Chuẩn bị hậu sự
Tuy đã bước sang tuổi 79 nhưng ông Nguyễn Văn Mừng (số nhà 12/9 đường Tăng Bạt Hổ, Vạn Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn khỏe mạnh bởi ông thường xuyên thể dục. Như thường lệ, sáng ngày 17-2 ông cùng một số người bạn già trong phường đi ra biển hóng gió và tập dưỡng sinh.
Đến trưa, về nhà ông bỗng nhiên thấy mệt và khát nước nên đã uống một lon nước tăng lực. Sau khi uống, ông Mừng cảm thấy buồn nôn và loạng choạng. Tiếp đó, ông ngất xỉu tại giường.
“Thấy cha ngất xỉu chúng tôi rất lo lắng cứ tưởng cụ đột quỵ nhưng nghĩ lại cụ không có tiền sử bệnh huyết áp cao nên càng hoang mang. Ngay trong buổi trưa đó, gia đình chúng tôi đã đưa cha đến bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.
Sau một hồi thăm khám, bác sĩ cho cha tôi vào điều trị tại Khoa Tổng hợp. Khi đó, gia đình tôi nghĩ cha tôi sẽ qua khỏi. Thế nhưng, đột nhiên, sáng sớm ngày 18-2, các bác sỹ thông báo ông cha tôi đã chết lâm sàng, không thể qua khỏi ngay trong tối ấy và khuyên gia đình nên đưa về lo hậu sự”, anh Nguyễn Văn Hoàng, con trai ông Mừng bồi hồi kể lại.
Ông Mừng ăn uống khỏe mạnh bình thường và hồi phục nhanh |
Nha Trang thời tiết thất thường, các con ông Mừng nhiều người lại công tác xa nên vợ chồng anh Hoàng đôn đáo lo hậu sự.
Bà Cao Thị Thanh Hòa (75 tuổi, vợ ông Mừng) giãi bày: “Khổ quá, bác sĩ khăng khăng chuẩn đoán chết ngay trong ngày 18 nên tôi cuống lên, lo đánh điện cho các con ở xa tức tốc về ngay, đứa nào cũng đau buồn, chạy ra sân bay mua vé hết cả rồi. Tôi cũng phát ốm cả lên khi đôn đáo lo lắng. Vợ chồng thằng Hoàng thì đi mua quan tài và thuê người dựng rạp, thậm chí đội kèn trống cũng đã được thuê rồi”.
Từ khi nhận phán quyết chồng mình đã chết lâm sàng bà Hòa như ngồi trên đống lửa. Bà khóc sướt mướt từ bệnh viện về nhà.
Bà Nguyễn Thị Thắng, hàng xóm bà Hòa kể: “Gia đình chị Hòa thường ngày sống rất hòa thuận và thương chồng. Ông Mừng lại rất được khu phố kính mến, sức khỏe của ông ấy thường ngày dẻo dai nên khi nghe tin này ai cũng buồn. Lúc thấy bà Hòa thương chồng cứ ngất lên, ngất xuống, ai cũng lo lắng và khuyên bà bình tĩnh. Thế nhưng làm sao mà bình tĩnh được khi tờ giấy “phán” không còn khả năng cứu chữa cứ lơ lửng nơi đầu giường”.
Điều trị và tham gia hội chẩn cho ông Nguyễn Văn Mừng là một bác sĩ giỏi của bệnh viện nên gia đình càng buồn bã hơn. Tin cha mình đang nằm bên miệng lưỡi hái tử thần cứ quặn thắt trong tim mỗi người.
Vợ chồng ông Mừng và vợ chồng con trai vui mừng khi ông Mừng bỗng nhiên hồi sinh trở lại |
Bà Hòa cũng cho biết, ngay trong ngày hôm đó, bà cũng đã lên chùa cầu nguyện và xin chùa tụng kinh. Thậm chí, khăn tang bà cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.
Bất ngờ sống lại
Tuy đau buồn nhưng gia đình ông Mừng vẫn phấp phỏm hi vọng bởi đã qua đêm 18 nhưng ông Mừng không chết như chẩn đoán của bác sĩ. Không những thế, thần sắc ông cũng không nhợt nhạt như trước, ngược lại còn hồng hào như bình thường.
Hơn nữa, mạch tay, mạch chân của ông Mừng vẫn đập đều đều. Ông Nguyễn Toàn, bạn ông Mừng chia sẻ: “Nếu chết lâm sàng thì tay chân phải lạnh lẽo chứ đâu ấm nóng như ông Mừng được, hơn nữa người sắp chết thần sắc sẽ xuống rất nhanh. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người bị chết lâm sàng nên thấy ông Mừng rất khác. Tuy nhiên, nhìn vào chuẩn đoán của bác sĩ tôi vẫn thấy rất hoang mang”.
