Tonle Sap – Cambodia mà người Việt quen gọi là Biển Hồ Campuchia, rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua sáu tỉnh, thành, gồm Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap. Đó là nơi sinh sống của hàng ngàn người Việt Nam với gần 600 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu.
Tổ tiên của họ theo dòng Mekong, từ Việt Nam ngược sông Tiền và sông Hậu dùng nghề chài lưới để mưu sinh. Nơi nào có cá thì dừng lại và nơi cuối cùng họ định cư là Biển Hồ Tonle Sap, một cái hồ rộng mênh mông như biển.
Hàng ngàn người dân Việt Nam định cư trên Biển Hồ, trong đó có mấy ngàn hộ dân ở Siem Reap, đều là những cư dân vô thừa nhận dù họ can dự vào đời sống xã hội Campuchia từ bao đời nay trong vai trò cung cấp cá, một thực phẩm quan trọng cho người dân nước này.
Tất cả họ không có quốc tịch Việt Nam vì là người Việt mất gốc, càng không một ai được nhập quốc tịch Campuchia của nước sở tại. Cuộc đời tồn tại với rất nhiều cái “không”, như: Không trạm y tế, không trường học, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không điện, nước, không biết đi giầy, dép...
Đau đớn thay! Khi họ ở trên biển hồ nước ngọt nhưng không có nước sạch để dùng, nước lại đục ngầu lợn cợn bùn, rác. Chất thải của hàng ngàn con người hàng ngày xả thẳng xuống Biển Hồ, là nguồn để ăn uống, sinh hoạt.
Đã vậy, họ khổ đến mức… chết cũng không có chỗ chôn. Vào mùa nước nổi phải treo xác chết trên bè, chờ nước rút mới mang vào bờ hỏa táng hoặc chôn trên đất chùa.
Ngụ cư trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài, không tương lai, đói khổ lại quanh năm đeo bám. Bởi lẽ, đánh cá ở Biển Hồ không phải là nghề có thể dễ dàng đổi đời. Cho dù ông bà xưa thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” hoặc “Rừng vàng, biển bạc” e rằng không đúng lắm với những “Việt kiều” này.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Hồ, chính phủ Campuchia quy định một năm chỉ được đánh cá 6 tháng, 6 tháng còn lại... ngồi chơi. Họ không thể lên bờ làm thêm vì không có giấy tờ tùy thân. Nhiều người không còn đường mưu sinh đành dẹp bỏ lòng tự trọng, chèo kéo, xin tiền du khách.
Túng quẫn, một số người lén lút đánh bắt cá ở các khu vực cấm, đem bán cho các nhà hàng khách sạn thì bị bắt và phải đi tù. Hiện, trên 30 người đàn ông của làng chài người Việt đang đang có nguy cơ bị xử án tù vì không có tiền đóng phạt hoặc tái phạm nhiều lần. Mà không tái phạm sao được, bà con đánh bắt cá mưu sinh bao đời nay, có biết nghề nào khác.
Bao câu hỏi tôi tự đặt ra mà không có câu trả lời. Từ Biển Hồ xuôi theo dòng Tonle Sap để về An Giang và Đồng Tháp chưa đầy 300km, dẫu quê mẹ chưa giàu có lắm nhưng vẫn có đủ cơm no, áo ấm, trẻ em luôn được tạo điều kiện học hành, chăm sóc, yêu thương. tại sao lại không quay trở về quê hương?
Trên 500 nóc nhà lợp lá dừa, lụp xụp, tuềnh toàng. Gọi là nhà cho oai, chứ có căn chỉ là chiếc thuyền cũ rách nát, neo chơi vơi giữa hồ. Ngư dân đóng bè neo chặt trên mặt nước rồi dựng chòi thấp lè tè, che chắn tạm bợ đề phòng giông lốc. Họ cho biết có hôm gió lớn, cả nhà phải nhảy xuống nước níu giữ để chiếc bè không bị cuốn trôi.
Cuộc sống ở đây cực kỳ lênh đênh bằng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Mùa nắng thì phải dời nhà ra giữa dòng, mùa mưa lại tìm nơi có nhiều bụi cây um tùm để neo nhà núp gió.
Những cuộc đời gặp nhau, ghép đôi mà nên vợ nên chồng, thêm con thêm cái, nheo nhóc.
Gặp một phụ nữ có 6 đứa con, 3 đứa lớn đang mò cua, bắt ốc, còn 3 đứa nhỏ ngồi trên ghe theo chị xin tiền, tôi hỏi: “Cuộc sống khó khăn mà sao chị sinh con nhiều quá vậy?”. Sau giây phút e ngại, người phụ nữ mạnh dạn: “Ở đây hổng có gì chơi… ngủ sớm… kệ mà!”.
Ông Trần Văn Tư, SN 1937, từ Tây Ninh buôn muối qua Campuchia, nhiều lần đến Biển Hồ. Nhìn thấy cảnh những đứa trẻ thất học đói khổ phải lang thang sóng nước theo mẹ đi xin ăn, nên động lòng trắc ẩn. Ông bỏ việc buôn muối, đến Biển Hồ mở một lớp học, dạy cho những đứa trẻ biết viết cái chữ của cha ông.
Trung tâm được thành lập năm 1997, không thuộc hệ thống giáo dục Campuchia. Nó ra đời sau những năm tháng chạy vạy ngược xuôi gian nan của người thầy giáo già Trần Văn Tư, từng cùng gia đình rời bỏ quê hương đến nơi này.
Lúc đầu lớp học lèo tèo vài học sinh vì cha mẹ chúng không thấy ích lợi của việc học chữ. Ông Tư phải chèo thuyền đến từng hộ dân vận động con em họ tới lớp. Ông nghĩ ra một phương cách để dụ bọn trẻ và cha mẹ chúng: “nếu đi học sẽ được ông cho ăn sáng”. Đến khi vốn liếng vận động mạnh thường quân kha khá, ông biến lớp học thành “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ”. Sau khi nâng dần lên mức “nuôi ăn ngày ba bữa”, thì đã có đến 314 đứa trẻ ở Biển Hồ theo học. Hai con trai và con dâu của ông Tư cũng là giáo viên trong số năm người tình nguyện ở đây.
Tham quan trên biển Hồ, chiếc tàu chở đoàn khách của chúng tôi chạy quanh làng chài người Việt. Tàu ghé vào trường học được làm bằng ba cái bè kết lại. Năm 2010, một số cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam – Quân khu 7 trở lại thăm chiến trường xưa và tặng một ngôi trường trên bè và một nhà máy nước sạch. Một Hội đoàn Công giáo tặng nhà thờ bè, các mục sư Hàn Quốc dựng nhà thờ ngay trên lòng hồ, có cả chùa bè để mong xoa dịu nỗi khổ của những người dân xa xứ.
Bước vào lớp, chúng tôi thấy những khẩu hiệu mà ở Việt Nam, lớp học nào cũng có: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hoặc “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em”. Trên tường còn có cả thông báo cho các gia đình đang sinh sống tại Biển Hồ hãy đưa con em tới trường, và nhắc nhở: “Đừng để các em đi ăn xin trôi dạt bên ngoài”.
Nhìn những khuôn mặt chân chất và hiền lành của các thầy cô giáo trên bè, tôi không nén nổi cảm giác kính phục. Tất cả đều từ Việt Nam tự nguyện sang đây dạy học, không có bất cứ một đồng lương hay các chế độ chính sách gì, ngoài những đồng tiền ủng hộ của du khách và các tổ chức từ thiện.
Trời đã quá trưa, cái nắng rát bỏng của đất Campuchia thiêu cháy da thịt, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều trẻ em, theo chân những bà mẹ chèo ghe đu bám xung quanh trung tâm để xin tiền du khách. Đứa trẻ nào cũng gày gò, đen nhẻm, rách rưới, có đứa tay chân quặt quẹo, ốm yếu. Cuộc sống đã cuốn những người cha, người mẹ kia vào vòng xoáy mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đoàn du khách chúng tôi, không ai cầm được nước mắt.
Một nỗi buồn man mác cứ đeo đẳng mãi trong suốt chuyến đi của tôi với những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác, u hoài. Dù rằng tha hương cầu thực thì chẳng thể có niềm vui, nhưng chẳng chốn nào buồn như chốn này. Những chiếc thuyền ăn xin với những cánh tay đen nhẻm chìa ra, một cảm giác đau xót choáng ngợp tâm trí tôi.
Tạm biệt Biển Hồ Tonle Sap, trời chiều nhạt nhòa mưa trên khoé mắt. Lòng chúng tôi như thắt lại, nặng trĩu với bao câu hỏi, bao nỗi niềm khó tả. Có lẽ, đó là nước mắt cho những số phận tha hương, những con người trôi nổi.
Rồi mai đây, những thế hệ trẻ thơ lại đi đâu, về đâu, hay tiếp tục trôi nổi như cha mẹ chúng, như những chiếc thuyền trôi trên Biển Hồ Tonle Sap bao la, rộng lớn…
Video: Bộ tộc mắt cá có khả năng nhìn thấu đại dương
Bình luận