Nằm trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục, giữa trung tâm TP.HCM nhưng ít ai biết được ngôi nhà gỗ nhỏ nằm hướng ra đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) chính là ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn. Mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ kiểu Pháp, nơi đây đã ghi lại những ngày đầu tiên vua Gia Long dựng nước từ sự giúp đỡ của Đức giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux).
Video: Ngôi nhà cổ 218 tuổi do vua Gia Long xây dựng giữa trung tâm Sài Gòn (Thy Huệ)
Không chỉ mang dấu ấn buổi đầu của vị vua lập nên triều Nguyễn, ngôi nhà nguyện còn là chứng nhân lịch sử sự thay đổi, những biến cố đã xảy ra liên tiếp trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định xưa.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại, đến nay ngôi nhà không chỉ là di tích lịch sử quan trọng, mà còn là biểu tượng tâm linh, biểu trưng văn hóa đậm dấu ấn trong ký ức những người Sài Gòn sống xa quê hương.
Kỷ vật của vua Gia Long
Tài liệu của Tòa Tổng giám mục cung cấp, trong chương Tòa Tổng giám mục, có đoạn viết: “Dưới thời vua Gia Long, vì tin tưởng và quý mến Đức cha Bá Đa Lộc, nhà vua đã cho xây dựng một ngôi nhà gỗ, mái ngói, được chạm trổ tinh vi, tọa lạc gần rạch Thị Nghè. Ngôi nhà này được gọi Dinh Tân Xá, được dùng làm nơi ở của cha Bá Đa Lộc và cũng là nơi hoàng tử Cảnh thường xuyên lui tới để học tập với Đức cha”.
Tài liệu cũng viết: “Khi Đức cha qua đời, ngày 11 tháng 9 năm 1788, Dinh Tân Xá được trao lại cho cha Liot lúc ấy làm Bề trên của giáo phận”.
Cũng theo tài liệu này, khoảng năm 1864, khi Việt Nam ký hòa ước với Pháp để chuộc ba tỉnh Nam Kỳ, vua Tự Đức đã trao Dinh Tân Xá cho Đức cha Ngãi (Lefèbvre) để dùng làm Tòa giám mục. Năm 1900, xây Tòa giám mục hiện nay, “Ngôi nhà gỗ Dinh Tân Xá được dời về đây là được dùng làm nhà nguyện của tòa giám mục”.
Trong sách “Giáo hội công giáo Việt Nam niên giám 2004”, một tài liệu chính thống, khẳng định tòa nhà nguyện cổ hiện nay là do vua Gia Long cho xây cất.
Tài liệu này viết: “Dinh Tân Xá được vua Gia Long cất cho Đức cha Bá Đa Lộc để làm nơi dạy hoàng tử Cảnh từ năm 1790 trên bờ rạch Thị Nghè, dùng làm tòa giám mục. Dinh Tân Xá sau này được đưa về sát bên tòa giám mục để dùng làm nhà nguyện đường. Dinh này có nhiều điểm kiến trúc cổ đặc sắc của dân Việt”.
Theo sử liệu, cuộc đời của hoàng tử Cảnh vô cùng sóng gió. Khi còn nhỏ, mới ba tuổi, chưa hề có tư tưởng chính trị gì thì được cha gửi theo linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp để liên minh với Pháp, nhưng thất bại.
Trong một lá thư mà chúa Nguyễn Ánh gửi cho các vị chức sắc Pháp (thư đề Năm Cảnh hưng thứ 47, tháng 9, ngày 11, tức ngày 4/11/1786), có đoạn viết: “Năm trước quả nhân có sở cậy Bá Đa Lộc giám mục thượng sư đem Hoàng tử sang quý quốc cầu binh đã lâu tuyệt vô âm tín. Quả nhân áy náy hằng lo. Chẳng ngờ đến nay, tháng Tám mới thấy biều hồi trình, mới tường tự sự thì quả nhân lòng bội vui mừng”.
Hoàng tử Cảnh được lập Đông cung để nối ngôi, nhưng bị bệnh đậu mùa mất khi mới 21 tuổi. Tháng 3 hoàng tử mất, Nguyễn Ánh còn chinh chiến ở Quảng Nam, đến tháng 5 mới vào được thành Phú Xuân.
Tới ngày 2 tháng 5 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh mới làm lễ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long (chữ ghép của Gia Định - Thăng Long), lúc ấy, Hoàng tử Cảnh đã mất hơn một năm.
Tòa nhà mang nhiều nét kiến trúc vùng cực Nam Trung Bộ và khá giống kiểu khung kèo nhà rường ở miền Trung, nơi mà sức mạnh toàn bộ của căn nhà rơi trên các chân tảng bằng đá có đẽo gọt theo tỉ lệ dạng thức chuẩn truyền thống.
