• Zalo

Chuyển giáo viên xuống dạy mầm non: Bộ GD-ĐT lên tiếng

Giáo dụcThứ Sáu, 24/02/2017 09:35:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc chuyển giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế.

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) diễn ra hôm 14/1, các chuyên gia cho biết cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên trường công lập từ tiểu học đến THPT, nhưng lại thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở bậc mầm non.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. 

nguyen thi nghia

 

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô.

Đây là giải pháp tình thế Bộ GD-ĐT phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.

Tuy nhiên, việc tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên phổ thông thuộc diện điều chuyển trong 5, 6 tuần là chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng, đồng thời yêu cầu ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo lại bằng văn bằng hai cho các giáo viên được điều xuống dạy mầm non.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện.

Video: Học sinh bị gãy chân trong trường: Giáo viên đồng loạt tố cáo hiệu trưởng

Ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, đảm bảo điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể đảm bảo chuẩn đầu ra cho giáo viên mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo.

"Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng hai cho giáo viên cùng công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non", Thứ trưởng Nghĩa nói.

Trước đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc quy hoạch, điều chuyển giáo viên rất cần thiết nhưng phải thận trọng.

Bà Hằng đề xuất không nên áp đặt từ trên xuống mà để cơ sở đề xuất thực hiện để phù hợp với thực tiễn, điều kiện cụ thể từng địa phương.

Nữ Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá đề nghị giáo viên các môn văn hóa ở THCS sẽ được bố trí xuống dạy cùng bộ môn đó ở tiểu học. Bên cạnh đó, các giáo viên được điều chuyển thì phải được bồi dưỡng kỹ năng sư phạm đặc thù của ngành mầm non, tiểu học để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Bà Hằng cũng thông tin, năm qua hơn 200 trường hợp giáo viên trung học cơ sở xuống mầm non. Hiện nay, tỉnh cấp kinh phí và giao cho trường ĐH Hồng Đức đào tạo xây dựng chương trình giáo dục tiểu học, mầm non, nội dung định hướng để bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cần thiết cho các giáo viên chuyển cấp nhằm đáp ứng yêu cầu.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn