"Chất lượng cuộc tranh luận lần này rất tốt so với lần trước, không có chuyện hai ứng viên phá ngang, cắt lời nhau và cả hai đều tôn trọng thời gian tranh luận. Phong thái khi tranh luận của ông Trump và ông Biden cũng tốt hơn nhiều", Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới, Điều phối viên Chương trình Thạc sĩ Chính sách công Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận về buổi tranh luận thứ hai của hai ứng viên Tổng thống Mỹ.
Buổi tranh luận trực tiếp vừa diễn ra tại Tennessee sáng 23/10 dưới sự điều phối của Kristen Welker, người dẫn chương trình của đài NBC, được đánh giá là có chất lượng hơn so với lần đầu. Ông Donald Trump và ông Joe Biden trình bày những quan điểm về các vấn đề chống COVID-19, gia đình Mỹ, cuộc đua ở Mỹ, thay đổi khí hậu, an ninh quốc gia và sự lãnh đạo.
TS. Vũ Hoàng Linh đánh giá cao nội dung tranh luận của cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Dù chưa thể nhận định được ai có lợi thế hơn sau cuộc tranh luận lần này nhưng TS. Vũ Hoàng Linh cho rằng đương kim Tổng thống Donald Trump có màn thể hiện nhỉnh hơn so với đối thủ cạnh tranh.
"Tôi cho rằng hai ứng viên thể hiện được quan điểm, ý kiến với đường lối chính sách rõ ràng hơn trước rất nhiều. Ai thắng thì khó có thể bình luận chính xác được vì hai ứng viên đều làm tốt phần việc của mình. Nếu so sánh, ông Trump có lẽ làm được nhiều hơn, gây ấn tượng hơn với cử tri, nhất là những người có ấn tượng chưa tốt về ông. Đây là sự ngạc nhiên thú vị trong cách ông Trump cải thiện hình ảnh", TS. Vũ Hoàng Linh nhận xét.
"Phần tranh luận về COVID-19 của ông Trump rất thuyết phục. Chỉ có một vấn đề, mà chúng ta cũng dự đoán được, đó là tấn công cá nhân. Về gia đình ông Biden, ông Trump hơi làm quá. Ông ấy quay đi quay lại khá nhiều và có những cáo buộc hơi nặng nề. Tôi không chắc là những điều đó hoàn toàn chính xác".
Các vấn đề về kinh tế không được đưa ra trực tiếp trong chủ đề của cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Dù vậy, cả ông Trump và ông Biden đều có những luận điểm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là vấn đề việc làm khi trình bày quan điểm về 6 chủ đề được nêu ra.
Ví dụ, trong phần tranh luận về cuộc chiến chống COVID-19, vấn đề khôi phục kinh tế cũng được nhắc tới và là một trong những điểm trái ngược giữa hai ứng viên. Theo đánh giá của TS. Vũ Hoàng Linh, cả ông Trump lẫn ông Biden đều phải đưa ra những lựa chọn đánh đổi, thậm chí có thể phi đạo đức.
"Mỗi nhà lãnh đạo ở một thời điểm nào đó sẽ phải đưa ra lựa chọn mà khó có thể biết được làm thế nào thì tốt hơn. Đánh giá một sự việc xảy ra dễ hơn nhiều so với khi quyết định làm hay không làm, vì cả hai trường hợp đều gây ra tổn thất rất lớn", vị chuyên gia kinh tế chia sẻ.
"Đóng cửa kinh tế thì tổn thất rất rõ ràng. Cứu trợ của chính phủ không là gì so với thiệt hại. Mặt khác, đóng cửa kinh tế để giảm số người nhiễm bệnh và thiệt mạng thì cũng gây ra nguy cơ cho nhiều người khác.
Tính mạng con người có thể tính được về mặt kinh tế, nhưng về mặt đạo đức là vô giá. Mỗi nhà lãnh đạo khi quyết định chấp nhận hi sinh tính mạng con người đổi lấy lợi ích kinh tế thì phải rất dũng cảm. Tôi không thể đánh giá lựa chọn đó là đúng hay sai. Đó là quyết định khó với bất cứ người nào và rất nhạy cảm về chính trị".
Việc ông Trump và ông Biden trình bày các vấn đề tranh luận theo khía cạnh kinh tế cho thấy tầm quan trọng của yếu tố này trong chiến lược tranh cử cũng như đường lối lãnh đạo của cả hai. Với những quan điểm rất khác biệt giữa hai ứng viên, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế không chỉ của Mỹ mà là cả thế giới.
"Chính sách kinh tế của hai ứng viên đã được định hình rất rõ trong chương trình tranh cử", TS. Vũ Hoàng Linh nhận xét.
"Ông Trump sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách từ trước, thể hiện quan điểm kinh tế của những người bảo thủ là bảo vệ sản xuất trong nước, khước từ các hiệp định quốc tế mà ông ta cho là bất bình đẳng đối với Mỹ, cùng với đó là giảm thuế và các chính sách xã hội.
Ông Biden nhìn chung sẽ làm tương tự như Barack Obama, thể hiện mạch chính của Đảng Dân chủ nhưng không cấp tiến như Bernie Sanders. Nếu ông Biden đắc cử, Mỹ có thể sẽ tham gia lại các hiệp định thương mại, tăng thuế, tất nhiên có hứa hẹn không tăng thuế người nghèo, đồng thời có chương trình thay đổi về biến đổi khí hậu".
Bình luận