dẫn tới nhà một trong hai cặp vợ chồng lấy nhau nhờ "hoán đổi". Tìm nhà người "nổi tiếng" ở xứ này không phải việc khó, nên chúng tôi dễ dàng gặp được Lê Văn Hùng (sinh năm 1974).

Hùng cao ráo, điển trai, dáng phong trần của đàn ông lực điền. Hiện giờ, Hùng tươi tỉnh, rạng rỡ chứ không héo hon, buồn tủi như mấy năm trước. Là bởi, anh đã "tậu" được cô vợ ưng ý, mặc dù chuyện "tậu" vợ của Hùng khiến người nghe cười ra nước mắt.

Phong thái Hùng thư thả, chứ không có vẻ lam lũ cơ cực như cánh lực điền ngoài bến sông chúng tôi đi qua. Hùng cũng tâm sự thật, rằng kinh tế gia đình anh không đến nỗi nào. Giàu thì không dám nói nhưng chưa bao giờ phải chật vật lo cái ăn. Là con út nên từ nhỏ, Hùng được cha mẹ cưng chiều hết mực.

Được dựa lưng vào "cái cột" vững chãi, Hùng có nhiều thời gian đi giao du bạn bè, quen biết nhiều con gái xinh đẹp trong vùng. Lê Thị Thu Hương (sinh năm 1978), xuất hiện được cánh trai miệt vườn ví như "chim sa cá lặn". Tất nhiên, nhiều chàng trai thập thò, ước ao được lấy Hương làm vợ, trong đó có Hùng. Và Hương đã dừng lại với Hùng, bật đèn xanh cho anh "lao vào".

Ông Út, cha Hùng cũng bớt lo âu về chuyện tình duyên của con trai. 
Nhớ lại cuộc tình ấy, Hùng bảo: "Nhìn thấy tôi và Hương yêu nhau, nhiều người mê lắm, ngỡ đó là sự môn đăng hộ đối tuyệt vời nhất. Hương là cô gái ngoan, ít điều tiếng nên gia đình tôi đồng ý ngay". Năm 1996, một đám cưới long trọng diễn ra, hai dòng họ được phen nở mày nở mặt với nhau.


Về làm dâu, Hương bộc lộ tố chất là người vợ đảm đang, có hiếu với cha mẹ. Một năm sau, Hương sinh hạ bé trai nối dõi tông đường. Đoạn đường gia trạch coi như viên mãn đủ điều, hai bên thông gia cứ lấp lánh hạnh phúc.

Còn Hùng, từ ngày lấy được vợ xinh, lại được cậu con trai kháu khỉnh, anh chẳng còn gì lo nghĩ nữa. Hùng lao vào những cuộc nhậu, cà kê dê ngỗng tối ngày. Nhậu ngà say, Hùng vùi đầu vào trò đỏ đen đến quên lối về. Tại đây, anh quen Trần Văn Tân (sinh năm 1976), người bạn từ Long Xuyên (An Giang) lên Chà Là lập nghiệp.

Cả hai bù khú trong quán nhậu, hợp tính nhau nên chẳng mấy chốc đã trở thành một cặp "bài trùng" trong chốn ăn chơi. Cuộc nhậu nào không có Hùng, là Tân lại hú hét lên, phải đi tìm cho bằng được và ngược lại Hùng đi chơi chỗ nào mà thiếu Tân coi như cuộc chơi ấy chẳng vui vẻ chút nào. Gặp được bạn hiền là Hùng, lại thấy gái Chà Là đẹp quá, nên Tân có ý định dừng chân ở nơi này.

Trong những cuộc nhậu, Hùng thường tâm sự với Tân về vợ mình, về chuyện gia đình, con cái. Chuyện vợ chồng giận hờn cãi vã lẫn nhau, Hùng đều đem ra "trút" hết cho Tân. Nghe Hùng kể về vợ mình, lại nghe cánh trai làng kháo nhau về vẻ đẹp của cô vợ ấy, trong lòng Tân bất chợt dội lên đợt sóng tò mò, hào hứng. Đôi lần ghé nhà bạn, Tân gặp Hương. "Gái một con trông mòn con mắt", khiến Tân thầm ao ước sẽ lấy được cô vợ như vợ bạn.

Tân lấy vợ Chà Là, một cô gái sông quê chính hiệu, nhưng không hiểu sao Tân vẫn có một sự so sánh khập khiễng giữa vợ mình với vợ bạn. Suy nghĩ ấy nhiều khi làm Tân ghét vợ, đêm ngày mơ mộng người khác. Vợ Hùng sinh thêm cậu con trai nữa, trong khi vợ Tân cũng hạ sinh một bé gái. Cuộc sống gia đình hai người bạn Hùng, Tân coi như yên ổn, giờ chỉ lo làm ăn nuôi con cái khôn lớn. Thì, sự việc bắt đầu từ ngày Hương "tái xuất giang hồ".

Vì làm dâu gia đình khá giả, nên Hương chỉ việc ở nhà nội trợ và nuôi con. Suốt ngày ở trong xó nhà, Hương ngán ngẩm. Con cái đã cứng cáp, Hương để ở nhà cho ông bà nội trông, Hương theo Hùng đến các sòng tổ tôm, đánh bài tiến lên để giải trí. Có nhiều cơ hội chạm mắt Hương, Tân đã rơi vào ma trận tình ái.

Vẻ đẹp của Hương, thân hình Hương cứ rực lửa trong mắt Tân. Tân đâm ra chán vợ mình. Hương đáp lại Tân bằng ánh mắt đong đưa, khêu gợi không kém. Chỉ chờ có thế, cả hai nhanh chóng lao vào nhau, như con thiêu thân.

Bẵng đi một thời gian vụng trộm, mặc dù đã "chùi mép" rất sạch nhưng "cái kim trong bọc" lâu ngày cũng lòi ra. Hương ê chề, nhục nhã khi bị nhà chồng vạch mặt. Hùng biết chuyện đã nổi cơn tam bành, đau đớn nhất lại là Tân, người bạn tri kỉ nhất của anh. Hùng quyết định ly hôn để trừng phạt cô vợ đã cả gan "cắm sừng" mình.

Hùng tâm sự: "Giá như người đàn ông ấy không phải là Tân, có lẽ tôi đã tha thứ cho vợ. Tân hổ thẹn với vợ, cảm giác tội lội với tôi, Tân lặng lẽ bỏ xứ ra đi, kéo Hương cùng. Dường như đây là cách lựa chọn duy nhất có thể. Hai người bỏ lại một chồng, một vợ quằn quại đau khổ và ba đứa con miệng còn đầy hơi sữa".

"Rổ rá cạp lại"

Vợ Tân, Võ Thị Như (sinh năm 1979) chẳng biết gì, cho đến một ngày vỡ lở. Như ôm con chết điếng ở nhà. Nỗi căm giận của người đàn bà vùng lên, muốn băm bổ tình địch, nhưng khi gặp Hùng, đồng cảm với anh, Như câm lặng cam chịu.

Hùng nhớ lại: "Tôi nói với Như, cả hai chúng ta đều là nạn nhân nhưng một phần do lỗi của chúng ta. Tôi không quan tâm đến vợ, tôi bỏ bê vợ con để lao vào ăn chơi bù khú, còn cô thì quá an phận, cô không biết chồng mình đi đâu về đâu, yêu ai ở bên ngoài. Tôi còn hai đứa con nhỏ, tôi không biết sẽ chăm sóc chúng thế nào đây".

Giận người đàn bà phụ bạc bao nhiêu, anh lại giận người bạn thân bấy nhiêu. Khi nhìn hai thằng con trai ngơ ngác đòi mẹ, Hùng muốn giày nát đôi "mèo mả gà đồng" kia. Những lúc như thế, Hùng lại nghĩ đến Như, người đàn bà cam chịu.

