5 ngày sau thất bại ở SEA Games 29 (U22 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng), bóng đá Việt Nam chứng kiến sự thay đổi lớn khi huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung lên nắm quyền ở đội tuyển quốc gia, thay cho HLV Nguyễn Hữu Thắng. Tuyển Việt Nam sẽ bước sang một trang mới, khởi đầu là trận đấu với tuyển Campuchia tại vòng loại thứ 3 Asian Cup 2019.
Video U22 Việt Nam thua trắng U22 Thái Lan tại SEA Games 29
Tuy nhiên, để mở ra tương lai tươi sáng hơn cho bóng đá nước nhà, chỉ thay đổi HLV trưởng là không đủ, bởi cội nguồn thất bại của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đến từ nguyên nhân khác. Trao đổi với VTC News, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế hiện có của bóng đá Việt Nam - phần chìm của "tảng băng" đang cản trở các cấp độ đội tuyển đi đến những thành công xa hơn.
- Trong thất bại 0-3 trước U22 Thái Lan, diễn biến cầu thủ Việt Nam đã thay đổi thế nào qua những thời điểm quan trọng?
Xét trên tâm lý cầu thủ, chúng ta luôn khao khát thi đấu với những đội hay thắng mình trong quá khứ (như Thái Lan). Chúng ta luôn muốn thể hiện, nỗ lực làm sao để san bằng nỗi sợ ấy, bên cạnh mong muốn đọ sức với những cầu thủ có trình độ hơn mình.
Nếu toàn đội giải quyết cục diện trận đấu tốt, mọi chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác. Ví dụ ở trong hiệp 1, nếu Phí Minh Long không phạm sai lầm ngớ ngẩn dẫn đến bàn thua, hiệp 2 U22 Thái Lan sẽ thua bởi họ gặp áp lực rất lớn.
Nhưng khi chúng ta chểnh mảng, khiến lợi thế ban đầu gần như không còn, sự hoảng loạn đến như điều tất yếu. Bàn thua trong hiệp 2 do lỗi của Phí Minh Long là minh chứng. Tóm lại, nói tâm lý cầu thủ mình bất ổn trước trận là không đúng. Vấn đề tâm lý của U22 Việt Nam chỉ bộc lộ trong những tình huống rất cụ thể.
- Bình luận viên Quang Huy cho rằng: Sự thiếu vững vàng về mặt tâm lý cầu thủ đến một phần từ V-League - giải vô địch quốc gia với những trận đấu thật giả lẫn lộn. Ông nghĩ sao về điều này?
Là một người theo sát bóng đá Việt Nam trong nhiều năm, BLV Quang Huy đã có nhận xét rất chính xác.
Bản lĩnh cầu thủ và chất lượng V-League là hai yếu tố hoàn toàn liên quan đến nhau. Khi cầu thủ đạt đến trình độ nhất định, các em phải được trau dồi, thử sức ở những trận đấu căng thẳng, quyết liệt ở các giải đấu trong nước.
Do vậy, sân chơi quốc nội (V-League, hạng nhất, cúp QG) đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tâm lý, bản lĩnh cho cầu thủ.
Tuy nhiên, V-League hiện tại không đáp ứng yêu cầu bởi những trận đấu thật giả lẫn lộn. Nhiều khi cầu thủ của mình mắc sai lầm song lại được bỏ qua. Thành ra, sự tích lũy bản lĩnh gần như không thể có.
Nếu môi trường bóng đá trong sạch, lành mạnh và diễn ra đúng với bản chất của nó, những sai sót sẽ không diễn ra nhiều như vậy.
- Như vậy, thay vì chỉ trích một vài cá nhân với những sai lầm "thấy được" trên sân bóng, chúng ta cần mạnh tay cải tổ nền bóng đá từ tận gốc rễ?
