"Những gì chúng tôi mong đợi Tokyo và Washington sẽ làm là định hình hành vi của Bắc Kinh theo cách tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế" - ông Kavi Chongkittavorn, chủ mục tờ Bangkok Post và là chuyên gia của Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nói.
Hoan nghênh vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp viện trợ và đầu tư kinh tế lớn cho ASEAN, ông Kavi đồng thời có quan điểm thận trọng về chủ trương an ninh của Bắc Kinh, đặc biệt liên quan đến các hoạt động quân sự hóa và thử tên lửa gần đây ở Biển Đông.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của giảm leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bác bỏ ý kiến cho rằng ASEAN nên đứng về phía Mỹ và Nhật Bản để chống lại Trung Quốc, quốc gia mà một số nhà phê bình coi là "phá hoại trật tự quốc tế tự do, cởi mở và dựa trên luật lệ", theo Kyodo News.
"ASEAN không lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc", ông nói. "Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt với các cường quốc bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ", nhà phân tích khẳng định.
Theo ông Kavi, mối quan hệ Nhật-Trung và Mỹ-Trung ổn định là quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của Đông Nam Á, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh - hai nền kinh tế thứ nhất và thứ 2 thế giới - đã khiến kinh tế khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Nhà báo Thái Lan cho rằng ASEAN hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác để thúc đẩy nền kinh tế và phát triển khu vực, trong khi mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã được cải thiện rõ rệt, và không có giải pháp dễ dàng nào cho cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông chỉ ra tầm quan trọng của một sáng kiến Nhật-Trung thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế chung ở nước thứ ba.
"Với tư cách là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Thái Lan muốn hai nước thực hiện nhiều dự án trong khu vực, hy vọng Nhật Bản sẽ dẫn dắt Trung Quốc tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế như đảm bảo tính minh bạch trong đầu tư và sự bền vững nợ của nước nhận", ông Kavi nói.
"Cả hai nước đều có những gì khu vực cần. Trung Quốc có vốn và nhân lực, trong khi Nhật Bản có chuyên môn công nghệ và sự tinh tế", Kavi phân tích thêm
Về căng thẳng Mỹ-Trung, ông Kavi cho biết: "Tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thảo luận nghiêm túc khi các nhà lãnh đạo ASEAN gặp nhau vào tháng 6 tại Bangkok. Họ muốn biết điều gì sẽ là kết thúc, và nhất là những gì sẽ là mục tiêu mới của Mỹ ở Đông Nam Á."
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017 gia tăng sự hoài nghi của khu vực với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thúc đẩy thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương đặc biệt khi Tổng thống Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước nhất".
Tuy nhiên, để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cả về kinh tế và quân sự, ông Trump đã đưa ra một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong chuyến công du châu Á đầu tiên vào tháng 11/2017. Nhưng ông không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm ngoái, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của siêu cường đối với khu vực.
Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần này, Ngoại trưởng Mỹ mang đến thông điệp trấn an rằng Mỹ vẫn tham gia đầy đủ ở châu Á khi Trung Quốc ngày càng mong muốn hiện diện chính trị và quân sự nhiều hơn ở các nước láng giềng.
"Chính quyền Mỹ không chỉ nói về cam kết của chúng tôi với khu vực, chúng tôi đang tích cực theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với đồng minh và đối tác", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một cuộc họp ngắn trước chuyến đi. Điều đó bao gồm "đảm bảo tự do biển và bầu trời; các quốc gia có chủ quyền cách ly khỏi sự ép buộc bên ngoài", quan chức này nói thêm.
Bình luận