Gia đình Hùng làm nghề buôn bán nên kinh tế tương đối khá giả 

Một lần "chén tạc chén thù" với mấy người bạn nhậu, Hùng được ông bạn an ủi: "Mày không phải suy nghĩ về hai đứa phản bội kia. Nó thương vợ mày thì mày thương vợ nó. Vậy là huề cả làng". Hùng giãy nảy lên: "Mấy ông điên rồi à, làm vậy có mà loạn lên, ai coi cho được". Nhưng đêm về nằm ôm hai thằng con, Hùng chợt lặng đi, suy nghĩ mãi vẫn không gỡ được nút thắt trong tình cảnh này.

Nghĩ đến Như, Hùng cám cảnh cho mẹ con cô ấy. Tân là lao động chính, giờ Tân bỏ đi thì mẹ con Như chỉ có cạp đất mà ăn thôi. Như đang thiếu thốn đủ thứ, Như cần một bàn tay chia sẻ và giúp sức. Cô ấy không đẹp bằng Hương, cả đời cam phận gái ngoan, chồng phản bội cũng chỉ biết khóc than.

Càng nghĩ, Hùng càng thương Như nhiều hơn. Nhà chỉ cách nhau vài khóm đước, hằng ngày đụng mặt nhau càng khiến Hùng nhen lên đốm lửa vớt vát hạnh phúc với Như.

Hùng kể chuyện về mình, có phần e dè, dường như anh vẫn sợ một điều gì đó mà không dám nói ra. Tuy nhiên, Hùng đã tâm sự một câu rất thật lòng: "Lúc đầu tôi lấy Như chỉ là lòng thương hại, có một chút thù hận với Tân. Lấy Như để trả thù người bạn đã cướp vợ mình. Còn bây giờ đã hết suy nghĩ ấy rồi. Tôi thương Như thật lòng".

Tháng 9 mùa nước lên xứ Chà Là, mưa giăng trắng xóa đất trời, Hùng đã mạnh dạn chui vào căn nhà lá của Như, hai mẹ con cô đang sưởi ấm cho nhau. Hùng nói hết những lời ruột gan với Như: "Chúng ta đều là kẻ cô đơn, lỡ làng tình duyên. Tôi muốn đưa hai mẹ con em về, chúng mình cùng chăm sóc các con của nhau". Thương Hùng "gà trống nuôi con", thương Hùng bị chồng mình cướp mất vợ, Như đã gật đầu.

Tháng 10/2009, một đám cưới nhỏ bé, không mâm cao cỗ đầy, chuyến đò lần thứ hai của hai con người chung cảnh ngộ. Hàng xóm tới chia vui, không có nhiều tiếng cười, chỉ những lời an ủi. Ông Út (cha Hùng) cho biết: "Từ ngày lấy Như, Hùng ít chơi bời hơn, cũng không tham gia các ổ đỏ đen nữa. Cũng mừng vì nó biết tu chí làm ăn, giờ con chúng nó thân già này nuôi hết chứ ai".

Ông Trần Hoàng Là, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Chà Là cho biết:

"Chuyện đổi vợ, chồng giữa hai người bạn Hùng và Tân là có thật. Sau đó, anh Hùng đã ly hôn rồi, nên có quyền lấy thêm vợ nữa. Oái oăm ở đây là họ lấy vợ, chồng lẫn nhau, giống như kiểu hoán đổi.

Ngoài ra ở Chà Là còn có rất nhiều cô cậu sớm tan vỡ hạnh phúc, nguyên nhân là do họ đến với nhau quá vội vàng, phần lớn tuổi đời còn khá trẻ nên về sống chung dễ xảy ra bất đồng. Những cuộc hôn nhân chóng vánh bao giờ cũng để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đây là một vấn nạn cảnh báo về lối sống nông nổi, thực dụng của lớp trẻ bây giờ".


Theo Ngọc Thiện - Hải Yến (CAND)
Bình luận
vtcnews.vn