Chiều 19-2, chọn xong giờ tốt, khi con cháu đã hộc tốc tập trung về đông đủ, gia đình ông Mừng bàn thử rút ống thở ôxi ra xem ông thế nào. Thật lạ, khi vừa rút ống ra thì ông Mừng đưa tay vẫy người nhà lại.
“Cứ ngỡ như là một giấc mơ vậy, vừa rút ông thở ra thì cha tôi cử động toàn thân, vung tay chân rất khỏe khoắn, ông nhoản miệng cười. Sau đó ông chỉ vào ống thở, ra hiệu dẹp nó đi. Sau đó mấy anh em tôi đỡ ông cụ ngồi dậy thì ông nôn ra một lượng đờm lớn và nói chuyện bình thường”.
Tưởng ông Mừng hồi tỉnh trong giây lát rồi ra đi vĩnh viễn như nhiều trường hợp vẫn thường xảy ra như vậy nên ai cũng hốt hoảng. Tuy nhiên, ông Mừng bước ra sân đi lại bình thường và nói lớn rằng: “Tôi không sao, trong người đã khỏe mạnh bình thường, không còn cảm thấy nôn nao như hôm trước nữa”.
Thấy nhà dựng rạp và cờ tang, ông Mừng ngạc nhiên hỏi: “Sao lại chuẩn bị những thứ này, chuẩn bị cho ai, tôi chỉ bị mệt một chút và bất tỉnh sao lại làm um lên thế!?”. Đến lúc này, cả gia đình ông Mừng mới tin sự hồi sinh của ông là sự thật.
Như để chứng minh mình chẳng hề có vấn đề gì nguy kịch và ốm yếu, ông Mừng còn co tay, lên cơ và rảo bước quanh sân một vòng cho mọi người cùng xem. Sau đó ông vào bàn ngồi uống nước và kể chuyện với hàng xóm một cách rất tỉnh táo trước sự ngạc nhiên của hàng chục người.
Bà Hòa xúc động kể: “Thấy tôi khóc nức nở ông ấy còn bảo, tôi đang sống sờ sờ khỏe mạnh như thế này sao bà khóc, chỉ ngất xỉu mà chuẩn đoán chết à, còn lâu mới chết. Sau khi ông ấy nắm tay, nắm chân tôi khỏe khoắn thì tôi hoàn toàn tin ông ấy đã từ cõi chết trở về”.
Trong niềm vui khôn xiết của gia đình, ngay trong chiều ngày 19, ông Mừng có thể ăn cơm bình thường, ăn khỏe hơn cả trước lúc bị ngất xỉu. Hơn nữa, lâu ngày gặp con cái ở xa về ông ngồi tâm sự cả buổi nhưng vẫn không biết mệt. Con dâu ông Mừng không giấu được niềm vui: “Đúng là trường hợp này tôi chưa từng thấy bao giờ cả. Vậy là tất cả anh em, họ hàng được một phen thót tim”.
Sự kỳ diệu của số phận hay tại bác sĩ nhầm?
Tiếp xúc với chúng tôi sau mấy ngày “từ cõi chết trở về”, ông Mừng cho biết: “Tôi cảm thấy trong người tiến triển rất tốt, ngày càng khỏe hơn. Không còn thấy chỗ nào trong người nặng nề và khó thở như trước nữa. So với khi mới tỉnh lại thì hôm này tiến triển hơn nhiều. Tôi có thể đã đi tập thể dục bình thường như trước chứ không cần phải nằm nghỉ ngơi nữa đâu.
Bản thân tôi cũng bị yếu tim nhiều năm nay tuy nhiên ốm nặng và đột quỵ thì chưa bao giờ bị cả. Tôi rất bất ngờ khi biết bác sĩ chuẩn đoán mình bị chết lâm sàng. Não tôi giờ đây cũng hoàn toàn bình thường, thậm chí rất tỉnh”.
Không chỉ ông Mừng mà tất cả các thành viên trong gia đình ông đều vui mừng khôn xiết khi thấy người thân mình không hề hấn gì. Tuy vui nhưng bà Hòa, vợ ông Mừng nhìn những thứ đã thuê về để lo hậu sự cũng có chút ngậm ngùi, bà tâm sự: “Nhà cũng đang khó khăn, bỏ tiền thuê phông rạp, mua khăn tang đủ thứ, giờ đành bỏ đi. Hơn nữa, con cái, người thân phải bỏ hết công việc về đây, giờ lại phải ra đi cũng tốn kém không ít.
Mong rằng các bác sĩ sẽ không còn để xảy ra những trường hợp dở khóc dở cười khi chuẩn đoán sai như thế này nữa. Nếu tôi mà không được nhiều người động viên kịp thời có lẽ cũng đã đột quỵ vì đau buồn khi tiếp nhận chuẩn đoán của bác sĩ rồi”.
Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận