Ngày 27/4, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại Bàn Môn Điếm với sự tham gia của các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc.
Sau hơn 1 thập kỷ, các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc lần đầu tiên gặp mặt trực tiếp. Sau hội nghị, hai bên ra tuyên bố chung, cam kết ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt 65 năm chiến tranh trong năm nay.
Nhân sự kiện này, VTC News phỏng vấn ông Dermot Hudson, Chủ tịch Nhóm nghiên cứu Tư tưởng Chủ thể Kim Nhật Thành tại Anh và Đại biểu Chính thức Hội hữu nghị Triều Tiên.
Ông Hudson cho rằng: "Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 là bước đi đầu tiên, nhưng để đạt được ước nguyện thống nhất, động lực mà sự kiện này tạo ra phải được tiếp tục duy trì trong tương lai".
- Dư luận thế giới rất ủng hộ và tỏ ra lạc quan sau khi lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên hội đàm, theo ông, cuộc gặp lịch sử ngày 27/4 sẽ mang đến tương lai gì cho bán đảo?
Hội nghị và tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo liên Triều sẽ mở đường cho độc lập và thống nhất trong hòa bình của 2 miền Triều Tiên, 2 miền sẽ có khả năng thống nhất hòa bình, không cần sử dụng đến giải pháp quân sự.
Một số đơn vị truyền thông cho rằng sự kiện này chấm dứt cuộc chiến kéo dài 65 năm giữa 2 miền Triều Tiên, tuy nhiên truyền thông Triều Tiên khẳng định họ không có tình trạng chiến tranh với miền Nam và đây là điều hoàn toàn thực tế.
Cuộc chiến họ nhắc đến ở đây thực chất là cuộc chiến giữa Triều Tiên và Mỹ, phải nói rõ rằng Hiệp định đình chiến năm 1953 được ký kết giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ.
Ngoài ra, truyền thông quốc tế cũng cho rằng Triều Tiên sử dụng hội nghị thượng đỉnh liên Triều để tìm kiếm cơ hội nới lỏng các lệnh trừng phạt, nhưng điều này không đúng.
- Vì sao không đúng, thưa ông?
Trước tiên, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này phù hợp với chính sách thống nhất mà Đại hội lần thứ VII của Đảng Lao động Triều Tiên thông qua, cũng như đề nghị mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu trong Thông điệp Năm mới 2018 của ông. Sau đó, cần phải khẳng định Triều Tiên hoàn toàn đủ khả năng đối phó với các biện pháp cấm vận bằng chính sách tự lực của mình.
Triều Tiên không chờ đợi việc sở hữu vũ khí hạt nhân trước rồi mới tổ chức đàm phán. Trên thực tế Bình Nhưỡng từng nhiều lần đề xuất đàm phán và đối thoại nhưng Hàn Quốc không chấp nhận những lời đề nghị này. Song ở thời điểm này, Seoul lại có một số thay đổi, dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Video: Triển vọng cho tình hình bán đảo Triều Tiên
- Trước hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi đó còn là Giám đốc CIA có cuộc gặp bí mật với ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, điều này liệu có ảnh hưởng gì đến cuộc gặp giữa lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên?
Mỹ và Triều Tiên từng vài cuộc đàm phán, đôi khi công khai và đôi khi bí mật. Cuộc gặp của ông Mike Pompeo lần này với ông Kim Jong-un là một phần của tiến trình đàm phán Mỹ - Triều.
Cuộc gặp này có thể có kết quả tốt đối với cả Mỹ và Triều Tiên cũng như 2 miền Triều Tiên, tuy nhiên điều này phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả nó cũng như các lần đàm phán tiếp theo. Tôi cho rằng, nếu Washington ngừng các chính sách chống Bình Nhưỡng và ngừng can thiệp vào tình hình của bán đảo Triều Tiên, đây sẽ là kết quả tốt cho tất cả các bên.
Mặc dù ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa, tuy nhiên nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định rằng Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại các hoạt động này nếu họ bị bất cứ cường quốc hạt nhân nào đe dọa.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, cụ thể trong trường hợp Mỹ ngừng đe dọa tấn công hạt nhân Triều Tiên điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi cho rằng, Mỹ cần chấm dứt đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên vĩnh viễn, cũng như từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và không thay đổi quyết định này, lúc đó khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mới trở thành hiện thực.
- Vậy theo ông, điều kiện gì để đảm bảo khả năng phi hạt nhân hóa và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên?
Tôi cho rằng 2 miền Triều Tiên sẽ thực sự thống nhất và hoàn thành ước nguyện thống nhất của mình, ước nguyện được mong chờ trong nhiều thập kỷ qua.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 là bước đi đầu tiên, nhưng để đạt được ước nguyện thống nhất, động lực mà sự kiện này tạo ra phải được tiếp tục duy trì trong tương lai. Tôi cho rằng nếu vai trò của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên chấm dứt thì 2 miền Triều Tiên sẽ đi đến thống nhất.
- Nếu khả năng phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể trở thành sự thật thì cơ hội gặp gỡ của ông Kim Jong-un với các lãnh đạo thế giới khác sau sự kiện này sẽ thế nào?
Sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, hoàn toàn có thể có các cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, ví dụ như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay thậm chí là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cần phải khẳng định, Bình Nhưỡng cam kết xây dựng mối quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia tôn trọng độc lập, chủ quyền của Triều Tiên và ủng hộ sự thống nhất của 2 miền Triều Tiên.
Tôi rất ấn tượng với việc Triều Tiên ủng hộ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Syria Bashar Assad, đây là ví dụ cụ thể cho việc Bình Nhưỡng luôn có hành động để bảo vệ hòa bình và đó cũng là chủ nghĩa quốc tế được hiện thực hóa.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận