Kỳ 1: Chuyện ở vùng đất bị lãng quên
Bản Dền Thàng (Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu), cách Thị xã Lai Châu chỉ độ 20km đường rừng, nhưng nhắc đến vùng đất này, ít người biết đến, bởi nó nằm sau những dãy núi cao và mây mờ.
Vùng đất của người Dao, người Giáy này dường như vẫn bị lãng quên từ cả ngàn năm trước.
Vùng đất bị lãng quên
Con đường dốc dác uốn lên lượn xuống bên những dãy núi cao vắng người qua lại, bởi chỗ thì núi lở lấp đường, đoạn thì đường bị mưa xối văng xuống thung lũng. Còn bao thứ phải làm ở tỉnh mới tái lập, nên con đường vào bản nhỏ này chẳng được quan tâm.
Anh chàng thợ săn ló đầu từ rừng ra, sau một ngày theo chân bọn lợn rừng về phá nương bảo: “Con đường này bị lở mất từ năm ngoái cơ. Muốn vào Dền Thàng, chỉ có cách đi bộ thôi, xe không đi được đâu”.
Gần 10 năm trước, tôi đã từng vào Nậm Xe, để đi tìm lời giải cho một câu chuyện kinh hãi, chỉ có ở những xó rừng góc núi, nơi ánh sáng văn minh chưa bao giờ rọi tới. Đó là chuyện chặt xác trẻ em của người Củi Chu, ở ngay cạnh bản Dền Thàng.
Bản Dền Thàng |
Trong phân loại dân tộc học, các nhà khoa học gọi họ là người Giáy. Người Giáy còn có tên gọi khác là người Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Xạ và Củi Chu. Tuy nhiên, người dân ở đây chỉ nhận họ là người Củi Chu, kiên quyết không nhận là người Giáy. Thậm chí, có cụ già còn lắc đầu không biết người Giáy là người gì.
Họ bảo, từ trang phục, phong tục tập quán, lối sống, tiếng nói của họ đều chẳng có điểm gì chung với người Giáy. Chẳng lẽ lại có một dân tộc mới?
Cả ngàn năm trước những người Củi Chu sống thế nào, thì giờ họ vẫn sống như vậy, chẳng có thay đổi gì.
Họ vẫn giữ tập quán kinh hãi, ấy là chặt xác trẻ con khi đứa trẻ chết bệnh, bởi họ họ nghĩ đứa trẻ chết là do “ma” bắt.
Thiếu nữ Dao Trắng ở Dền Thàng |
Nửa đêm, giữa ngã ba đường, ông bố, với dao thớt, sẽ trực tiếp làm cái việc man rợ ấy, trước sự chứng kiến của gia đình, họ hàng. Họ tin rằng, chỉ có cách đó mới giết được “con ma”, để nó không thể “lộn” về bắt những đứa trẻ khác.
Thật chẳng có thể tin chuyện mông muội ấy còn tồn tại đến ngày nay. Ông bố ấy đã bị Công an Lai Châu bắt. Tòa đã xử tội xâm phạm tử thi, nhưng cho hưởng án treo. Quan niệm, lệ bản là thế, ngàn năm vẫn làm vậy, nên xử họ cũng tội nghiệp.
Chuyện kinh dị ấy, người thì bảo giờ không còn nữa, vì được chính quyền tuyên truyền tận tình, nhưng người thì bảo họ vẫn lén lút làm.
Chuyện đau lòng
Nhớ lại lần vào Nậm Xe, tìm hiểu về hủ tục man rợ, tôi ngồi chờ cả ngày, mà chẳng có cán bộ xã nào ở trụ sở để làm việc. Đến tối mới có mấy đồng chí công an lọ mọ về tiếp.
Hóa ra, hôm ấy, cả xã kéo xuống Dền Thàng, làm lễ cúng lớn, hóa giải lời nguyền chết chóc tự tử cho cộng đồng người Dao Trắng (còn gọi là Dao quần trắng) ở Dền Thàng. Chuyện chính quyền đi làm việc mang tính mê tín ấy, quả là lạ lùng.
Cô con gái xinh đẹp, nhưng đã bỏ học của Bí thư Phàn A Lẻng |
Miên man với những câu chuyện xưa, rồi bản Dền Thàng cũng hiện ra trước mắt. Từ chân quả núi với những gốc sến, táu, nghiến to mấy người ôm, bấu vào núi đá mọc lên, những thiếu nữ Dao cưỡi trâu về bản trong ánh nắng dịu mát mùa Đông.
