Kỳ 1: Tập tục thiên táng
Giẻ - Triêng là một trong những dân tộc thiểu số nằm ở vùng Bắc Tây Nguyên, địa bàn cư trú chủ yếu là ở 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei của tỉnh Kon Tum.
Video: Cận cảnh những quan tài lộ thiên trong nghĩa địa "treo" của người Giẻ giữa đại ngàn Tây Nguyên
Người Giẻ - Triêng đã sinh sống trên đỉnh dãy Trường Sơn từ hàng trăm, thậm chí ngàn năm nay với những tập tục, nét văn hóa lâu đời đặc sắc nhưng cũng đầy màu sắc tâm linh bí ẩn, ly kỳ.
Trong đó, tục thiên táng có lẽ là tập tục cổ xưa đặc biệt nhất đã ăn sâu vào tiềm thức của tất cả những đứa trẻ sinh ra trong cộng đồng Giẻ - Triêng.
Thiên táng là một trong những hình thức mai táng người chết tồn tại ở nhiều tộc người trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Sỹ - Hội viên hội nhà văn Việt Nam, người được mệnh danh là nhà dân tộc học tại Kon Tum thì tục thiên táng này thật ra chỉ có ở người Giẻ, chứ không có ở người Triêng. Vì Giẻ - Triêng là một nhóm văn hóa, còn tộc người Giẻ và Triêng là riêng biệt.
Theo đó, thiên táng là một trong những hình thức mai táng người chết của tộc người Giẻ, và đây cũng là tộc người duy nhất mai táng người chết theo hình thức này tại Việt Nam.
Tập tục thiên táng được ông Sỹ lý giải là không chôn người chết xuống đất. “Nếu như một số dân tộc, như dân tộc Kinh chôn người chết xuống đất gọi là địa táng.
Một số dân tộc khác lại có hình thức thiêu di hài thì gọi là hỏa táng, thì riêng người Giẻ họ chỉ đặt người chết vào quan tài rồi cho lên trên giá gỗ dựng sẵn, cứ để như vậy từ năm này qua năm khác cho đến khi quan tài và người chết mục rữa”, ông Sỹ cho biết thêm.
Trong khu “rừng ma” tại làng Vai Trang (xã Đăk Long, Đăk Glei, Kon Tum) mà chúng tôi tìm đến, những chiếc quan tài từng được thiên táng của người Giẻ còn sót lại được đặt trên 4 cọc gỗ vững chắc, cách mặt đất không quá 1m. Lý giải điều này, già làng A Jáp của làng Vai Trang nói rằng để vong linh những người đã khuất có thể tiện bề đi lại, giao lưu với nhau.
Nguồn gốc tập tục thiên táng
Người Giẻ đến nay vẫn nhắc về thiên táng như một trong những nét tín ngưỡng cha ông để lại. Câu chuyện về nguồn gốc của tập tục này được lưu truyền lại trong cộng đồng dân tộc như sự nhắc nhở về cội nguồn:
“Ngày xưa, trong một gia đình người Giẻ nọ có hai đứa con trai. Cả hai đều nổi tiếng khôi ngô và thông minh nhất làng.
Thế nhưng, một ngày kia cha mẹ lần lượt qua đời, 2 đứa con phải sống cảnh mồ côi, vất vả. Hàng ngày, hai anh em phải đi làm thuê để có gạo, bắp sống qua ngày. Đến khi lớn lên, vốn thông minh và bản lĩnh hơn người, hai anh em quyết chí làm ăn để trở thành những người tù trưởng giàu có nhất.
Để trở thành tù trưởng giàu có, người anh tạm biệt em ra đi, làm nghề buôn bán ở một vùng đất xa xôi ở hướng mặt trời lặn. Người em ở nhà chăm chỉ khi thì làm rẫy tỉa bắp, gieo lúa, lúc lại vào rừng săn thú về thuần phục. Chẳng mấy chốc, cả hai anh em đều trở nên giàu có, tiếng tăm lừng lẫy khắp các làng gần xa khiến người người nể phục.
Đến một ngày, người anh trở về thấy em mình cũng giàu có thì tỏ ý khó chịu nên mới đưa ra đề nghị thi xem ai giàu hơn ai để làm trưởng làng. Hình thức của cuộc thi là làm nhà mà tường phải bọc bằng da trâu. Nếu ai bọc được nhiều da trâu thì người đó giàu hơn, sẽ là người chiến thắng.
Đến hẹn, người anh cậy mình có nhiều trâu nên hùng hổ giết thịt và cắt từng mảng da trâu lớn treo đầy vào cây lồ ô đã được dựng sẵn. Người em chỉ giết một con trâu, khéo léo dùng dao lột mỏng da, kéo căng da để phủ lên được nhiều hơn. Nhờ biết cách căng miếng da trâu mà người em đã giành chiến thắng.
Người anh thua cuộc, vừa xấu hổ, vừa tức giận nên dẫn một nửa dân làng đến vùng biên giới Việt – Lào ngày nay lập làng, buôn bán. Ngôi làng của người anh cũng nhanh chóng trở nên giàu có. Thế nhưng, chẳng bao lâu, làng bị một bộ tộc hung dữ, hung mạnh ập tới cướp bóc, giết sạch không còn một ai.
Còn những người đi theo người em cũng tìm đến một vùng đất khác, gần con suối có nhiều lau lách thì dừng lại lập làng. Tại đó, làng của người em lấy trồng trọt và chăn nuôi làm nghề chính, sống đoàn kết, yêu thương, hòa thuận với các dân làng khác trong vùng.
Khi người em qua đời, dân làng khóc lóc thảm thiết suốt nhiều ngày, không ai nỡ chôn thủ lĩnh tài năng, đức độ của mình xuống đất.
Họ đã nghĩ ra cách “treo” chiếc quan tài lên cao bằng những chiếc cọc gỗ để không thú rừng nào có thể ăn thịt được. Khi nhớ thì lại có thể ra đó thăm viếng. Và họ tin rằng, làm như vậy linh hồn của người thủ lĩnh sẽ bảo vệ, che chở cho dân làng”.
Câu chuyện trên phần nào lý giải về nguồn gốc tục thiên táng, mà theo ông Tạ Văn Sỹ thì đối với những người dân tộc thiểu số, bất cứ một nét văn hóa hay tập tục nào của họ cũng đều có những câu chuyện đầy tính nhân văn, là những bài học về tính người.
Xuất phát từ tín ngưỡng đó, sau này những gia đình giàu có, quyền lực và nhiều địa vị trong cộng đồng khi có người qua đời, đều đặt người chết vào quan tài rồi đem vào khu rừng rậm rạp để “treo” trên bốn cọc gỗ được đóng chắc chắn xuống đất.
Ngoài ra, người Giẻ cũng có quan niệm rằng, vùi người đã khuất xuống đất là không thương người họ. Theo đồng bào ở đây, nếu chôn người chết xuống đất sẽ bị động vật moi lên. Lúc ấy, linh hồn người chết sẽ biến thành con ma rừng đáng sợ nhất. Nó sẽ tìm đường về làng, làm hại người nhà và quấy phá dân làng.
Ngày xưa rất nhiều làng phải dời đi tìm nơi ở mới theo tập tục du canh du cư, nhưng họ lại cho rằng để tránh xa con ma rừng đáng sợ kia. Đây có thể là lý do lớn nhất khiến người Giẻ thiên táng người chết.
Còn tiếp...
Video: Kỳ bí khu rừng ma và tập tục thiên táng ở Tây Nguyên
Bình luận