• Zalo

Chuyên gia VN: Sẽ còn nhiều vùng ở Ukraine đòi độc lập

Thế giớiThứ Ba, 08/04/2014 03:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề Nga và châu Âu phân tích việc Donetsk tuyên bố độc lập và có khả năng gia nhập Nga.

(VTC News) - Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề Nga và châu Âu phân tích việc Donetsk tuyên bố độc lập và có khả năng gia nhập Nga.

Tỉnh Donetsk tuyên bố độc lập và dự định trưng cầu dân ý ngày 11/5 tới về việc gia nhập LB Nga sẽ làm tình hình Ukraine thêm phần phức tạp.

Trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này, Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, cựu trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga nói: "Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy Ukraine đang ở trạng thái không ổn định. Căng thẳng chính trị và nguy cơ đòi độc lập sẽ rất lớn trong tương lai, nhất là những vùng nhiều người nói tiếng Nga".

Người dân Donetsk treo quốc kỳ Nga lên tòa nhà chính quyền địa phương 

-  Sự kiện Donetsk tuyên bố độc lập, trở thành nước Cộng hòa nhân dân ngày 7/4 báo hiệu gì về tương lai chính trị của Ukraine thưa ông?

Điều này thể hiện tính phức tạp của chính trường Ukraine, ngoài ra không có dấu hiệu cụ thể nào có thể khẳng định trong thời điểm hiện nay.

Chính quyền Kiev đương nhiên phủ nhận tuyên bố này và khẳng định đó là hành động trái với Hiến pháp hiện hành.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, cựu trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nga - Ảnh: Tùng Đinh
Sau khi Crưm sáp nhập Nga, hình thức tổ chức Ukraine trong tương lai được đề cập rất nhiều. 
Phía Nga công khai đề xuất phương án tổ chức theo hướng Liên bang, Matxcơva nói Nhà nước thống nhất tập trung như lâu nay đã không còn phù hợp với Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Kiev phản đối ý kiến này vì cả 2 bên đều hiểu, nếu tổ chức theo Nhà nước Liên bang thì các khu vực, tỉnh sẽ có quyền tự quyết lớn hơn.

Trong khi đó, tình hình ở các tỉnh miền Đông như Donetsk, Kharkov hay Lugansk khá căng thẳng, nằm trong chuỗi căng thẳng thời gian gần đây. Những cuộc biểu tình trong thời gian gần đây được mô tả là ‘ủng hộ phương án Liên bang hóa Ukraine’.

Cũng tại những địa phương này, còn có một lực lượng đối lập khác, biểu tình nhằm ‘phản đối phương án Liên bang hóa Ukraine’.

Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy Ukraine đang ở trạng thái không ổn định. Căng thẳng chính trị và nguy cơ đòi độc lập sẽ rất lớn trong tương lai, nhất là những vùng nhiều người nói tiếng Nga.

-  Sau Crưm, Donetsk đã tuyên bố độc lập với Ukraine, theo ông liệu những địa phương nào sẽ nối gót phong trào này?

Trong 2 ngày 6-7/4, các cuộc biểu tình phát triển mạnh ở các khu vực phía Đông Ukraine. Có 2 nơi đã tuyên bố trở thành nhà nước độc lập ở Ukraine tuy nhiên ở 2 mức độ hoàn toàn khác nhau.

Ở Donetsk, tuyên bố được đưa ra bởi Hội đồng tỉnh, là cơ quan lập pháp của chính quyền trong khi đó tại Kharkov, tuyên bố độc lập chỉ là lời nói của một số người biểu tình thân Nga.


Video Donetsk tuyên bố độc lập
- Theo ông điều này khiến chính quyền Kiev sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

 

Căng thẳng chính trị và nguy cơ đòi độc lập sẽ rất lớn trong tương lai, nhất là những vùng nhiều người nói tiếng Nga.


 
Dù cho có tách ra và sáp nhập Nga hay không, tính hợp pháp và công nhận đến đâu nhưng tình hình hiện nay đã đẩy Ukraine vào tình huống khó khăn.

Ngày 25/5 tới, Ukraine dự tính sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và sự kiện này sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu tình hình các tỉnh miền Đông không ổn định trước khi nó diễn ra.

Bằng cách không tham gia bỏ phiếu, mọi kết quả của cuộc bầu cử có thể bị phủ nhận tại các khu vực miền Đông Ukraine như Donetsk, Kharkov hay Lugansk. Sau này, các khu vực này có thể nói không thừa nhận Tổng thống mới trong các cuộc tranh cãi.

-  Chính quyền Ukraine đã và sẽ có phản ứng gì để kiểm soát khủng hoảng hiện nay, thưa ông?


Tính đến thời điểm này, tình hình Donetsk đang căng thẳng, chính quyền Kiev đã nhiều biện pháp như thành lập Ban tham mưu chống khủng hoảng hay đưa thêm lực lượng đặc nhiệm đến miền Đông.
Người biểu tình ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine 
Ngoài ra, Kiev còn cử các quan chức như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ.. đến những địa phương này để xử lý khủng hoảng. Bên cạnh đó, vũ lực cũng đã được sử dụng ở một số khu vực như Donetsk, Kharkov.

Việc các lực lượng vũ trang có được tấn công vào trụ sở chính quyền Donesk, nơi những người biểu tình chiếm giữ đang được cân nhắc.

Hiện nay, vấn đề Donetsk đang được giải quyết theo hướng đàm phán, trung gian giữa khu vực này và chính quyền Kiev là tỷ phú giàu nhất Ukraine hiện nay, Rinat Akhmetov. 
Đây là doanh nhân được cho là thân Yanukovych và đang ra lời kêu gọi thương lượng giữa các bên để tránh đổ máu.

 

Dù cho có tách ra và sáp nhập Nga hay không, tính hợp pháp và công nhận đến đâu nhưng tình hình hiện nay đã đẩy Ukraine vào tình huống khó khăn.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát
 
Bên cạnh đó, chính quyền Kiev cũng gia tăng các biện pháp luật pháp, dọa truy cứu hình sự những người ‘khỏi xướng đòi hỏi ly khai khỏi nhà nước Ukraine’.

- Theo ông, cuộc trưng cầu ý dân mà Hội đồng Donetsk tuyên bố sẽ tổ chức vào ngày 11/5 tới về việc sáp nhập vào Nga sẽ có kết quả thế nào nếu diễn ra?

Cuộc trưng cầu ý dân, nếu được tổ chức bình thường thì đa số sẽ ủng hộ ý kiến của những người chủ xướng đã đưa ra, bày tỏ mong muốn gia nhập Liên bang Nga.

Tuy nhiên, kết quả của nó có hiệu lực đến đâu, các bên xử lý thế nào sẽ là một ẩn số lớn.

Chính quyền Kiev sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn điều này. Bên cạnh đó, sau khi có thông tin về cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/5, đại diện Mỹ ở tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu đã tuyên bố phản đối, không thừa nhận vì không phù hợp với hiến pháp Ukraine.

Theo tôi, nếu được tổ chức và đa số ý kiến ủng vệ việc gia nhập Liên bang Nga, cuộc trưng cầu ý dân sẽ tạo ra một vấn đề rất nghiêm trọng cho Ukraine dù cho kết quả không được công nhận.

Về phía Nga, không thể nói trước phản ứng của họ với kết quả của cuộc trưng cầu này vì việc sáp nhập các khu vực miền Đông của Ukraine nếu xảy ra sẽ tạo nên một tình huống rất phức tạp về biên giới, chủ quyền của các quốc gia liên quan.

- Sau khi tuyên bố độc lập, Hội đồng tỉnh Donetsk đã có lời thỉnh cầu Tổng thống Putin đưa quân gìn giữ hòa bình tạm thời đến khu vực này, theo ông Matxcơva sẽ phản ứng thế nào?

Matxcơva chưa có phản ứng với lời thỉnh cầu này và sẽ không có trong tương lai gần. Hiện nay, phản ứng của Nga là cảnh báo về việc các lực lượng vũ trang Ukraine được triển khai quá nhiều ở khu vực miền Đông nước này.

Trong khi đó, trên facebook chính thức của Bộ Ngoại giao Nga đã thể hiện sự lo ngại vì trong số các lực lượng vũ trang được tăng cường ở miền Đông Ukraine có 150 chuyên gia của tổ chức quân sự tư nhân Mỹ mang tên Grey Stone.

Lực lượng vũ trang tại Crưm 

 

Việc các lực lượng vũ trang có được tấn công vào trụ sở chính quyền Donesk, nơi những người biểu tình chiếm giữ đang được cân nhắc.


 
Tuy nhiên, tất cả 150 thành viên này lại mặc đồng phục của đội đặc nhiệm Chim ưng, thuộc quân đội Ukraine.

Bên cạnh đó, Nga kêu gọi Kiev không được sử dụng vũ lực ở các tỉnh miền Đông. Đây có thể xem như một lời cảnh báo đối với Ukraine với khả năng xảy ra bạo lực với người Nga đang sinh sống tại các khu vực này.

- Mỹ và EU sẽ phản ứng thế nào với sự kiện Donetsk tuyên bố độc lập ngày 7/4 trong khi vấn đề Crưm vẫn chưa ngã ngũ?

Đương nhiên, Mỹ và EU sẽ lo ngại vì các khu vực miền Đông công khai thể hiện xu hướng ngả về phía Nga.

Trước đó, Mỹ và EU đã có những cảnh báo về việc gia tăng trừng phạt nếu Nga có tiếp các hành động tương tự như ở Crưm. Đặc biệt nếu Nga có hành động quân sự các tỉnh miền Đông Ukraine.


Video Ukraine đưa đặc nhiệm đến Donetsk 

Tuy nhiên, một nấc trừng phạt mới được thể hiện thế nào cũng rất khó dự báo trong thời điểm hiện nay.

- Trang gazeta.ru có nói ngoài kêu gọi Tổng thống Putin đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tạm thời, Hội đồng Donetsk cũng kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc, xin ông giải thích rõ hơn về động thái này?

Theo tôi, sự giúp đỡ của Trung Quốc được nhắc đến ở đây có thể dự đoán là theo kênh ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Như chúng ta đã thấy, trong vấn đề Crưm, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng ở Hội đồng bảo an, được nhiều chuyên gia cho là động thái không phản đối Nga.

Có thể lời kêu gọi của Donetsk chính là một tiếng nói ủng hộ của Bắc Kinh trước Hội đồng bảo an.

Tùng Đinh (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn