• Zalo

Chuyên gia: Tư thương trục lợi, người mua thỏa hiệp làm giá hàng hóa khó giảm

Thị trườngThứ Tư, 27/07/2022 14:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Có nhiều nguyên nhân tạo nên "căn bệnh" cố hữu là mặt bằng giá cả thường chỉ tăng chứ ít giảm.

Sau hơn 2 tuần giá xăng dầu giảm mạnh, mặt bằng giá cả, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, chưa hề thay đổi, thậm chí còn tăng lên.

Doanh nghiệp "ngại" giảm giá sản phẩm

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, sau khi giá xăng dầu đi xuống, phần lớn doanh nghiệp “thờ ơ” với việc giảm giá các mặt hàng, dịch vụ cũng là điều có thể hiểu được.

“Muốn giảm giá sản phẩm, dịch vụ thì các doanh nghiệp cũng phải tính toán, cơ cấu lại toàn bộ chi phí khác như logistic, nhân công, sản phẩm đầu vào chứ không chỉ riêng xăng dầu. Hiện xăng dầu giảm giá mới chỉ là bớt khó cho doanh nghiệp chứ không phải giúp có lãi như khi xăng dầu ở mức giá 20.000 - 21.000 đồng/lít”, ông Lâm phân tích.

Chuyên gia: Tư thương trục lợi, người mua thỏa hiệp làm giá hàng hóa khó giảm - 1

Nhiều loại hàng hóa vẫn chưa giảm giá theo xăng khiến người tiêu dùng thất vọng. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Tương tự, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lý giải, cần tính đến việc các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang lớn, rồi các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm hay việc bù lỗ nhiều. Đây chính là các yếu tố khiến doanh nghiệp buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ. Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng "chưa đủ sức" để kéo mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải đi xuống vì giá xăng dầu vẫn neo ở mức rất cao, đã liên tiếp tăng từ đầu năm khiến doanh nghiệp luôn phải bù lỗ.

Đồng tình quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh nhận định: “Có thể doanh nghiệp đã mua các nguyên liệu đầu vào khi giá đang còn cao nên giờ phải tiêu thụ hết các sản phẩm đã sản xuất ra với giá cao để đủ bù hoặc tránh lỗ. Sau đó may ra họ mới giảm giá sản phẩm với đầu vào thấp”, ông Doanh nói.

Đại diện một doanh nghiệp ở TP.HCM tính toán, giá xăng dầu hạ nhiệt có thể làm chững đà tăng của giá hàng hóa trên thị trường, nhưng vẫn sẽ khó giảm giá.

Một nguyên nhân khác mà các chuyên gia cho rằng khiến doanh nghiệp "ngại" điều chỉnh giá sản phẩm, đó là lo ngại xăng dầu giảm giá không mang tính bền vững, ổn định, có thể chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng. Ông Lê Hoàng Anh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, phân tích, thị trường Việt Nam có độ mở rất lớn và chịu tác động rất lớn từ nền kinh tế thế giới.

"Thị trường quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn nên giá xăng dầu có thể còn biến động, gây tâm lý e ngại của doanh nghiệp, giá cả hàng hóa vì thế chưa thể giảm được", ông Hoàng Anh nói. 

Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng khẳng định phải dự phòng những rủi ro, vì thế cần tính toán chiến lược dài hạn. 

Khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là rất khó

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tư thương trục lợi, người mua thỏa hiệp

Bên cạnh sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp thì một lượng hàng hóa rất lớn khác trên thị trường tự do cũng đang "cố thủ" không giảm. Đáng chú ý, đây là thị trường rộng lớn, tự phát nên rất khó kiểm soát. Khi giá xăng dầu tăng, hàng hóa ở đây cũng tăng giá nhanh nhất, mạnh nhất, ngược lại khi xăng dầu giảm nhiệt, mặt bằng giá cả hiện lại giữ nguyên. 

Nhiều chuyên gia nhận xét, chuyện tăng giá kiểu "tát nước theo mưa" dường như là thói quen xấu của tiểu thương tự do, trong khi việc giảm giá lại phải xuất phát từ lợi ích nên họ thường ít khi chủ động.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: "Khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là rất khó".

Ông Dũng dự đoán, các tiểu thương sẽ tiếp tục giữ giá để hưởng lợi cho đến khi thị trường phản ứng tiêu cực thì họ mới thay đổi giá.

TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định: “Tâm lý của người bán hàng là thuận mua, vừa bán, nên khi giá cả đưa ra được chấp nhận rồi thì động lực để hạ xuống là không có. Giữ được mức giá đã được chấp nhận mang lại nguồn lợi ích lớn cho họ. Chỉ khi nào mức độ cạnh tranh thị trường khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận thì các doanh nghiệp, tư thương mới chấp nhận thay đổi”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng các mặt hàng tự do hiện đang được mua - bán tự phát vì người kinh doanh càng giữ được giá cao thì lợi nhuận càng cao.

"Chính vì thế, đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chính là đối tượng khiến giá hàng hóa khó hạ, khi hầu hết các sản phẩm đều đang vận hành theo cơ chế thị trường thì việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung - cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống. Theo TS Nguyễn Bích Lâm, chính tâm lý này đã góp phần khiến các mặt hàng khác khó hạ giá.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, người tiêu dùng Việt dễ bức xúc, dễ lên án nhưng cũng dễ thỏa hiệp. Rất ít người có xu hướng "tẩy chay" những cửa hàng, những địa chỉ bán giá bất hợp lý, khiến người bán không e ngại trong việc đẩy giá hoặc "cố thủ" mức giá cao dù có thể hạ.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn