Ngày 22/12, toàn bộ thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng khi các lệnh trừng phạt cũ tỏ ra không có tác dụng, Triều Tiên vẫn cương quyết theo đuổi các chương trình tên lửa và hạt nhân, lệnh trừng phạt mới sẽ sớm chịu cùng số phận.
Lệnh trừng phạt mới bắt đầu từ tháng 1/2018 sẽ gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp nặng của Triều Tiên, bao gồm ngành chế tạo máy móc, ngành hóa chất và ngành quân giới.
Ngoài ra theo yêu cầu của Mỹ, hoạt động nhập khẩu dầu của Triều Tiên sẽ bị hạn chế xuống mức rất thấp và tất cả tàu hàng của Triều Tiên trên vùng biển mở có khả năng bị kiểm tra bất cứ lúc nào.
Chuyên gia về Triều Tiên Lu Chao ở Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc nhận định lệnh trừng phạt này sẽ dồn Triều Tiên vào chân tường. Lệnh trừng phạt mới sẽ cắt giảm đến 90% lượng dầu tinh chế mà Triều Tiên có thể nhận được, cũng như cấm Triều Tiên xuất khẩu một số loại mặt hàng và yêu cầu trục xuất lao động của Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài.
Nhưng những lệnh trừng phạt và cấm vận này không có tác dụng bởi lẽ Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân là biện pháp tự vệ và Washington tiếp tục quả quyết rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân. Còn phía Bắc Kinh thay đổi quan điểm của mình và cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến một số khu vực nhạy cảm ở biên giới Trung – Triều.
Trong khi các cường quốc trên thế giới tiếp tục tranh cãi về việc làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các chuyên gia quân sự và an ninh Trung Quốc nhận định rằng lệnh cấm vận mới của Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng sẽ chẳng có hiệu quả hơn những động thái trước đó là mấy trong việc yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Chuyên gia Triều Tiên Zhao Tong tại Bắc Kinh cho rằng bất cứ lệnh cấm vận mới nào sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực. “Nếu việc phong tỏa kinh tế và cô lập chính trị không đủ để khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thì nguy cơ chiến tranh sẽ trở nên rõ rệt”, chuyên gia Zhao nhận định.
Video:Toàn cảnh vụ thử tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11 của Triều Tiên
Giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế Zhang Liangui nhận định, áp lực kinh tế thuần túy sẽ không thể gây ra bắt cứ tác động về mặt chính sách nào đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Trong tình hình hiện tại, Triều Tiên sẽ tiếp tục chính sách thúc đẩy chương trình phát triển hạt nhân của mình. Mỹ tuyên bố sẽ không thừa nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân. Nếu các cuộc đàm phán và các lệnh trừng phạt không có hiệu quả và không bên nào chịu lùi bước, chiến tranh là điều tất yếu”, ông Zhang nhận định.
Bình luận