Những cô gái Dao Trắng xinh xắn bản Dền Thàng rực rỡ với mũ áo lẫn trong màu xanh ngằn ngặt của rừng, như thể những nàng tiên lạc giữa rừng hoang. Thật buồn khi nghĩ đến cảnh, tự dưng, chẳng vì lý do gì ra hồn, những “tiên nữ” ấy cứ xơi lá ngón tự vẫn.
Bản nhỏ Dền Thàng chỉ có hơn 100 hộ dân, với chưa đầy 600 nhân khẩu, mà có đến 100 người ăn lá ngón tự vẫn. Con số ấy do chính bí thư cùng trưởng bản xác nhận. Một con số thật khó tin, một con số thật kinh hoàng, khiến ai cũng phải choáng váng.
Bí thư Phàn A Lẻng khẳng định Dền Thàng có đến 100 người ăn lá ngón |
Chợt thấy quặn thắt ruột gan, khi nhớ lại lời một đồng chí công an xã Nậm Xe: “Những em gái, những cháu gái Dền Thàng cứ buồn là ăn lá ngón tự vẫn. Gái chưa chồng, gái một con cứ ăn lá ngón chết đi mà không hiểu vì lý do gì”.
Trước ngôi nhà gỗ khá rộng rãi, cô con gái của Bí thư bản Phàn A Lẻng, đẹp dịu dàng, bẽn lẽn khi thấy người lạ. Cô cắm cúi xay đậu cùng em gái.
Bí thư Phàn A Lẻng sinh năm 1980, tức mới 33 tuổi, nhưng đã có con gái đến tuổi lấy chồng.
Nhắc đến cô con gái, Phàn A Lẻng buồn rầu: “Nhà có đến nỗi thiếu thốn gì đâu. Mình nuôi được con gái ăn học, nhưng nó nhất định không đi học nhà báo à. Con không thích học, mà mình cũng không dám ngăn cản, ép buộc. Ở đây, không thể nặng lời với vợ con được đâu, nó ăn lá ngón ngay”.
Chị dâu Phàn A Lẻng, là vợ thứ 3 của Phàn A Bình |
Phàn A Lẻng bảo rằng, xem xét lại các vụ tự tử ở Dền Thàng, thì thấy hầu hết các vụ tự tử đều không có lý do nào chính đáng, thậm chí chẳng có lý do nào cả.
Phàn A Lèng bảo: “Các cụ nói rằng, người Dền Thàng phải chịu lời nguyền của ông Lù Tả. Mình không tin vào lời nguyền lắm, nhưng dân bản cứ tự tử suốt thế này thì mình cũng thấy hoang mang.
Ở Dền Thàng, nhà nào cũng có người tự tử, nhà nào cũng có người bị “ma ngón” bắt đi. Quả thực, nếu không phải vì lời nguyền, thì sao bản mình bị “ma ngón” bắt đi nhiều người thế?”.
Bí thư Phàn A Lẻng để lại câu hỏi lửng lơ, rồi đôi mắt rớm nước khi nghĩ đến ngay gia đình mình.
Tôi và Lẻng ngồi trò chuyện ngay cửa nhà, nơi ánh sáng ấm áp của mặt trời rọi vào. Phía góc nhà tranh tối tranh sáng, hai người đàn bà ngồi lặng lẽ quay tơ, đan áo.
Người phụ nữ xinh đẹp, đều tay quay sợi ấy là vợ thứ 3 của Phàn A Bình. Bình là anh trai của bí thư Lẻng, có nghĩa người phụ nữ ấy là chị dâu của Lẻng.
Nhà Lẻng cũng không thoát được lời nguyền “ma ngón”, khi có rất nhiều người bị “ma ngón” bắt đi.
Người vợ đầu tiên của Bình ăn lá ngón tự vẫn, để lại hai người con. Anh lấy tiếp vợ thứ hai. Rồi người vợ thứ 2 ấy cũng bỏ anh đi theo “ma ngón”, để lại cho anh thêm 3 đứa con nheo nhóc nữa. Bình chỉ dám lấy vợ thứ 3, khi tin rằng lời nguyền ma ngón đã được hóa giải ở Dền Thàng.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
Bình luận