Chiều 4/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức họp báo cung cấp thông tin xung quanh tình hình dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới.
Chưa xác nhận việc dùng thuốc HIV chữa corona
"Có thông tin về việc sử dụng các loại thuốc phối hợp với nhau như ở Thái Lan. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa có xác thực chính thức trên người bệnh, chưa có khẳng định về việc sử dụng thuốc chống HIV dành cho việc chữa bệnh do virus corona chủng mới nên mọi người cũng không nên đổ xô đi mua loại thuốc này" - bà Sylvie Briand, Giám đốc Vụ các bệnh lây nhiễm và dịch bệnh của WHO khẳng định.
Ngoài dịch bệnh còn có "dịch thông tin giả"
Bà Sylvie Briand đồng thời là chuyên gia giàu kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm của WHO cho biết "khi chúng ta đối phó với đại dịch, thứ chúng ta phải đối phó không chỉ là dịch bệnh mà còn là 'dịch thông tin'" khi có quá nhiều tin đồn và tin giả liên quan.
Trước đây khi đối phó với dịch Ebola ở châu Phi cũng có nhiều tin đồn cho rằng đây là sự trừng phạt của tự nhiên với con người, bà Briand cho biết. Những thông tin phát tán nhanh, đến từng ngóc ngách của thế giới đặc biệt trong thời buổi hiện nay và đây là một trong những vấn đề cần giải quyết.
"Như tôi đã nói những tin đồn đôi khi rất nguy hiểm. Trong số đó có tin cho rằng virus lan truyền qua không khí, đó là thông tin sai lầm".
Theo chuyên gia, nếu triệu chứng đang trong giai đoạn đầu, mọi người không nên quá lo lắng, và điều mà WHO muốn làm là cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để họ có thể tự bảo vệ mình.
Chưa có bằng chứng virus corona biến thể
“Đó là chủng virus hoàn toàn ổn định”, bà Sylvie Briand khẳng định.
Về vấn đề đeo khẩu trang, chuyên gia WHO cho rằng người ốm nên đeo khẩu trang, còn người khỏe thì việc đeo khẩu trang không thể bảo vệ họ hoàn toàn, họ còn cần các biện pháp an toàn khác như rửa tay. Trong khi đó, để phòng lây nhiễm, việc những người mắc bệnh đeo khẩu trang là rất quan trọng, bà nói thêm.
Cách ly là cần thiết
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đưa ra nhận định khi mỗi nước có cách xử lý khác nhau với dịch bệnh, ví dụ như ở Pháp cách ly những người nghi nhiễm trong căn cứ quân đội, chuyên gia WHO cho biết việc thành lập các khu cách ly là cần thiết để hạn chế những người nghi nhiễm virus, chống lây lan.
Tiếp tục nỗ lực hợp tác toàn cầu
Bà Briand cho biết WHO đang cố gắng hợp tác trên phạm vi toàn cầu, có cuộc thảo luận với các công ty lớn và chính phủ về những mối quan tâm của họ để phổ biến thông tin xác thực đến càng nhiều người càng tốt. "Chúng tôi cũng đã hợp tác với Google và họ có cảnh báo SOS về dịch bệnh."
Bà Briand nhắc lại các con số cập nhật của nhà chức trách Trung Quốc, cho biết tính đến 24h ngày 3/2, có 20.438 ca nhiễm bệnh tại 31 tỉnh thành phố và khu vực ở Trung Quốc, 2.788 người trong tình trạng nguy kịch. Có 425 người thiệt mạng, tổng cộng 632 bệnh nhân hồi phục và xuất viện tuy nhiên vẫn có 23.214 ca nghi nhiễm.
Ngoài ra, khoảng 221.015 người từng có tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virus, trong đó 12.755 người được loại ra khỏi diện giám sát y tế còn 171.329 người khác đang được giám sát y tế.
Trước đó Hong Kong xác nhận ca chết người đầu tiên là nam bệnh nhân 39 tuổi từng đến Vũ Hán vào khoảng tháng 1/2020, đây là ca chết người thứ hai ở ngoài Trung Quốc lục địa, ca đầu tiên là một người Trung Quốc 44 tuổi ở Philippines.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố dịch viêm phổi cấp ở Vũ Hán là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Quyết định này được đưa ra khi số người chết tiếp tục tăng nhanh và nhiều nơi trên thế giới liên tục ghi nhận những ca nhiễm mới.
Bình luận