• Zalo

Chuyên gia Việt, Mỹ cứu chữa hai bệnh nhi kháng thuốc

Sức khỏeThứ Bảy, 23/06/2018 07:41:00 +07:00Google News

Các bác sĩ của Khoa ngoại Thần kinh phối hợp cùng chuyên gia thần kinh đến từ Bệnh viện Đại học Alabama (Mỹ) đã cứu chữa thành công cho hai em nhỏ mắc bệnh nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Lê Quang H (31 tháng tuổi, Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Như Q (13 tuổi) là 2 bệnh nhi mắc bệnh động kinh nặng. Đã nhiều ngày tháng điều trị tại bệnh viện, nhưng bệnh của hai em không hề có tiến triển mà ngày càng nặng hơn rồi chuyển sang giai đoạn kháng thuốc.

Th.S.BS Lê Nam Thắng, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh chia sẻ, sau nhiều lần cân nhắc, các bác sĩ của cả 2 bệnh viện quyết định phẫu thuật kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não để cứu chữa cho 2 em. Đây cũng là biện pháp chữa bệnh tốt nhất có thể thực hiện trên 2 bệnh nhi nhỏ tuổi trong tình huống này.

e165071f-d48f-4d89-9b74-a51368ce3ade

 Bệnh nhi được phẫu thuật hoàn toàn miễn phí bằng kỹ thuật mới

Phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả 1 vùng. Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.

“Cháu H được mổ cắt liên kết ¼ bán cầu. Nếu không có kỹ thuật này chúng tôi phải cắt bán cầu chức năng, như vậy sẽ để lại nhiều khiếm khuyết về phát triển tinh thần và vận động. Cắt ¼ bán cầu đỡ gây khiếm khuyết về tinh thần và vận động, do đó đây là kỹ thuật tối ưu nhất” – BS Thắng chia sẻ.

Trường hợp thứ 2 là cháu Nguyễn Thị Như Q (13 tuổi) bị động kinh ở khoảng giữa của 2 bán cầu, phải kết hợp đặt điện cực bề mặt trong mổ vào giữa khe 2 liên bán cầu. Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi người làm chuyên biệt vì khe nhỏ, yêu cầu độ chính xác cao.

Mỗi ca phẫu thuật kéo dài gần 8 tiếng do các bác sĩ của Khoa ngoại Thần kinh phối hợp với Đoàn chuyên gia về thần kinh của Bệnh viện đại học Alabama (Mỹ) thực hiện. Cũng theo bác sĩ Thắng, chi phí cho một ca phẫu thuật tương tự ở Mỹ có giá 250.000 USD (chưa kể tiền thuốc), tuy nhiên cả 2 bệnh nhi này đều được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Video: Căn bệnh tâm thần ca sĩ Mariah Carey mắc phải là gì?

Hiện bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho khoảng 30 ca bệnh động kinh khó, trong đó có khoảng 4 - 5 ca đã được phẫu thuật thành công. Việc ứng dụng kỹ thuật mới trong phẫu thuật bệnh động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân động kinh nặng kháng thuốc.

Bên cạnh đó, trong 5 năm vừa qua, Trường ĐH Alabama và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có nhiều hợp tác trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chuyên môn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ trang thiết bị y tế… Điều này đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế, cũng như cơ sở vật chất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Khánh Chi
Bình luận
vtcnews.vn