Sau khởi đầu không suôn sẻ tại giải giao hữu U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2016 (thua U21 Thái Lan 0-1), U21 Hoàng Anh Gia Lai đã trở lại với chiến thắng ấn tượng 3-1 trước U21 Gangwon , qua đó lọt vào bán kết và đối đầu với U21 Yokohama.
Video: U21 HAGL 3-1 U21 Gangwon
Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, chiến thắng hôm qua đã mở ra một góc nhìn khác trong vấn đề mà U21 HAGL gặp phải, đồng thời lí giải nguyên nhân Xuân Trường cùng các đồng đội thất bại trong trận đấu đầu tiên.
"Báo chí cho rằng, U21 HAGL thua trận đầu tiên do không đảm bảo yếu tố thể lực, do các em phải đá nhiều, mệt quá nên không triển khai được lối đá quen thuộc để vượt qua đối thủ như 2 năm về trước.
Nếu thực sự U21 HAGL thua về thể lực không đảm bảo, thì tại sao hôm qua các em lại chơi hay và nhiệt huyết như vậy? Trước U21 Gangwon, các cầu thủ U21 HAGL chạy rất nhiều, thể hiện nền tảng thể lực sung mãn dù thời gian nghỉ giữa hai trận đấu chỉ có vỏn vẹn 2 ngày - ít hơn cả thời gian U21 HAGL chuẩn bị cho trận gặp U21 Thái Lan.
Do đó, yếu tố thể lực không phải vấn đề mà U21 HAGL gặp phải. Hoặc nếu đó là vấn đề, thì không phải là vấn đề duy nhất".
Chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, nguyên nhân then chốt dẫn tới khó khăn của U21 HAGL ở lượt trận đầu nằm ở tâm lý thi đấu của các cầu thủ.
"Lứa cầu thủ hiện tại của HAGL từng đánh bại U21 Thái Lan đến 3-0. Trong đội hình của HLV Guillaume Graechen cũng có đến 4 cầu thủ từng khoác áo tuyển Việt Nam dự AFF Cup vừa rồi, đó là Xuân Trường, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Thanh.
Từ đó, chúng ta dễ dàng nhận định: U21 HAGL sẽ vượt qua người Thái ở trận mở màn. Nhưng khi vào trận, các cầu thủ nhận ra đối phương mạnh mẽ và sắc sảo hơn chúng ta tưởng. Khi họ mạnh hơn chúng ta nghĩ, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, không tự điều khiển được mình và đánh mất thế trận - đó chính xác là những gì U21 HAGL đã trải qua.
Gặp U21 Gangwon, các cầu thủ U21 HAGL đã không còn vướng phải bài toán tâm lý. Ngay lập tức, toàn đội như được "giải thoát", gỡ chì khỏi chân và trình diễn lối đá đẹp mắt như trận đấu tối qua. Nói tóm lại, vật cản lớn nhất của U21 HAGL cũng như bóng đá Việt Nam vẫn nằm ở yếu tố tâm lý mà thôi".
Không chỉ có U21 HAGL, tâm lý bất ổn cũng là vấn đề của U21 Việt Nam (chỉ có 1 điểm và ghi vỏn vẹn 1 bàn thắng duy nhất sau 2 trận). Theo HLV Phạm Minh Đức, các cầu thủ U21 Việt Nam "nhút nhát quá, không dám tấn công dù đã bị đối phương dẫn bàn" hay không biết câu giờ, dẫn bóng về cột cờ góc để bảo vệ tỉ số.
Thậm chí, HLV Phạm Minh Đức còn so sánh U19 Việt Nam hiện tại "kém xa" so với lứa của Công Phượng, Xuân Trường 2 năm về trước.
Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, so sánh như vậy ở thời điểm này là không tinh tế, không hợp lý dù phát biểu nói trên chỉ là một phần trong cá tính của Phạm Minh Đức.
"Nếu nói: Lứa U19 Việt Nam hiện tại "kém xa" lứa U21 Thái Lan hay U21 Yokohama thì chẳng ai có thể phàn nàn gì. Vì thực lực của chúng ta chưa bằng đối thủ nên mới thất bại ở giai đoạn vòng bảng.
Dù được dự vòng chung kết U20 World Cup, lứa U19 cũng không thể ngang tầm với các cầu thủ U21 của nước bạn được với mức chênh tuổi tác như vậy. Như thế sẽ hay hơn là so sánh hai lứa cầu thủ của Việt Nam với nhau".
Nhận định về triển vọng của hai đội bóng Việt Nam ở vòng bán kết, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng:
"Đối thủ (U21 Thái Lan và U21 Yokohama) có thực lực nhỉnh hơn chúng ta, song U21 Việt Nam và U21 HAGL có sự cổ vũ của khán giả nhà. Nếu HLV tính được điểm rơi phong độ và ổn định tâm lý cho các cầu thủ, có thể chúng ta sẽ có được kết quả tích cực.
Như đã nói, vấn đề cốt lõi vấn là tâm lý. Hy vọng cả hai đội sẽ vượt qua rào cản tâm lý và có ít nhất một trong hai đội lọt vào trận đấu cuối cùng".
Bình luận