• Zalo

Chuyện ít biết về dân tộc mới xuất hiện ở Việt Nam?

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 09/07/2013 03:10:00 +07:00Google News

Người Xuồng ở xã Tát Ngà kiên quyết phủ nhận dân tộc Nùng là gốc của mình, bởi bản sắc văn hoá giữa người Nùng và người Xuồng có nhiều điểm khác biệt.

Người Xuồng định cư ở Mèo Vạc (Hà Giang) từ hàng trăm năm trước với ít nhất 5-6 thế hệ. Trong tất cả văn bản giấy tờ hộ tịch cũng như CMTND do cơ quan Nhà nước cấp, những cư dân này đều được công nhận là người dân tộc Xuồng.


Tôi đã lên mạng tìm kiếm thông tin về tộc người này với hàng trăm từ khoá khác nhau, tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ: dân tộc Xuồng là một ngành của dân tộc Nùng (còn gọi là Nùng Xuồng), phân bố ở một số tỉnh phía Bắc nước ta như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang,… Khi trò chuyện với những người Xuồng ở xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), điều khiến tôi băn khoăn đó là, họ kiên quyết phủ nhận dân tộc Nùng là gốc của mình, bởi bản sắc văn hoá giữa người Nùng và người Xuồng có nhiều điểm khác biệt.

Lạc hậu đeo đẳng


Cái khác lạ đầu tiên mà tôi nhìn thấy khi đặt chân đến những ngôi nhà của người Xuồng đó là, chuồng trại chăn nuôi bao giờ cũng án ngữ ngay trước cửa nhà. Lối đi là mái hiên rộng chưa đầy 1 m. Mỗi khi có cơn gió "ghé thăm", mùi phân thừa cơ phát tán nồng nặc khắp gian phòng.

Trưởng bản Nùng Ý Chưởng (cũng là trưởng họ Nùng) bảo: “Phải ngửi mùi khó chịu một tí cũng không sao, chứ để kẻ trộm bắt mất con trâu, con lợn nhà mình thì chết. Ở cái nơi núi đá hoang thẳm này thì ngoài trồng 3 cây ngô, 5 rảnh lúa nương chỉ còn biết chăn nuôi lấy tiền thôi. Thế nên mới phải làm chuồng ngay trước cửa”.

Bản Thăm Noom có 33 hộ dân thì 14 hộ trong số đó thuộc diện hộ nghèo. Ngoài các khoản trợ cấp khác, mỗi tháng họ còn nhận được thêm 91.000 đồng hỗ trợ mua đèn dầu thắp sáng vì hiện tại xóm chưa có điện. Hộ có kinh tế khá giả hơn thì mua máy điện nước về, lắp ở dưới suối. Mùa mưa thì có thể phát cả tivi tiết kiệm điện (trông giống cái laptop do Trung Quốc sản xuất), còn mùa khô chỉ đủ thắp 2 bóng đèn.

dân tộc xuồng
Đàn ông dân tộc Xuồng nghiện rượu 
Ở miền cao nguyên đá này, đói ăn là lẽ thường tình. Nhưng, người Xuồng ở bản Thăm Noom còn đói con chữ. Chủ tịch UBND xã Tát Ngà Lò Văn Sì cho biết: Cả bản Thăm Noom có 172 người nhưng hiện chỉ có 2 người học hết lớp 12. Đó là chị Nùng Thị Mình và anh Nùng Ý Dùng (đều là em của ông Chưởng).

Ông Chưởng kể, từ năm 1999 trở về trước, trẻ em người Xuồng chỉ được học tại các lớp học dân nuôi (nghĩa là tự cung tự cấp về mọi mặt). Ở cấp tiểu học, lớp mở gần nhà thì không nói nhưng bắt đầu lên lớp 6, đa số học sinh phải nghỉ học vì trường quá xa nhà và phải tự túc từ chuyện ăn đến ở. Ở ngoài huyện Mèo Vạc có trường nội trú, mỗi năm tuyển cử vài chục suất cho học sinh trong xã. Thế nhưng, chưa người Xuồng nào có cơ hội chen chân mặc dù học lực của các cháu không tồi.
dân tộc xuồng
Chị Nùng Thị Mình là cán bộ xã duy nhất ở xóm Thăm Noon 
Chị Nùng Thị Mình là người đầu tiên có can đảm vượt khó để đeo đuổi con chữ. Sáng, chị dậy từ 4 giờ 30 phút, leo đèo dốc quãng đường 11 km từ nhà đến lớp học tại trung tâm xã, sau đó 5 giờ chiều lại từ trường về nhà. Thế nhưng, trong suốt những năm tháng học cấp 2, chị không dám nghỉ học buổi nào. Tốt nghiệp THPT, chị Mình trúng cử vào Đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang khoá 2006 - 2011, đồng thời làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Mỗi lần đi tỉnh họp hành, trên danh nghĩa, chị đại diện cho người dân tộc Nùng. Nhưng, bao giờ chị cũng mặc quần ống rộng, áo bà ba khuy chéo và vấn khăn đen của người Xuồng. Có người còn cười chê bảo chị không biết mặc trang phục truyền thống. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả dị nghị, chị vẫn kiên quyết giữ bản sắc của dân tộc mình.