Đây là nét tinh tế và độc đáo vì lẽ miền Nam gió bão không nhiều nên bộ khung không cần đòi hỏi việc ổn định cao, còn chân đá sẽ tránh ứ đọng nước do mưa ở miền Nam khá lớn có thể làm mục chân cột.
Được biết, toàn bộ công trình gỗ không dùng đến một cây đinh nào để đóng, mà dùng hệ thống khớp mộng kết nối tất cả với nhau cực kỳ chắc chắn. Đó là lý do tòa nhà đã di dời nhiều lần vẫn rất dễ dàng và không hề bị lệch hay yếu đi.
Trên mái nhà có gắn trang trí bằng sứ hình lưỡng long chầu thánh giá, thay cho lưỡng long chầu nguyệt thường thấy. Nếu không có thánh giá trên mái nhà và tượng Chúa, tượng thánh trong nội thất, sẽ không mấy ai ngờ đây là nhà nguyện vì nó giống một căn nhà cổ dành cho quan lại hay người giàu có thời xưa.
Các họa tiết gỗ trong nhà nguyện đều được chạm trổ hoa văn đẹp. Trên cao của gian giữa là một khám thờ bằng gỗ chạm trổ “song phượng triều dương” cùng các hoa văn hoa lá. Hai bên bàn thờ có cặp câu đối bằng chữ Hán lấy ý từ sách Trung Dung của Khổng Tử: Thần chi cách tư, Đức kỳ thạch hĩ (việc thần thánh không thể lường được, đức của thần thánh thật thịnh thay).
Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng, công trình bằng gỗ như dinh Tân Xá quả là độc nhất vô nhị, bởi có những công trình hàng trăm năm tuổi ở Sài Gòn còn đến nay chủ yếu là gạch đá.
12 năm bàn luận mới quyết định trùng tu
Năm 1960, tòa nhà gỗ đã bị hư hại khá nhiều theo thời gian, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (người được đặt tên đường Nguyễn Văn Bình, nay là đường sách, bên hông Bưu điện TP.HCM) đã giao cho một linh mục lo việc tu sửa để không hư hỏng công trình của tiền nhân.
Do bị mưa gió làm mục tường gỗ xung quanh nên lúc đó đã phải phá bỏ toàn bộ ba bức tường gỗ và xây tạm lại bằng tường gạch.
Sau 1995, Đức Hồng y Gioan Baotixia Phạm Minh Mẫn muốn tu sửa lại dinh Tân Xá phải trở lại đúng như nguyên thủy nên giao cho cha Giuse Vũ Duy Thống phụ trách. Cha Thống đã tập hợp được một số kiến trúc sư, kỹ sư có kinh nghiệm về bảo tồn nhà cổ để chuẩn bị tiến hành nhưng sau đó cha Thống lại được tấn phong làm giám mục Giáo phận Phan Thiết và còn nhiều việc khác cần ưu tiên hơn nên dự án đành tạm gác lại.
Sau này, cha Ignaxiô Hồ Văn Xuân được giao nhiệm vụ này. Cha cho biết chuyện kinh phí hóa ra không phải vấn đề khó khăn nhất vì tổng dự toán công trình hơn 3 tỉ đồng. Trong đó, một gia đình ân nhân là người mới theo đạo khi biết tin đã đóng góp hơn 2 tỉ đồng cho việc phục dựng.
Điều khó nhất là phục dựng cách nào, bảo tồn hay phục chế? Chỉ riêng việc chọn vị trí cũng đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến muốn đưa nhà nguyện vào Chủng viện thánh Giuse ở đường Tôn Đức Thắng, ngay cả nếu vẫn ở lại chỗ cũ có ý kiến muốn được dời lên phía trên sân cỏ ngang với tòa Tổng Giám mục hiện nay…
Bên cạnh việc cho người tìm hiểu thực hiện bản vẽ, tham khảo Hội Kiến trúc sư TP.HCM, lấy ý kiến các nhà chuyên môn… cùng với một quá trình lắng nghe tất cả ý kiến khác nhau, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề ra hướng giải quyết, tranh luận và thuyết phục để đi đến thống nhất cuối cùng, cha Xuân cho biết mất đến 10 năm, trong khi quá trình phục dựng lại nhà nguyện chỉ mất hai năm.
Nhà nguyện đã bị mối mọt tấn công, các cột gỗ đều bị mối xông nhưng khi nghiên cứu đánh giá thực trạng, các chuyên gia cũng không khỏi bất ngờ vì trải qua hơn 200 năm tồn tại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mà tòa nhà gỗ chỉ bị hư hại không đáng kể.
Linh mục Ignaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện tòa Tổng Giám mục Sài Gòn cho biết: "Để có thể giữ lại các cấu thành nhà nguyện, chúng tôi đã nâng nền lên cao cho bằng với các công trình khác bên cạnh, tháo dỡ ba bức tường gạch cũ và cửa phía trước để thay bằng gỗ sau khi trao đổi với KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM".
Video: Theo chân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đi tham quan hang Sơn Đoòng
Bình luận