Nhìn lại nền bóng đá sau 17 năm đi lên chuyên nghiệp, chúng ta sẽ nhận thấy lộ trình phát triển hiện tại và cách xây dựng bóng đá hiện tại không đúng. Nếu U22 Việt Nam có huy chương vàng ở SEA Games này, đó cũng chỉ là may mắn của nền bóng đá, là phần nổi của vấn đề.
Có rất ít đội sở hữu hệ thống đào tạo trẻ chất lượng như PVF, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai,... Những nơi khác không có hệ thống đào tạo chỉn chu, lúc thiếu ăn, lúc cơ sở vật chất không tốt. Yếu tố đầu tiên để bóng đá lên chuyên nghiệp là hệ thống cơ sở vật chất, thì VFF cùng các đội bóng lại không có những động thái xây dựng kiên quyết.
V-League có hai đội bóng là CLB Hà Nội và Than Quảng Ninh lọt được dự vòng loại AFC Cup, song cả hai đội đều không được đá trên sân nhà, phải ra sân Mỹ Đình thi đấu. Cả đất nước chỉ có rất ít sân bóng là đáp ứng tiêu chuẩn những giải như vậy. Làm sao có thể nói chúng ta đã làm tốt?
Kết quả của lộ trình phát triển là một nền bóng đá còn rất nghiệp dư trên nhiều khía cạnh. Với sự non kém như vậy, tâm lý các cầu thủ không ổn định cũng là điều tất yếu. Thành tích trên sân là phản chiếu trung thực cho cả nền bóng đá sau 17 năm chuyên nghiệp gượng gạo. Nhìn như vậy sẽ tốt hơn là đi sâu vào những sai lầm cụ thể của các cầu thủ.
- Bên cạnh V-League, đường lối phát triển của VFF cho các cấp độ đội tuyển cũng không được rõ ràng và nhất quán?
Chúng ta có thể thuê HLV nước ngoài có tâm huyết, có suy nghĩ và tìm ra cách đá phù hợp cho người Việt Nam.
HLV Mai Đức Chung
Khi ông Lê Hùng Dũng ngồi vào chiếc ghế chủ tịch VFF, chúng ta tuyên bố hợp tác toàn diện, lâu dài với bóng đá Nhật Bản. Điều đó rất đúng. Và sau 2 năm, không còn bóng dáng của HLV Nhật Bản nào nữa.
Sau đó không lâu, chúng ta lại mời ê-kíp người Đức. Sau đó thì sao? VFF không có lộ trình, chiến lược lâu dài. Phải mất nhiều năm nữa, chúng ta mới có thể trở lại để hướng tới thành công.
- Nếu có thể thay đổi V-League để xây dựng lại nền tảng vững vàng cho bóng đá Việt Nam, ông sẽ thay đổi từ đâu?
Phải làm lại toàn diện thôi. Không thể để V-League 14 đội, hạng Nhất chỉ có 7 đội còn hạng Nhì tủn mủn không biết bao nhiêu đội.
Thế nào là CLB chuyên nghiệp? Phải có hội thảo để xác định xem CLB cần có gì để trở thành chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp phải được xây dựng trên CLB chuyên nghiệp và cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu. Ai đáp ứng được thì hẵng chơi, không thì thôi. Tại sao không học hỏi cách xây dựng giải quốc nội ở ngay Thái Lan?
Chúng ta cần xây dựng phong trào rộng rãi, tạo dựng được cái "chân đế" vững vàng. V-League 14 đội thì Hạng nhất phải 16 đội mới cân xứng, đảm bảo đủ độ quyết liệt, cạnh tranh. Mà với V-League, ai chuyên nghiệp thì hẵng chơi, kể cả 7 đội cũng được, không thiếu cách để kéo dài giải đấu ra.
Chúng ta phải có lý luận để xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp, hướng tới sự tiến bộ vững chắc, vì may mắn không thể đến được mãi. Cái gì cũng cần thời gian, điều kiện cụ thể và cách làm khoa học.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Bình luận