Văn hoá Nùng - Xuồng

Ông Chưởng cho biết: Mấy năm trước cũng có ông Mông Tiến Bộ (cán bộ văn hoá của huyện, nay là Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Ban) về ăn ở cùng người dân cả tháng trời, để tìm hiểu bản sắc văn hoá của người Xuồng. Ông ấy bảo khả năng Nhà nước sẽ xác lập cho chúng tôi một dân tộc mới. Người trong bản phấn khởi lắm. Thế nhưng, từ bấy đến nay vẫn không nhận được câu trả lời nào.

Nói về sự khác biệt giữa văn hoá người Nùng và người Xuồng, bất cứ người dân nào trong bản Thăm Noon cũng có thể kể vanh vách. Ví như trong nghi lễ cúng bái, người Nùng có thể đặt các món ăn làm từ thịt lên bàn thờ, nhưng người Xuồng tuyệt đối không được đặt lên vì sợ dây mỡ. Nếu người Nùng có thể vô tư ăn thịt chó, trâu, bò trong nhà, thì người Xuồng phải kiêng kị đủ thứ như: không được nói chuyện khi ăn, nơi ăn uống phải ở bên trái ngôi nhà và tuyệt đối không được bén mảng đến gần bàn thờ; ăn xong phải rửa tay bằng lá bưởi, lau khô…
dân tộc xuồng
Chứng minh thư nhân dân của ông Nùng Ý Chưởng được công an thành phố Hà Giang chứng nhận là dân tộc Xuồng 
Điệu hát truyền thống của người Nùng là Sli. Chẳng hạn, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu; Nùng Phản Slình có Sli Phản Slình... Nhưng, người dân tộc Xuồng không ai biết điệu Sli, mà điệu hát truyền thống của dân tộc Xuồng là hát Phươn và múa trống. Vì không hiểu văn hoá của người Xuồng, vì thế năm ngoái, UBND xã cho xóm 400 ngàn đồng để mở lễ hội lồng tồng, nhưng dân kiên quyết không tổ chức, vì đó không phải là lễ hội truyền thống của họ.

Ông Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Ở Mèo Vạc hiện tại có 16 dân tộc. Trong đó dân tộc Mông chiếm 78%, còn lại là các dân tộc khác. Có những dân tộc ít người nhất là dân tộc Hoa, Thái. Còn dân tộc Xuồng thì đã sống lâu đời ở đây rồi, chủ yếu phân bố ở các xã Khâu Vai, Sơn Vĩ, Sín Cái, Tát Ngà… Huyện Mèo Vạc coi dân tộc Xuồng là một dân tộc khu biệt. Còn để phân biệt rõ nét sự khác biệt giữa dân tộc Xuồng với dân tộc Nùng, Tày, Giáy nằm ở đâu, thì chúng tôi đề nghị cơ quan cấp trên phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

 Trai bản Thăm Noom có truyền thống nghiện rượu. Họ quen sử dụng chén vại trong mỗi cuộc nhậu. Trung bình mỗi ngày một người uống hết 1 lít rượu. Anh Nùng Ý Dùng, một người trong bản bảo: “Đói cơm thì còn chịu được chứ đói rượu thì người ngợm cồn cào lắm. Bởi thế, gia đình nào cũng phải có một lò nấu rượu để tự phục vụ. Mua ngoài chợ không dám uống đâu, toàn men tàu thôi, đau đầu lắm. Mùa thu hoạch gạo thì có thể mang đi bán chứ ngô thì một hạt cũng không được đem ra khỏi nhà. Tất cả nấu rượu uống hết”.


Theo Phùng Minh Phúc (NNVN)

Bình luận
vtcnews.vn